Nổi bật phải kể đến các TP tại Đông Á, Tây Á, Đông Nam Á với trung bình hàng nghìn tới hàng chục nghìn ha bề mặt được mở rộng thêm trong hơn 20 năm qua, giúp kinh tế phát triển đa dạng và tăng trưởng ngoạn mục.
Lấn biển là chiến lược kinh tế
Trong khi hoạt động lấn biển khai hoang ở thế kỷ XX chủ yếu tập trung ở bắc bán cầu, bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, xu hướng này chứng kiến sự chuyển dịch rõ rệt sang khu vực Trung Đông, Tây Phi, Đông Nam Á và Đông Á.
Mục đích lấn biển ngày càng đa dạng. Hàng thế kỷ trước, các kỹ sư Hà Lan là bậc thầy “trị thủy” để kiểm soát lũ lụt, tạo ra đất đai phục vụ sinh sống, trồng trọt còn ngày nay lấn biển đi kèm tham vọng rõ ràng để “hóa rồng” về kinh tế.
Theo nghiên cứu của AGU - Hiệp hội quốc tế phi lợi nhuận về khoa học trái đất và vũ trụ, 78% TP ven biển (có dân số lớn hơn 1 triệu người) trên thế giới đã lấn biển trong thế kỷ XXI. Các mục đích lấn biển phổ biến nhất là mở rộng cảng, đáp ứng nhu cầu phát triển dân số, hoạt động thương mại, du lịch và công nghiệp. Nỗ lực tạo không gian du lịch và không gian xanh từ lấn biển cũng đang nổi lên mạnh mẽ.
Những TP có dự án lấn biển quy mô hàng đầu thế giới như Thượng Hải (34.978 ha, Trung Quốc), Incheon (4.026 ha, Hàn Quốc), Osaka (1.005 ha, Nhật Bản), Singapore (3.135 ha); Abu Dhabi (5.408 ha), Dubai (3.604 ha) thuộc UAE hay Dammam (3.287 ha, Ả Rập Xê Út),…
Ngay sát Việt Nam, Trung Quốc đã lấn biển quy mô lớn từ năm 1949. Hoạt động diễn ra dọc đường bờ biển các địa phương như Quảng Đông, Giang Tô, Liêu Ninh, Thượng Hải, Chiết Giang… Tính đến năm 2021, Trung Quốc đã lấn biển vượt hơn 20.000 km2.
Các công trình lấn biển đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, trở thành lực đẩy tăng trưởng. Năm 2023, kinh tế biển thu về cho Trung Quốc gần 10 tỷ NDT (khoảng hơn 1,4 tỷ USD). Trong đó, du lịch biển thu về hơn 1,4 tỷ NDT.
Cũng thông qua lấn biển hơn 2 thập kỷ gần đây, UAE thúc đẩy nhanh chóng kế hoạch đa dạng hóa kinh tế, giúp một số lĩnh vực phi dầu mỏ phát triển mạnh mẽ, từ dịch vụ tài chính, BĐS tới hàng không, nhà hàng - khách sạn, du lịch, cảng biển và logistics.
Tính đến năm 2023, các lĩnh vực phi dầu mỏ đóng góp hơn 70% GDP của UAE, cho thấy sự thay đổi mang tính bền vững của nền kinh tế nước này. Riêng tại Dubai, dầu mỏ chỉ chiếm chưa đến 1% GDP, trong khi du lịch chiếm tới 20% GDP.
Sau Palm Jumeirah, ý tưởng về các quần đảo nhân tạo tiếp tục được thúc đẩy. Những dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu mua sắm độc lập… đầy tham vọng đang tiếp tục được triển khai tại UAE, phần lớn nằm trên Vịnh Ba Tư.
Các quần đảo nhân tạo của UAE; sân bay quốc tế Kansai nằm trên đảo nhân tạo ở vịnh Osaka hay quận thương mại quốc tế Songdo (Songdo IBD) tại Hàn Quốc và những dự án lấn biển ấn tượng khác của các cường quốc châu Á đều phải đối mặt thách thức khi bắt đầu, nhưng đã chứng minh thành công vượt bậc khi được triển khai với quy mô lớn cùng quy hoạch đa chức năng, bao gồm du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm tài chính, BĐS, khu thương mại tự do,…
Quy mô lớn và tầm nhìn dài hạn
Nghiên cứu của AGU cho thấy, quy mô dân số ngày càng tăng và sự phụ thuộc kinh tế vào vùng ven biển, cùng với nhu cầu cao về cơ sở hạ tầng dân cư, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và không gian xanh, là những động lực chính thúc đẩy quá trình lấn biển.
