(ĐSPL) - Cô con gái của cố Thủ tướng Singapore kể lại rằng, cuộc hẹn hò đầu tiên của bà diễn ra khi bà 21 tuổi. Người đàn ông trong cuộc hẹn hò đầu đời là một bác sĩ. Hai người hẹn nhau đi ăn tối ở một nhà hàng. Tuy nhiên, khi nhìn thấy xung quanh bàn ăn của mình đều là những người thuộc giới có tiền, bà Vỹ Linh đã từ chối vị bác sĩ trong lần hẹn gặp tiếp theo và từ đó không con liên lạc qua lại nữa…
Người cha nghiêm khắc
Trong cuộc đời huy hoàng của mình, ông Lý Quang Diệu và người bạn đời Kha Ngọc Chi sinh hạ được hai người con trai và một người con gái. Cả ba người con của ông đều rất tài năng và thành đạt. Người con trai cả Lý Hiển Long, 63 tuổi, đã quá nổi tiếng, từng nắm các chức bộ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Tài chính và Phó thủ tướng trước khi trở thành thủ tướng Singapore từ năm 2004 tới nay. Người con trai thứ hai, Lý Hiển Dương cũng không hề kém cạnh. Hiện tại, Lý Hiển Dương 58 tuổi, từng giữ chức Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông khổng lồ Sing Tel trước khi trở thành chủ tịch cục hàng không dân dụng Singapore(CAAS).
Xem video: Singapore cử hành tang lễ cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu
Khác với hai người anh em thường xuyên xuất hiện trên truyền thông của mình, cô con gái thứ hai trong gia đình họ Lý - Lý Vỹ Linh lại khá kín tiếng. Lý Vỹ Linh, năm nay 60 tuổi, cũng không đi theo con đường chính trị hay kinh doanh như anh em trai, mà là một nhà khoa học nổi tiếng. Bà hiện là giám đốc Viện khoa học thần kinh Singapore. Bà Vỹ Linh không kết hôn và sống cùng cha mẹ cho tới tận khi họ qua đời. Bà được truyền thông đặt cho biệt danh là “cô con gái kỳ dị” của vị Thủ tưởng huyền thoại của Singapore vừa qua đời hôm 23/3 vừa qua.
Trong những tiết lộ hiếm hoi của mình về gia đình, Lý Vỹ Linh, cô con gái sống cùng và phụng dưỡng cha mình cho tới khi ông mất, nói rằng, cha cô là một người cha ham công việc và đặc biệt nghiêm khắc đối với các con. Bà Vỹ Linh kể rằng, trong suốt hơn 30 năm làm Thủ tướng Singapore, sau đó là chức Bộ trưởng cố vấn, cha mình, ông Lý Quang Diệu, gần như dành tất cả tâm huyết cho công việc. Ngay cả khi chữa bệnh trong bệnh viện, ông Lý cũng mang theo chiếc máy tính xách tay để làm viêc.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. |
“Cả gia đình tôi ở trong bệnh viện khi bố phải đặt stent động mạch vành, không ai nói lời nào, đơn giản không phải vì chúng tôi quá căng thẳng về tình hình sức khỏe của bố, mà bởi chúng tôi quá bận. Lúc đó, bố tôi đang ngồi trên giường bệnh, nhìn chăm chú vào cái laptop, trong khi mẹ thì kiểm tra giấy tờ. Còn tôi, cũng đang làm việc với chiếc máy tính cá nhân của mình. Nếu có ai đó đi ngang qua nhìn thấy 3 người chúng tôi, chắc họ không nghĩ rằng bố tôi đang chuẩn bị phẫu thuật tạo hình mạch vành”, Lý Vỹ Linh kể.
Mặc dù là con người của công việc song, Lý Vỹ Linh cũng khẳng định cha mình chưa bao giờ quên gia đình, đặc biệt là chuyện giáo dục con cái. Tuy nhiên, theo bà Vỹ Linh, ông Lý Quang Diệu là một người cha vô cùng nghiêm khắc. Ông Lý Quang Diệu kể cha của ông là một người cực kì nghiêm khắc và khó tính, thỉnh thoảng vẫn dùng đòn roi để dạy dỗ con cái. Từ trải nghiệm của bản thân, ông chủ trương không dùng roi vọt để dạy dỗ con nhưng sự nghiêm khắc trong cách dạy dỗ con thì không khác với cha mình là bao nhiêu.
