+Aa-
    Zalo

    Bị sốt bao nhiêu ngày thì nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết?

    (ĐS&PL) - Bị sốt bao lâu thì nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết là vấn đề được không ít người quan tâm, nhất là trong tình hình số ca mắc bệnh này có xu hướng gia tăng.

    Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần từ 9-16/9, Hà Nội ghi nhận thêm 760 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 38,9% so với tuần trước và có 1 ca tử vong. Thống kê từ đầu năm 2022 đến ngày 16/9, thành phố ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong.

    Các chuyên gia dịch tễ cho biết virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn trong năm 2022 là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4. Dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

    Khi nào nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết?

    VTC News dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thảo – Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viên Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, theo chu kỳ hàng năm, dịch sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng vào mùa mưa, dịch đạt đỉnh vào khoảng tháng 10 – 11.

    Người mắc sốt xuất huyết Dengue thường có các dấu hiệu:

    - Sốt cao 39 – 41 độ C, sốt đột ngột và liên tục 2 – 7 ngày.

    - Xuất huyết: Chấm xuất huyết ở da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, bầm tím chỗ tiêm.

    - Đau bụng (do gan bị sưng to ra).

    - Trụy mạch (sốc): Ngày thứ 3 – 6, hết sốt mà li bì hoặc bứt rứt, lạnh chân tay, tím môi, tiểu tiện ít, tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời.

    Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virus gây ra nên triệu chứng đầu tiên là sốt. Theo cảnh báo, thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Do đó, bác sĩ Thảo khuyên nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết từ ngày thứ 3 xuất hiện sốt.

    bi sot bao nhieu ngay thi ne di xet nghiem sot xuat huyet
    Các dấu hiệu cảnh báo nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ảnh minh họa: VTC News

    Nếu xuất hiện các triệu chứng như vật vã, lờ đờ, li bì, không ăn uống được, đau bụng, nôn ói hoặc khi có các triệu chứng xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc… thì bệnh nhân sốt xuất huyết cần nhập viện. Người bệnh cũng cần vào viện ngay nếu khi xét nghiệm tiểu cầu thấp dưới 30 g/L. Lưu ý, nếu trẻ sốt cao liên tục trên 2 ngày thì người nhà phải khẩn trương đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh.

    Được biết, sốt xuất huyết thường dẫn đến giảm tiểu cầu giảm do trong quá trình nhiễm virus, cơ thể sinh ra các kháng thể chống lại virus, vô tình các kháng thể đó phá hủy tiểu cầu qua cơ chế miễn dịch. Bên cạnh đó, virus nhiễm có thể gây ức chế tủy gây giảm tiểu cầu tạm thời.

    Tiểu cầu giảm sẽ dẫn đến xuất huyết như xuất huyết dưới da, niêm mạc (chảy máu cam, răng  miệng, vị trí nơi tiêm truyền…). Nghiêm trọng hơn là người bệnh chảy máu trong: đau bụng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, rong kinh…

    Theo quy định mới nhất của bộ Y tế năm 2019, người bị sốt xuất huyết cần truyền tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu dưới 50 g/L và xuất hiện các triệu chứng xuất huyết. Bệnh nân không có triệu chứng xuất huyết lâm sàng, tiểu cầu dưới 5 g/L thì mới cần truyền tiểu cầu.

    Cách điều trị triệu chứng sốt xuất huyết tại nhà

    "Người mắc sốt xuất huyết dengue mức độ nhẹ có thể được theo dõi điều trị ngoại trú tại nhà. Các biện pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt paracetamol nếu có sốt cao, uống nhiều nước (từ 2 đến 3 lít nước oresol hoặc/và nước hoa quả…).

    Ngoài ra, cần bổ sung vitamin các loại và dinh dưỡng hợp lý”, báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn lời TS Nguyễn Trọng Thế, Phó Chủ nhiệm khoa bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

    Sử dụng thuốc hạ sốt

    Paracetamol là thuốc hạ sốt chỉ định trong sốt xuất huyết khá an toàn, tuy nhiên, thuốc có khả năng gây độc trên gan, thận, nhất là sử dụng liều cao (15g/ngày với người lớn) hoặc dùng thuốc liều đúng chỉ định nhưng kéo dài (từ hơn 1 tuần).

