Ai cũng hiểu, quan hệ xã hội tốt sẽ mang lại nhiều thứ: Bạn học được những kinh nghiệm quý báu, có thêm hợp đồng, thậm chí có thêm hạnh phúc. Nhưng làm thế nào để phát triển những mối quan hệ ấy?
Muốn có xã giao tốt, bạn phải là người hữu dụng
Quan hệ xã giao, dành thời gian tám chuyện, đứng lại cười nói, lưu số tất cả mọi người để làm gì, khi đến lúc ta cần họ lại làm ngơ, chỉ bởi vì chúng ta không đủ ưu tú, không đủ giỏi giang. Quả là rất tàn nhẫn, nhưng ai lại muốn giúp đỡ một kẻ không có gì nổi bật đây, phải vậy không?
Năm ấy, tôi một mình lên thành phố mang theo lời bố dặn: "Nhớ chơi với nhiều bạn vào con nhé!". Vì thế, khi vào đại học, tôi rất thích giao lưu, tham gia cùng lúc ba tổ chức đoàn thể, chỉ cần có hoạt động là tôi có mặt. Tôi luôn vui vẻ lưu số điện thoại của người khác. Có những lúc tôi còn rất tự hào về số lượng số điện thoại của mọi người mà mình lưu được. Tác giả Lý Thượng Long, kể trong cuốn sách "Gọi là ổn định, thật ra là hoài phí cuộc sống".
Tôi rất nhiệt tình, chân thành với mọi người nhưng không hiểu sao luôn bị bỏ qua. Chỉ khi cần có ai đó làm việc vặt, họ mới nhớ ra trong hội còn có tôi. Khoảng thời gian đó, tuy thường xuyên có mặt tại những cuộc hội họp, nhưng tôi không bao giờ được cho vào bộ nhớ, mọi người cũng không chấp nhận làm bạn với tôi lắm.
Sau các hoạt động, người ở lại dọn dẹp vệ sinh luôn là tôi.
Một lần, tôi quen với một giáo viên trong trường. Là học sinh, tôi thật thà đến phòng của thầy vào lúc đêm muộn chỉ vì thầy bảo buổi tối thầy trực ban một mình ở văn phòng. Thầy nói chuyện với tôi rất lâu, cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là vài câu chuyện xã giao ngắn ngủi. Thầy bảo tôi rằng thầy phụ trách công tác phát triển trường. Tôi chăm chú lắng nghe, trước khi về còn lưu số điện thoại của thầy, còn biếu thầy hai túi hoa quả mang theo.
Sau này, tôi phải viết đơn xin lên cấp. Vì không biết có thể lên mạng tải bản mẫu về, nên thằng ngốc như tôi đã gửi tin nhắn đến nhờ thầy giúp. Ông ta lạnh lùng trả lời gọn lỏn: "Tôi không rỗi."
Thực ra, trong rất nhiều trường hợp tôi đều đã từng gặp phải sự từ chối như thế. Tôi cứ nghĩ mình đã lưu số điện thoại thì ít nhất hai bên cũng có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Nhưng tôi đã quên mất một điều rất quan trọng, đó là: Chỉ có bình đẳng trong quan hệ, mới có thể giúp đỡ lẫn nhau.
Câu chuyện có liên quan đến vị thầy giáo này vẫn chưa kết thúc. Vài năm sau, khi đã là một giáo viên tiếng Anh, tôi nhận được một cú điện thoại vào nửa đêm. Người gọi đến chính là vị thầy giáo năm xưa đó. Ông ta cười nói hỏi thăm tôi vài câu, rồi rất nhanh chóng đề cập đến chủ đề chính.