Bà Vỹ Linh nói rằng, khi đó, mặc dù ông Lý đã trở thành Thủ tướng Singapore song gia đình vẫn sống rất thanh đạm. Ông Lý không cho phép người giúp việc đưa đón các con của mình tới trường. Và từ khi mới học lớp ba, anh cả Lý Hiển Long đã phải đến trường bằng xe buýt thay vì có người lái xe đưa đến trường. Ông cũng không cho phép người giúp việc gọi mình là ông bà chủ hay các con là cô cậu chủ mà chỉ gọi bằng tên. Do vậy, các con của ông Lý, dù sinh ra và lớn lên khi ông đã trở thành một Thủ tướng quyền lực của Singapore, vẫn rất gần gũi với người giúp việc chứ không hề kênh kiệu hay kiêu ngạo.
Không chỉ nghiêm khắc, Lý Quang Diệu cũng luôn đòi hỏi rất cao ở các con. Ông yêu cầu Lý Hiển Long phải đứng nhất lớp trong các kì thi và ông cũng yêu cầu tương tự với cô con gái Vỹ Linh. Bà Vỹ Linh nhớ lại rằng, có lần anh trai mình chỉ đạt điểm số đủ để đứng thứ 3 trong lớp. Ông Lý Quang Diệu không hài lòng và gọi cậu con trai vào phòng, mắng cho một trận. Khi đó, cậu bé sợ phát khiếp.
Lý Quang Diệu cũng luôn yêu cầu các con của mình phải sống độc lập và không dựa dẫm vào cha mẹ. Khi cả ba lớn lên,Ông Lý muốn các con phải tự kiếm tiền để mua đồ dùng cho bản thân chứ không phải xin tiền cha mẹ. Tuy nhiên, không phải vì nghiêm khắc mà ông áp đặt lên con cái. Bà Vỹ Linh và cả ông Lý Hiển Long đều thừa nhận rằng, cha mình rất tôn trọng những lựa chọn của riêng con cái dù có thể ông không đồng tình với những quyết định đó.
Bà Vỹ Linh kể rằng, trong gia đình bà là người giống bố nhất về tính tình, và khi trong nhà có hai người tính khí mạnh mẽ, đôi khi rất khó để kiểm soát mọi việc. “Chúng tôi thường tranh cãi với nhau, nhưng không ai chịu lùi bước”, bà Vỹ Linh nói. Bà kể rằng, vào năm 2002, sau khi cãi lộn với bố, bà quyết định bỏ nhà đi. “Khi đó, bố muốn tôi hãy ngừng tập tạ vì ông thấy tôi bị gãy xương quá nhiều lần. Ông gọi tôi vào phòng và đưa ra một tối hậu thư: “Các bác sĩ nói rằng con có thể bị liệt nếu vẫn tiếp tục tập tạ. Khi con vẫn ở trong nhà này, ta phải có trách nhiệm lo lắng cho sự an toàn của con”, bố tôi nói. Do không muốn từ bỏ sở thích này, tôi đã chuyển đến nhà anh Long (Lý Hiển Long) ở”.
Việc cô con gái gắn bó với mình nhiều chục năm bỏ nhà ra đi là phản ứng mà ông Lý Quang Diệu không lường trước được. Tuy nhiên, ông cũng nhân ra rằng, mình đã nhân danh sự quan tâm của một người cha để can thiệp quá sâu vào lựa chọn cá nhân của con gái mình. Chính vì thế, một năm sau, khi bà Vỹ Linh thông báo với ông rằng bà chuẩn bị đi thám hiểm núi lửa Hawaii, phản ứng của ông khác hoàn toàn.Ông chỉ nói ngắn gọn: “Hãy cẩn thận!”.
Sống không hối tiếc
Cho tới này, quyết định không lấy chồng của bà Vỹ Linh vẫn được coi là một quyết định khá khó hiểu. Bởi lẽ, ai cũng biết, ông Lý Quang Diệu và vợ mình, bà Kha Ngọc Chi, đã có một mối tình và cuộc hôn nhân gần 50 năm cực kỳ hạnh phúc, viên mãn. Sống trong một gia đình hạnh phúc như vậy, vì sao bà Vỹ Linh lại quay lưng lại với cơ hội có một tổ ấm hạnh phúc của riêng mình?