    Thuốc đặc biệt có nguy cơ gây độc trên gan cao đối với người nghiện rượu. Liều dùng trong điều trị sốt xuất huyết là 15mg/kg thể trọng, cách nhau 4-6 giờ, không nên dùng quá 4 lần/ngày.

    Mọi người lưu ý, Aspirin và Ibuprofen là hai loại thuốc hạ sốt không được dùng khi sốt xuất huyết. Lý do là vì Aspirin có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên khiến việc chảy máu do sốt xuất huyết gây ra sẽ không cầm được, dẫn đến tình trạng xuất huyết thêm trầm trọng. Mặc dù không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như aspirin nhưng ibubrofen cũng khiến cho việc chảy máu trong sốt xuất huyết không cầm được.

    Bổ sung điện giải

    Với các trường hợp sốt xuất huyết nhẹ (độ 1 và 2), ưu tiên bù dịch bằng đường uống, chỉ truyền dịch khi bệnh nhân nôn nhiều, không uống được và phải truyền dịch tại cơ sở y tế.

    Nếu sốt xuất huyết nặng hơn, huyết tương thoát ra ngoài mạch nhiều, sốt cao làm mất nước khiến máu bị cô đặc lại, huyết áp tụt, tim nhanh dẫn đến trụy tim mạch, cần truyền dịch. Dung dịch được truyền là riger lactat.

    Bệnh nhân lưu ý không truyền dịch tại nhà vì khi bị sốt xuất huyết, cơ thể trở nên nhạy cảm, rất dễ bị sốc khi truyền dịch. Ngoài ra, nếu truyền thừa dịch thì sẽ gây rối loạn cân bằng muối nước, gây ứ nước trong các mô, tổ chức… nguy cơ dẫn đến tràn dịch màng phổi. Hơn nữa trong dung dịch ringer lactat có kali, nếu truyền thừa kali sẽ gây hại cho tim.

    Một điều nữa cần lưu ý là không sử dụng kháng sinh. Kháng sinh không tiêu diệt được virus, chỉ dùng nếu có bội nhiễm vi khuẩn và có chỉ định của bác sĩ.

    Khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà cần hết sức chú ý, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn như vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; đau bụng vùng hạ sườn; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, nước tiểu ít; xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh…

    Nếu thấy xuất hiện một trong các dấu hiệu này, bệnh nhân cần nhập viện để theo dõi điều trị nội trú do có nguy cơ diễn tiến nặng (sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng), thậm chí tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời.

    Sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Cách tốt nhất để tránh mắc sốt xuất huyết là áp dụng các biện pháp phòng bệnh:

    - Vệ sinh môi trường, xóa bỏ các ổ nước đọng trong nhà và xung quanh nơi ở, diệt loăng quăng (bọ gậy), phun thuốc diệt muỗi.

    - Tránh muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, mặc quần áo dài và thực hiện các biện pháp đuổi muỗi khác.

    - Khi trong khu vực sinh sống, làm việc xuất hiện có ca bệnh sốt xuất huyết dengue, công tác phòng chống dịch cần phải được triển khai mạnh mẽ với sự phối hợp của chính quyền, ngành y tế, các đoàn thể và toàn bộ người dân trong khu vực.

    Lưu ý, trẻ em (đặc biệt là nhũ nhi, trẻ em dưới 1 tuổi), phụ nữ có thai, người già, người béo phì, người suy giảm miễn dịch là những người có nguy cơ cao mắc sốt xuất uyết dengue nặng.

    Bên cạnh đó, cần lưu tâm đến nhóm người có nguy cơ bị chảy máu nặng gồm người đang dùng thuốc chống đông máu, người có bệnh lý về máu, kháng kết tập tiểu cầu, người có viêm loét dạ dày, tá tràng…

    Đinh Kim(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-sot-bao-nhieu-ngay-thi-nen-di-xet-nghiem-sot-xuat-huyet-a551804.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan