(ĐSPL) - Ông Khuất Văn Thành – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội Hà Nội cho biết, nếu có sự việc xảy ra, trách nhiệm thuộc về huyện Thanh Trì, bởi đã có quy định rõ ràng về xét duyệt hộ nghèo.
Liên quan tới vụ việc người dân thôn Tương Chúc (xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh gia đình ông Bí thư Chi bộ thôn Vũ Văn Quy thuộc diện hộ nghèo dù có nhà 3 tầng trong gần 10 năm qua.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Khuất Văn Thành – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội Hà Nội cho biết, ông chưa nhận được thông tin phản ánh trên. Ông Thành cũng cho biết, trong trường có sự việc trên thì trách nhiệm xử lý thuộc về huyện Thanh Trì, không liên quan đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, bởi việc xem xét hộ nghèo hay không đã có quy định rõ ràng.
Ông Khuất Văn Thành – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã Hội Hà Nội |
Phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết thêm, quy định để xét duyệt hộ nghèo bao gồm: đầu tiên thôn, xã sẽ lập phiếu chấm điểm thu nhập từng hộ gia đình, sau đó sẽ phát phiếu điều tra. Nếu như mức thu nhập của gia đình đó dưới mức chuẩn nghèo thì sẽ được thôn bình xét, sau đó đến xã niêm yết công khai, nếu như không có thắc mắc hoặc ý kiến thì sẽ đưa lên huyện để xác nhận hộ nghèo.
Theo quy định hiện hành, mức chuẩn để xét hộ nghèo ở nông thôn là dưới 550 nghìn/người/tháng, ở thành thị là dưới 750 nghìn/người/tháng. Việc công nhận hộ gia đình đó có được hộ nghèo hay không là do UBND huyện đó công nhận.
[mecloud]YyYLv4SvYt[/mecloud]
Nói về điều này, ngày 23/11, ông Vũ Văn Nhạn – Chủ tịch huyện Thanh Trì cho biết, ông chưa nhận được thông tin trên, tuy nhiên ông sẽ chỉ đạo phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Như tin tức đã đưa, tập thể các hộ dân thôn Tương Chúc (xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) xôn xao trước thông tin nhà ông Bí thư Chi bộ thôn Vũ Văn Quy (xã Ngũ Hiệp) thuộc diện hộ nghèo.
Thông tin người dân phản ánh, Bí thư Vũ Văn Quy có nhà 3 tầng, cơ sở tiện nghi trong ngôi nhà khá tươm tất gồm đầy đủ xe máy, tivi màn hình phẳng, tủ lạnh (gia đình có lắp cả camera chống trộm)… Đồng thời, con trai vị Bí thư này cũng có xe taxi kinh doanh. Tuy nhiên, ông Quy vẫn được xét duyệt hộ nghèo dù trong thôn còn nhiều người khác khó khăn hơn.
Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội vừa ban hành Thông tư 24/2014/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm. Quy định tổ chức bình xét ở thôn/bản, tổ dân cư: a) Chủ trì Hội nghị là Trưởng thôn/bản, tổ dân cư; tham dự hội nghị gồm đại diện Đảng ủy, UBND cấp xã, cán bộ giảm nghèo, bí thư chi bộ, chi hội trường các chi hội đoàn thể thôn/bản, tổ dân cư; các hộ có tên trong danh sách đưa ra bình xét; đại diện các hộ gia đình trong thôn/bản, tổ dân cư (hội nghị phải có trên 50\% đại diện hộ gia đình tham dự); b) Việc bình xét theo nguyên tắc dân chủ, công khai, khách quan và phải lấy ý kiến biểu quyết đối với từng hộ (theo hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín); kết quả biểu quyết phải có trên 50\% số người tham dự đồng ý mới đưa vào danh sách đề nghị: hộ thoát nghèo, cận nghèo; hộ nghèo, cận nghèo mới; c) Kết quả bình xét phải được ghi vào biên bản; biên bản và danh sách hộ nghèo, cận nghèo qua bình xét được lập thành 2 bản, có chữ ký của người chủ trì, thư ký cuộc họp: 1 bản lưu ở thôn/bản, tổ dân cư; 1 bản gửi Ban chỉ đạo cấp xã. |
NHÂN NHÂN
Xem thêm video Tin tức:
[mecloud]ncXpFSUnmN[/mecloud]