Trong một bài viết tưởng niệm một năm ngày mất của mẹ mình, bà Vỹ Linh kể rằng, là người sống với cha mẹ nhiều hơn hẳn anh trai và em trai của mình, bà là người cảm nhận được sâu sắc hơn ai hết cuộc hôn nhân hạnh phúc của cha mẹ mình. Bà nói, cha mình nhận định mẹ mình không phải là một người phụ nữ truyền thống, song thực tế, bà lại là một người phụ nữ rất truyền thống, ngoại trừ việc trong nhiều năm bà là người mang lại thu nhập chính cho gia đình.
Bác sĩ Lý Vỹ Linh, con gái của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. |
Ông Lý Quang Diệu cũng không bao giờ ngừng biết ơn và tự hào về điều này. Bản thân ông Lý Quang Diệu đã từng thừa nhận rằng, ông có thể tập trung toàn bộ sức lực cho sự nghiệp chính trị của mình là bởi ông biết rằng, vợ ông có nghề luật sư và bà có thể lo lắng được cho tương lai của các con trong bất cứ trường hợp rủi ro nào của ông. Và mặc dù là người đàn ông gia trưởng, không biết làm bất cứ công việc nhà nào, song kể từ khi vợ mình bị bệnh, ông Lý Quang Diệu lại chính là người tận tay chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho vợ.
“Cha tôi là một người đàn ông gia trưởng điển hình. Ông ấy thậm chí còn không biết làm một quả trứng ốp la. Những đứa con trai trưởng của một gia đình gia trưởng không nhất thiết phải làm những việc này. Tuy nhiên, kể từ khi bệnh của mẹ tôi ngày một nặng thêm, ông lập tức điều chỉnh cuộc sống của mình để chăm sóc bà. Từ chỗ mẹ tôi là người chạy quanh chăm sóc cho ông, nay ông lại chính là người chạy quanh chăm sóc cho mẹ tôi. Là một người đàn ông chỉ biết có công việc, tôi rất ngạc nhiên trước nỗ lực ấy của ông”, bà Vỹ Linh viết.
Trong một gia đình hạnh phúc và mọi người sẵn sàng hi sinh vì nhau như vậy, vì sao Lý Vỹ Linh lại lựa chọn sống độc thân? Bà Vỹ Linh viết rằng, nguyên nhân dẫn đến việc này khá nhiều. Đầu tiên, đó là việc bà tự đặt ra cho mình tiêu chuẩn quá cao. “Tôi không thể nào tưởng tượng được tôi sẽ trở thành một người vợ và một người mẹ giống như mẹ tôi”.
Bà Linh kể, để tỏ lòng biết ơn đối với sự chăm sóc của vợ, ông Lý Quang Diệu từng đặt thợ làm cho bà là một đôi bông tai, trên đó, ông lại thuê người viết 8 chữ “Hiền thê lương mẫu” và “Nội hiền ngoại đứng” (ý chỉ người vợ giỏi giang, đảm đang). Lần đó, ông Lý cũng cho người đặt cho cô con gái một đôi bông tai tương tự. Tuy nhiên, ông Lý không khắc cho đôi bông tai của Lý Vỹ Linh 8 chữ giống như đôi bông tai của mẹ mà lại khắc 8 chữ: “Dưỡng tinh xúc nhuệ” và “Xuất loại bạt tụy”. Bà Vỹ Linh nói rằng, hàm ý mà ông Lý Quang Diệu muốn nhắn nhủ cô con gái mình nằm ở 4 chữ đầu tiên. Ông muốn nói với con gái mình rằng, trong cuộc sống, không nên nhìn mọi thứ bằng con mắt của một người quá mạnh mẽ và quyết liệt.
Tuy nhiên, bà Vỹ Linh nói rằng, bà không muốn giống như mẹ mình, cả cuộc đời sống xoay quanh chồng. Tuy nhiên, bà cũng không muốn người chồng sống cả cuộc đời chỉ biết xoay quanh mình. “Đây là hai cực ngược hẳn nhau và tạo rất nhiều mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ vợ chồng. Đương nhiên, nó có thể được giải quyết nếu như cả hai khẳng định sẽ thay đổi thói quen của mình. Tuy nhiên, tôi đã quen với cách sống, cách nghĩ của tôi và tôi không muốn thay đổi điều đó”, bà Vỹ Linh viết.
