+Aa-
    Zalo

    Bí mật về kẻ thâu tóm băng đảng ngầm ở thành Rome

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thủ đô Rome của Italia vừa rúng động bởi một “cơn địa chấn mạnh” khi hàng loạt quan chức bị bắt giữ trong chuyên án mang tên “thế giới trung gian” nhằm đưa ra án

    (ĐSPL) - Thủ đô Rome của Italia vừa rúng động bởi một “cơn địa chấn mạnh” khi hàng loạt quan chức bị bắt giữ trong chuyên án mang tên “thế giới trung gian” nhằm đưa ra ánh sáng hoạt động của các băng đảng mafia. Nhân vật “khủng” nhất trong số gần 40 người bị bắt giữ là cựu Thị trưởng Rome – ông Gianni Alemanno. Theo giới hữu trách, trong 5 năm nắm quyền, ông này đã “làm ngơ” cho một loạt quan chức dưới quyền câu kết với mafia. Mới đây nhất, cảnh sát phát hiện có tới 40 nghìn euro từ “thế giới ngầm” chảy vào quỹ tranh cử của cựu thị trưởng này.

    Kinh hoàng “mật danh” của trùm tội phạm

    Theo cơ quan hữu trách cho biết, cựu Thị trưởng Gianni Alemanno là quan chức cao cấp nhất tại Rome bị bắt giữ trong “mẻ lưới” lần này. Theo lý lịch trích ngang, ông Gianni Alemanno vốn là đồng minh thân cận của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, từng giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp thời ông Berlusconi còn tại vị. Khi ngài cựu Thủ tướng bị “tuột xích”, sự nghiệp của ông Gianni Alemanno cũng lung lay. Rời nội các, ông trở thành lãnh đạo cao nhất tại Thủ đô Rome cho đến khi bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

    Cựu Thị trưởng Gianni Alemanno là nhân vật cao cấp nhất Rome bị bắt giữ trong vụ án này.

    Theo hãng tin BBC, ngoài ông cựu Thị trưởng, viện Công tố Rome cũng thông qua lệnh bắt 36 người khác trong đường dây cấu kết giữa chính khách và các tổ chức tội phạm. Chủ tịch Hội đồng thành phố Mirko Coratti và gần 100 chính trị gia khác cũng nằm trong diện nghi vấn, tuy nhiên hiện tại họ vẫn chưa bị bắt giữ.

    Các nhân vật trên bị tình nghi cấu kết với mafia, tham nhũng, cho vay nặng lãi, làm giả mạo các giấy tờ tài chính, rửa tiền và nhiều tội danh khác. Một số đối tượng thậm chí còn cấu thành một “hệ thống tham nhũng có tổ chức” để chuyển các gói thầu hàng loạt công trình xây dựng trong thành phố và vùng Lazio (Thủ phủ của Thủ đô Rome) cho các công ty “thân quen” do mafia điều hành. Nhà chức trách khẳng định, cuộc điều tra cho thấy mafia đã xâm nhập sâu vào nền kinh tế thành phố Rome, móc nối với các chính trị gia và giám đốc các công ty Nhà nước để “rút ruột” ngân sách. Từ các phi vụ làm ăn mờ ám này, hàng trăm triệu euro tiền cứu trợ dành cho người nhập cư đã bị “bốc hơi”.

    Được biết, chuyên án chấn động Rome mang tên “thế giới trung gian”, được tiến hành ngay sau khi Thị trưởng hiện tại - ông Ignazio Marino đắc cử Thị trưởng Rome. Từ các nguồn tin khác nhau, cảnh sát xác định, kẻ cầm đầu đường dây làm ăn ngầm tại Thủ đô là Massimo Carminati (56 tuổi). Với biệt danh “gã chột”, bố già 56 tuổi này từng là một tên khủng bố và kẻ cướp khét tiếng. Trong giới băng đảng ngầm, Carminati được mệnh danh là “hoàng đế cuối cùng của thành Rome” bởi tầm ảnh hưởng và những phi vụ phạm tội mà hắn gây ra, điều này thực sự kinh hoàng.

    Một nguồn tin tiết lộ cho biết, “gã chột” được sự giúp sức của “gã điên” Michele Senese. Tên này đứng đằng sau những cổ động viên cuồng tín của đội bóng Lazio, điều hành một loạt các quán bar, nhà hàng, cùng một loạt những tên cực hữu khác trong thời điểm Italy suy thoái về kinh tế và sút giảm về niềm tin. Tuy nhiên, theo hãng BBC, Salvatore Buzzi – cánh tay phải của Massimo Carminati mới chính là nhân vật đứng mũi chịu sào trong đường dây hối lộ này. Buzzi chịu trách nhiệm “liên lạc” với các chính trị gia thành phố.

    Cùng thuộc giới tội phạm, nhưng mafia Thủ đô Rome không giống như các băng đảng ở miền Nam, thường hoạt động bằng bắn giết, thanh toán hay bảo kê mà theo một hướng khác. Chúng âm thầm mua chuộc và cấu kết với các quan chức, “đục khoét” các hợp đồng ở khu vực công, như xử lý rác thải, bệnh viện, quản lý người nhập cư... Điều tra từ cảnh sát cho thấy, mafia đã chi đậm tiền để “đầu tư” phiếu bầu cho những ứng viên mà chúng thân cận tại các cuộc tranh cử ở địa phận Thủ đô với điều kiện sau khi thắng cử, những người đó sẽ “lại quả” cho chúng.