Thì ra ông muốn nhờ tôi giới thiệu cho một giáo viên tiếng Anh đáng tin cậy, hy vọng có thể dạy thêm cho con trai của ông ta. Thời gian đó, ngày nào tôi cũng phải lên lớp, ban ngày đã mệt hết cả hơi, buổi tối thì bận đến hoa mắt chóng mặt, lại nhớ đến quá khứ chẳng tốt đẹp gì, thế là tôi trả lời đối phó: "Để hôm khác em hỏi xem sao", rồi tắt máy luôn.
Tất nhiên, tôi chẳng giúp gì cho ông ta cả.
Sau này, khi chợt nhớ đến chuyện này, tôi luôn đặt câu hỏi: Vì sao tôi không giúp ông ta, hay nói cách khác, trước kia, vì sao ông ta không giúp tôi?
Câu trả lời rất đơn giản: Bỏ qua tình cảm của hai bên với nhau, điều kiện cơ bản để khiến người khác có thể giúp đỡ mình chính là mình có thể đáp lại họ điều có giá trị tương đương. Hay nói cách khác, ngày trước tôi là học sinh, không có cách nào đáp lại cho ông ta điều ông ta cần; sau này, tôi cũng không có nhu cầu làm gì liên quan đến việc ông ta giỏi nữa, ông ta cũng không có cách nào trả ơn tôi một cách xứng đáng, nên tôi không thấy cần quan tâm đến ông ấy
Hơn nữa, nền tảng tình cảm của chúng tôi xuất phát từ con số 0. Sự thật rất lạnh lùng, nhưng đây là sự thật.
Chúng ta thường tham gia vào các cuộc xã giao, nhưng không biết rằng, rất nhiều cuộc xã giao trên thực tế không để làm gì, như việc lưu lại số điện thoại của người khác, khi cần sự giúp đỡ, thì chỉ là mất công gọi một cú điện thoại mà thôi.
Có người bạn từng hỏi tôi rằng: "Mình có nhiều mối quan hệ xã hội, bạn bè cũng nhiều, vậy tại sao luôn cảm thấy ngày càng cô đơn, đến nỗi bây giờ rất nhiều việc đều chẳng có ai giúp đỡ?". Điều này khiến cô ấy rất buồn.
Tôi hỏi cô ấy: "Khi nói chuyện, mọi người thường giới thiệu cậu thế nào?"
Cô ấy bảo: "Bạn bè gọi tớ là Tiểu Bạch."
Tôi hỏi: "Thông thường họ giới thiệu những người giỏi giang như thế nào?"
Cô ấy trả lời: "Là nhà văn, chủ nhiệm, đạo diễn, giáo sư..."
Tôi bảo: "Thế nên cậu hiểu chưa?! Nếu bản thân cậu không giỏi, thì những quan hệ xã hội kia thực ra cũng vô nghĩa mà thôi. Chỉ có sự trao đổi bình đẳng mới có thể có được sự giúp đỡ hợp lí. Do đó, một khi cậu còn chưa đủ giỏi, chưa đủ ưu tú, thì chớ có lãng phí quá nhiều thời gian quý báu vào các cuộc xã giao, hãy dùng một ít thời gian để đọc sách nâng cao kỹ năng chuyên môn. Chúng ta đều đã từng tham gia vào một hội nào đó, rồi phát hiện ra rằng chẳng có gì để nói, thậm chí không biết nên làm gì, bởi lẽ tập thể ấy không thuộc về chúng ta. Phải biết rằng, chỉ có người ưu tú tài giỏi, mới có được quan hệ xã hội có ích."
Đừng cảm thấy thế giới này tàn khốc, đó chỉ là quy tắc của trò chơi...
Có sự trao đổi bình đẳng, thì mới có tình bạn hữu bình đẳng!
Vậy nên trước khi muốn có những mối quan hệ có ích, và một thành công vững chắc thì hãy tự giúp mình trở thành người hữu ích và là chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó.