Cô con gái của cố Thủ tướng Singapore kể lại rằng, cuộc hẹn hò đầu tiên của bà diễn ra khi bà 21 tuổi. Người đàn ông trong cuộc hẹn hò đầu đời là một bác sĩ. Hai người hẹn nhau đi ăn tối ở một nhà hàng. Tuy nhiên, khi nhìn thấy xung quanh bàn ăn của mình đều là những người thuộc giới có tiền, bà Vỹ Linh đã từ chối vị bác sĩ trong lần hẹn gặp tiếp theo và từ đó không còn liên lạc qua lại nữa.
Bà Vỹ Linh cũng kể rằng, sau vị bác sĩ nọ, còn ít nhất 3 người nữa theo đuổi bà. Tuy nhiên, 2 trong số 3 người sau đó trở thành bạn thân của bà. Một người còn lại cũng giống như vị bác sĩ, bà không muốn tiếp tục có quan hệ nữa. Và Lý Vỹ Linh cứ thế, sống cuộc đời của một nữ bác sĩ độc thân cho tới hiện tại. “Hiện nay, tôi 54 tuổi và là một người độc thân vui vẻ. Ngoài những người thân trong gia đình, tôi còn có rất nhiều bạn thân. Những người bạn của tôi đa phần là đàn ông, tuy nhiên, danh dự của tôi đủ để những người vợ của họ ở nhà không cảm thấy tôi là một mối lo”, bà Vỹ Linh viết.
Video: Vai trò của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu với Lịch sử Singapore.
Lý Vỹ Linh kể, vào khoảng hơn 10 năm trước, khi đó, bà quyết định sẽ không kết hôn, lập gia đình, cha của bà mặc dù rất tôn trọng quyết định của con, song vẫn nói với bà rằng: “Ta và mẹ con có lẽ cũng vì ích kỉ muốn có con ở cạnh chăm sóc những năm cuối đời nên ủng hộ quyết định độc thân của con. Tuy nhiên, sau này, con sẽ cảm thấy cô đơn đấy!”. Tuy nhiên, người phụ nữ cá tính cả đời chỉ biết khoa học như Lý Vỹ Linh không cho rằng như vậy. Bà cho rằng, thà rằng cuộc sống độc thân còn hơn là phải chịu đau khổ, dằn vặt vì không có cách nào thay đổi để hòa hợp với nhau được.
“Cho tới nay, tôi vẫn không hề hối hận vì lựa chọn của mình. Tuy nhiên, tôi cũng muốn cảnh tỉnh các bạn trẻ rằng: Độc thân có thể thích hợp với tôi song không hẳn là thích hợp với người khác”. Là một người phụ nữ sống độc thân, song bà Vỹ Linh lại khuyên những người trẻ không nên trì hoãn quá lâu việc kết hôn và sinh con.
Lý Vỹ Linh kể rằng, cách đây nhiều năm, có một cô gái hỏi ý kiến của bà về việc tới làm tiến sĩ tại một bệnh viện về thần kinh học ở Mỹ. “Tôi đã khuyên cô ấy nên nắm bắt cơ hội. Cô ấy sang Mỹ, học liền một mạch tới 8 năm trời. Tuy nhiên, khi trở về Singapore thì cô ấy đã ngoài 30 tuổi và dường như cô ấy đã đánh mất cơ hội để kết hôn”, Lý Vỹ Linh nói. “Năng lực sinh sản của phụ nữ sẽ giảm đi cùng với tuổi tác. Những người phụ nữ cao tuổi khi sinh con sẽ gặp phải rất nhiều nguy cơ. Vì vậy, tôi khuyên các bạn trẻ nam nữ không nên trì hoãn quá lâu việc lập gia đình và sinh con. Tôi không nói như vậy vì mục đích chính trị. Tôi nói một cách thật lòng. Bởi lẽ, là một cô con gái, là chị, là em, tôi đã có một gia đình hạnh phúc. Tôi cũng được chứng kiến gia đình hạnh phúc của anh trai và em trai mình”, Lý Vỹ Linh viết.
ĐẠI NAM