    Trong một đoạn ghi âm được tiết lộ, tên Buzzi nói rằng “lợi nhuận” mà chúng bòn rút được từ các dự án nhà ở xã hội gấp nhiều lần so với buôn bán ma túy. Cảnh sát phát hiện có tới 40 nghìn euro từ mafia “chảy” vào quỹ tranh cử của cựu Thị trưởng Gianni. Hơn thế, trong một tấm ảnh chụp một bữa ăn thân mật giữa ông này và nhiều quan chức khác của thành phố vào năm 2010, có mặt vài “bố già” mafia Thủ đô.

    Cảnh sát đã thu giữ hàng trăm triệu Euro trong chiến dịch nói trên.

    Bê bối ăn mòn chính giới

    Theo thông tin từ cơ quan chức năng, cho đến thời điểm hiện tại, cựu Thị trưởng Gianni Alemanno là chính trị gia cao cấp nhất bị bắt giữ liên quan đến các vụ bê bối mới này. Trong khi đó, nhiều thành viên đảng Dân chủ cầm quyền (PD) của Thủ tướng Renzi cũng dính các cáo buộc tương tự. Một số quan chức trong chính quyền hiện tại của Thị trưởng Rome Ignazio Marino đã từ chức và đang chờ đợi cảnh sát “hỏi thăm”.

    Trong một động thái mới nhất, hãng tin BBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết, nhà chức trách Rome đang mở cuộc điều tra bà Micaela Campana, nghị sỹ đảng Dân chủ cầm quyền. Trong một số đoạn băng ghi âm do cảnh sát công bố, bà Campana nói chuyện rất thân mật với Salvatore Buzzi. Viện Công tố Rome cho biết, trong cuộc trò chuyện, Buzzi nhờ bà Campana giúp tìm hiểu về một gói thầu bị tòa án địa phương chặn lại. Gã cũng nhờ bà này “gợi ý” cách để được trót lọt.

    Đây là bê bối lớn nhất liên quan đến sự dính líu của chính quyền Rome với mafia trong nhiều năm qua. Trước đó, Italy đã chấn động bởi việc cảnh sát bắt giữ hàng loạt quan chức thành phố Milan cũng như các chủ thầu xây dựng dự án triển lãm thế giới EXPO 2015, sau khi phát hiện nhiều quan chức đã lợi dụng vị trí của mình để “phân phát” các gói thầu trị giá hàng tỉ euro cho những công ty quen biết nhằm ăn hoa hồng.

    Giới phân tích cho biết, vụ bê bối nói trên đã tác động nghiêm trọng đến chính quyền Thủ đô Rome. Điều này buộc Thị trưởng đương nhiệm Ignazio Marino và đảng Dân chủ cầm quyền phải tiến hành một loạt các thay đổi nhân sự nhằm đối phó với tình hình. Thị trưởng Marino tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp nhằm duy trì hoạt động của chính quyền Rome, đồng thời loại bỏ những kẻ tham nhũng khỏi đội ngũ.

    Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano đã cử ông Giuseppe Pecoraro, Cảnh sát trưởng thành phố Rome làm người đứng đầu một ủy ban đặc biệt gồm nhiều chuyên gia cảnh sát để mở rộng cuộc điều tra nhằm đưa ra ánh sáng thêm nhiều kẻ phạm tội nữa. Theo dự kiến, ủy ban đặc biệt sẽ tiến hành cuộc điều tra trong ba tháng nhưng không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục kéo dài cuộc điều tra. Theo báo chí Italy, cuộc điều tra đang được tiếp tục mở rộng và không loại trừ, viện Công tố Rome sẽ cho bắt thêm nhiều nghi phạm mới.

    Người đứng đầu đất nước cũng “sốc”

    Phản ứng trước bê bối khủng khiếp vừa bị phát giác, Tổng thống Italy Giorgio Napolitano thừa nhận, nền chính trị Italy đã bị “tha hóa nghiêm trọng”, bị cuốn vào những cuộc đấu đá tranh giành quyền lực và từ lâu đã rơi vào vòng xoáy của tham nhũng. Tuy nhiên, ông này khẳng định, nước Ý chưa bao giờ từ bỏ cuộc đấu tranh chống tham nhũng và bắt tay với tội phạm trong chính giới nước này. Thủ tướng Matteo Renzi cũng tuyên bố: “Tôi cảm thấy sốc khi nghe công tố viên Rome nói về những hoạt động của mafia tại Rome. Ông Renzi nhấn mạnh, vụ việc đã gây chấn động đến tất cả các đảng phái chính trị và đặt ra những vấn đề cần suy xét sâu sắc. Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện, bà Laura Boldrini cho rằng đây là sự “vô liêm sỉ không thể biện hộ””.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-mat-ve-ke-thau-tom-bang-dang-ngam-o-thanh-rome-a81929.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan