Sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, báo chí
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin dự án hồ chứa nước Ka Pét hình thành trên 600ha đất rừng tại xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).
Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì buổi họp báo. Tham dự buổi họp báo còn có ông Dương Văn An - Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, đại diện các sở ngành liên quan, đơn vị quản lý rừng nơi dự kiến làm dự án hồ chứa nước Ka Pét và hơn 50 phóng viên báo chí.
Phát biểu mở đầu buổi họp báo, ông Dương Văn An cho hay, dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được đưa ra lấy ý kiến từ lâu, được Quốc hội phê duyệt vào năm 2019 và điều chỉnh vào năm 2023.
Quá trình đó, dự án nhận được các đóng góp nhưng không có nhiều ý kiến phản đối dự án. Tuy nhiên, mới đây, từ một bài báo, dư luận cả nước lại quan tâm rất nhiều đến dự án này, trong đó có người ủng hộ, người không ủng hộ.
Người dân Bình Thuận đang chịu cảnh khô hạn hàng năm ủng hộ cho rằng dự án cần thiết, người không ủng hộ lại cho rằng Bình Thuận phá rừng. Trước sự việc này, Bình Thuận tổ chức họp báo để thông tin đầy đủ về quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án trình các cấp phê duyệt, cũng như quy mô, cách thức khai thác, bảo vệ rừng.
Ông Dương Văn An khẳng định, buổi họp báo sẽ trả lời thẳng thắn tất cả các câu hỏi mà dư luận quan tâm. Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nói mới đây có đoàn đi khảo sát, nhưng đi vào mùa mưa chỉ mới thấy một nửa thực tế khó khăn của người dân. Nếu đi thêm vào mùa khô sẽ hiểu được nỗi khổ của người dân như thế nào.
“Là người lãnh đạo ở địa phương mà không lo cho dân là có lỗi. Giữ rừng cũng cho dân, giữ nước cũng cho dân để bảo vệ sinh thái, tăng độ ẩm. Nói một chiều chỉ nói về rừng thì bao nhiêu người dân, bao nhiêu gia súc, gia cầm, bao nhiêu cây trồng phải chịu khô hạn”, báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận.
Ông Dương Văn An nói thêm: "Làm lãnh đạo nếu ngại va chạm dư luận xã hội, gió chiều nào theo chiều ấy, đẽo cày giữa đường thì dễ quá. Tôi nhớ lời Bác Hồ nói việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng quyết tâm làm, việc gì có hại cho dân thì dù nhỏ cũng cố sức tránh. Làm ở đây không phải làm bất chấp, không phải làm không có khoa học, làm theo kiểu phá hoại".
Cũng theo ông Dương Văn An, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, báo chí, nếu có gì bất cập, bất hợp lý ảnh hưởng môi trường, phá hệ sinh thái đến mức nặng nề, không thể khắc phục, tỉnh sẽ sẵn sàng điều chỉnh, không bảo thủ. Tỉnh Bình Thuận xác định việc đúng thì quyết tâm làm, sai thì chỉnh sửa, tiếp thu, không bảo thủ.
Lý do chọn vị trí hiện tại để xây dựng hồ
Trước câu hỏi vì sao phải chọn vị trí hiện tại có nhiều rừng để làm hồ thủy lợi, ông Nguyễn Công Thành - Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng Miền Trung (đơn vị tư vấn), trả lời rằng căn cứ đặc điểm địa hình Bình Thuận trên toàn bộ vùng dự án khảo sát thì chỉ có 2 điểm có thể đáp ứng được các điều kiện để triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét.
Với phương án vị trí 1, có lưu vực sinh thủy lớn (136km2) nên nguồn nước dồi dào hơn nhưng khi xây dựng hồ tại vị trí này thì toàn bộ khu canh tác 127ha của đồng bào xã Mỹ Thạnh (đây là khu canh tác sản xuất chính của bà con), cầu Bà Bích và 3,5km đường Quốc lộ 1 - Mỹ Thạnh sẽ bị ngập trong lòng hồ.
Vì thế, cần làm đoạn đường tránh đi theo ven lòng hồ phía Đông có chiều dài khoảng 7,5km. Ngoài ra còn ngập khoảng 620 ha đất rừng (trong đó có khoảng 25 ha rừng đặc dụng, còn lại là rừng sản xuất). Mặt khác, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì phải xây dựng tuyến đập dài 550m và chiều cao đập tới 32 m nên chi phí đầu tư sẽ rất lớn.
Với phương án vị trí 2 (phương án chọn hiện nay), có lưu vực sinh thủy 95,5km, để tạo ra được hồ có dung tích trên 51 triệu m3 thì chiều dài tuyến đập chỉ khoảng 179m và chiều cao đập khoảng 28,5m.
Ưu điểm vượt trội của phương án này là không gây ngập khu đất canh tác 127ha của đồng bảo xã Mỹ Thạnh, không ảnh hưởng đến cầu Bà Bích và đường Quốc lộ - Mỹ Thạnh.
Do tuyến đập chính ngắn hơn, chiều cao thấp hơn, không phải đền bù đất nông nghiệp và không phải làm đoạn đường tránh nên chi phí thấp hơn nhiều so với phương án 1. Phương án này chỉ có nhược điểm lớn nhất là gây ngập 618,73 ha đất rừng.
Báo Người Lao Động đưa tin, qua phân tích, so sánh hai phương án tuyến về cả kinh tế và kỹ thuật cho thấy phương án vị trí 2 là phương án có ưu điểm nổi trội. Vì vậy nên chọn phương án vị trí 2 làm vị trí xây dựng hồ chứa nước Ka Pét là phù hợp với các quy hoạch hiện nay, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của nhân dân địa phương đồng thời đây cũng là phương án tối ưu về cả kinh tế lẫn kỹ thuật.