Cách tạo ra mối quan hệ tốt trong làm ăn
Tạo ra mối quan hệ đối tác hoàn hảo đòi hỏi sự hiểu biết, nỗ lực cao và trên tất cả là sự chân thành mong muốn mối quan hệ đó hiệu quả. Thành công của mỗi người cũng phụ thuộc vào khả năng vượt qua khó khăn để duy trì mối quan hệ đó. Hãy sử dụng những bí quyết sau để tạo ra những mối quan hệ lâu dài, có ý nghĩa.
1. Xác định các thế mạnh và điểm yếu của bạn
Bạn giỏi điều gì? Bạn làm tốt điều gì? Đối tác của bạn cần phải bổ sung cho bạn. Nếu bạn tập trung tìm ra những người có những bộ kỹ năng khác với bạn, các bạn sẽ mạnh mẽ hơn cùng nhau hơn là đơn độc một mình. Đừng ngại phụ thuộc vào đối tác của bạn. Trong một mối quan hệ tốt, mọi người đều đem lại những điều quan trọng ngang nhau.
2. Thảo luận các mục tiêu dài hạn của các bạn từ trước
Chúng có giống nhau không? Chúng có phù hợp với nhau không? Bạn có thể không đồng ý về cách đạt được các mục tiêu đó, nhưng bạn và đối tác phải có chung tầm nhìn. Câu hỏi quan trọng bạn cần trả lời là, liệu hai bạn có thể đạt được các mục tiêu khi làm việc cùng nhau không?
3. Xác định rõ ràng vai trò của các bạn
Bạn không muốn dẫm chân lên nhau. Trước khi bắt đầu, hãy làm rõ ai chịu trách nhiệm việc gì. Những vai trò này có thể thay đổi theo thời gian. Nhưng chúng phải được thiết lập từ trước để tránh xung đột.
4. Thường xuyên liên lạc
Lời khuyên này có vẻ hiển nhiên nhưng nó rất quan trọng. Các bạn liên lạc như thế nào? Bao lâu một lần? Nó có hiệu quả với cả hai bạn không? Đặt ra một ngày hoặc thời gian nhất định sẽ tạo thuận lợi cho các bạn nói chuyện về bất cứ vấn để nào nảy sinh.
5. Hãy nhớ rằng không ai thích những điều ngạc nhiên
Khi có điều nghi ngờ, hãy hỏi xem đối tác của bạn có đồng ý không.
6. Tôn trọng lẫn nhau
Tất cả chúng ta đều có điểm mạnh và yếu. Đừng bóc lột hay lợi dụng những điểm yếu của đối tác chỉ vì bạn có thể. Điều này không đáng.
7. Viết ra mọi thứ
Có sẵn một bản thỏa thuận sẽ giúp xác định sứ mệnh của bạn.
8. Nhấc điện thoại lên
Dùng email để thông tin về những vấn đề quan trọng là cách chắn chắn nhất để gặp thảm họa. Giọng điệu và ý định của bạn sẽ dễ dàng bị hiểu sai.
9. Nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với các hành động của bạn.
10. Nếu bạn phạm một sai lầm, hãy nhanh chóng thừa nhận
Bạn càng sớm nhận lỗi, bạn sẽ càng nhanh chóng tiến lên phía trước. Đối tác của bạn sẽ ghi nhận việc không phải chỉ ra đích danh lỗi của bạn.
11. Đừng để sự không hài lòng lớn dần lên
Bạn sẽ cảm thấy tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn. Nếu bạn tránh bày tỏ sự bất bình của mình, sẽ đến lúc bạn cảm thấy tức nước vỡ bờ. Hãy nói ra tất cả và giải tỏa cho bản thân.
12. Hỗ trợ lẫn nhau
Nếu bạn thấy mình thầm ước đối tác của mình bị ốm, thì có điều gì đó rất không ổn.
Quan hệ đối tác là một công việc không có hồi kết. Đừng giấu các vấn đề phát sinh dưới chăn. Dù gì chúng sẽ luôn nổi lên bề mặt.
Nam Anh (T/h)