Liên quan đến vấn đề vì sao không nâng cấp, cải tạo từng hồ nhỏ mà phải làm hồ Ka Pét tới 51 triệu m3 để có nguy cơ mất một diện tích lớn rừng tự nhiên, ông Thành cho rằng lưu vực tạo nguồn nước cho hồ không có, vùng thu nước lớn không đảm bảo để xây dựng, cải tạo hồ. Lý do thứ hai là nếu cải tạo hồ thì ngoài nguồn nước còn an toàn hồ chứa, nâng cấp đập, tràn xả lũ và một số việc an toàn công trình khác.
Việc kết nối các hồ nhỏ với nhau phải phụ thuộc điều kiện địa hình, chỉ có kết nối các hồ ở vùng cao xuống vùng thấp. Vì vậy, phải chọn hồ Ka Pét trên cao, khi xây dựng xong sẽ kết nối với các hồ, công trình phía dưới thì dự án mới phát huy được hiệu quả.
Với câu hỏi mật độ, trữ lượng cây rừng bao nhiêu m3/ha để đánh giá là rừng nghèo, rừng giàu và rừng trung bình và trong diện tích rừng đặc dụng ảnh hưởng trong dự án có bao nhiêu ha rừng giàu, ông Lê Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, theo quy định của Bộ NN&PTNT, rừng giàu là có trữ lượng trên 200m3/ha trở lên. Trong số toàn bộ hơn 600 ha trong dự án, qua điều tra chỉ có 12,2 ha là rừng giàu nằm ở lâm phần Ban quản lý rừng Sông Móng - Ka pét.
Ông Sơn khẳng định, đây không phải rừng nguyên sinh mà là rừng thứ sinh vì từ năm 1983 đến năm 2002, Nhà nước có chủ trương cho phép khai thác chọn tại rừng này, theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM.
Khai thác chặt chẽ, kiên quyết không xâm phạm ngoài ranh giới
Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Sơn, sau khi được thẩm định và hoàn tất các thủ tục thì sẽ lập phương án khai thác rừng trong khu vực dự án, điều tra đánh giá từng cây từ 10 cm trở lên. Cơ quan chức năng xác định trữ lượng lâm sản rồi sẽ đấu giá để khai thác.
"Chúng tôi tính khu nào cần thiết sẽ tính toán bán đấu giá trước, bàn giao mặt bằng xây lòng hồ trước. Phần còn lại sẽ bán đấu giá cuốn chiếu. Về giám sát quản lý thì Sở sẽ có trách nhiệm bàn giao giám sát ranh giới dự án theo kết quả đấu giá. Còn bên ngoài dự án nếu khai thác xâm hại qua bên ngoài sẽ xử lý ngay.
Chúng tôi sẽ đánh dấu bằng xịt sơn, căng dây hiện trường để tránh lần qua vào dự án. Khai thác chặt chẽ, đảm bảo, vận chuyển nghiệm thu rừng trong khu vực dự án", ông Lê Thanh Sơn chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo các tác động môi trường (ĐTM) cho dự án được thực hiện từ năm 2018 theo hình thức đấu thầu rộng rãi.
Thời điểm đó, có 4 nhà thầu nộp hồ sơ nhưng khi mở thầu có 3 nhà thầu dự. Theo đánh giá, đơn vị tư vấn được chọn đảm bảo các điều kiện về năng lực mời thầu. Hiện dự án đang làm giai đoạn điều chỉnh báo cáo ĐTM để trình Bộ TN&MT thẩm định.
Về lý do xây dựng hồ Ka Pét trước, ông Nguyễn Hữu Phước – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận, cho rằng Bình Thuận còn 12 hồ chứa quy hoạch xây dựng trong tương lai. Tuy nhiên, đa số là các hồ nhỏ, chỉ có hồ Ka Pét và hồ La Ngâu là có diện tích lớn.
“Chúng tôi chọn xây dựng hồ Ka Pét trước vì để đảm bảo mạng lưới hồ chứa cung cấp nước cho hạ lưu. Huyện Hàm Thuận Nam là vùng khô hạn, thủy lợi chỉ mới đáp ứng tưới 15% diện tích nông nghiệp. Còn nhiều đất nông nghiệp bỏ hoang, nên phải cấp thiết đầu tư.
Nhiều xã xung quanh dự án Ka Pét hàng năm không có nước. Một tháng mùa khô chỉ tưới thanh long 1 phiên nước cho cây sống, chứ khó cho cây ra quả thanh long vì không đủ nước. Vì vậy phải tập trung đầu tư Ka Pét để giải quyết khô hạn cho Hàm Thuận Nam”, báo Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Hữu Phước.
XEM THÊM: Xôn xao thông tin "đánh đổi" 600 ha rừng làm hồ Ka Pét, UBND tỉnh Bình Thuận nói gì?
Kết thúc buổi họp báo, khi được hỏi việc hy sinh hơn 600ha rừng để làm hồ chứa nước có xứng với lợi ích dự án mang lại, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hồng Hải chia sẻ: "Đầu buổi Bí thư Dương Văn An cũng đã nói rất rõ".
Ông Nguyễn Hồng Hải xin dẫn một đoạn trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (tháng 11/2019) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Theo đó, khi có ý kiến đề nghị đánh giá hiệu quả mang lại cua dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu dự án là công trình thủy lợi đa mục tiêu, được xây dựng trên địa bàn thường xuyên bị khô hạn sẽ góp phần giải quyết thêm 30% nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước thô sinh hoạt cho trên 120.000 người dân và khu công nghiệp.
Qua phân tích đánh giá, hiệu quả kinh tế, xã hội và tác động môi trường của dự án thì hiệu quả mang lại rất lớn.
Đinh Kim (T/h)