Giai đoạn từ năm 2000-2020, 106 TP biển trên thế giới có hoạt động lấn biển, chiếm 253.000 hecta, trong đó, diện tích lấn biển của Châu Á chiếm hơn 90%. Theo sau các cường quốc, nhiều nước và vùng lãnh thổ châu Á đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược lấn biển với tầm nhìn dài hạn.
Chính phủ Philipines đã quy hoạch 19 dự án lấn biển tại Vịnh Manila với tổng quy mô hơn 10.000 ha để kiến tạo quỹ đất phát triển trong tương lai. Trong đó có Horizon Manila (419 ha), được phê duyệt năm 2019 gồm 3 hòn đảo, tham vọng kiến tạo 400.000 việc làm với với các phân khu Nghệ thuật - Đổi mới sáng tạo - Thương mại đô thị; Dự Án Pasay Manila (726ha) giúp kiến tạo thêm 9,2 km mặt biển, hứa hẹn mang đến 850.000 khách du lịch/ năm, với 576.000 dân cư và 925.000 việc làm mới.
Tại Hồng Kông, theo The Guardian, không lâu nữa, một trong những dự án đảo nhân tạo lớn nhất thế giới sẽ được xây dựng tại đây. Chính Phủ Hồng Kông có kế hoạch chi 624 tỷ đô la Hồng Kông (60 tỷ bảng Anh) để tạo ra 1.000 ha (2.500 mẫu Anh) đất ngoài khơi đảo Lantau. Dự án Lantau Vision Tomorrow dự kiến khởi công vào năm 2025 và cư dân đầu tiên sẽ chuyển đến bảy năm sau đó, vào năm 2032.
Có thể thấy, xu hướng lấn biển đang tiếp tục lan rộng trên khắp thế giới. Nhưng không phải quốc gia nào cũng lấn biển để ứng phó vấn đề xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu (Hà Lan) hay sức ép “đất chật người đông” (Singapore), mà việc mở rộng đất ven biển hay xây dựng đảo nhân tạo được xem là chiến lược phát triển kinh tế quan trọng.
Dư địa phát triển cho Việt Nam
Tại Việt Nam, với lợi thế hơn 3.000km bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam, hầu hết tỉnh, thành ven biển đều có nhu cầu lấn biển. Theo thông tin mới nhất từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến nay Việt Nam có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố đã được triển khai. Điển hình thành công như Kiên Giang với hoạt động lấn biển tại Vịnh Rạch Giá, biến TP. Rạch Giá thành nơi đáng sống bậc nhất đồng bằng Sông Cửu Long. Cũng tại Kiên Giang, dự kiến, từ nay tới năm 2040, TP. Hà Tiên của tỉnh này sẽ hình thành thêm nhiều khu vực lấn biển và xây dựng các đảo nhân tạo, tổng diện tích biển đảo nhân tạo này rộng trên 11.300 ha.
Mới đây nhất, Đà Nẵng là TP tiếp theo đã được chấp thuận chủ trương lấn biển để làm khu thương mại tự do. Khảo sát khu vực nghiên cứu lấn biển phục vụ xây dựng khu dịch vụ thương mại thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng ở Vịnh Đà Nẵng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhất trí nghiên cứu phương án lấn biển xây dựng khu thương mại tự do để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển.
Không dừng lại ở đó, các chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu phương án để việc lấn biển thực sự là “tiến ra đại dương”, trở thành át chủ bài giúp Đà Nẵng bứt phá mạnh mẽ, phát triển vươn tầm quốc tế. Do đó, không chỉ làm khu Thương mại tự do mà cần có tầm nhìn dài hạn, chiến lược để mở rộng không gian phát triển đa chức năng, tương tự cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thực tế Đà Nẵng đã có chủ trương lấn biển gần 20 năm trước nhưng chưa thể thành công bởi nhiều lý do, trong đó có việc chưa tìm được nhà đầu tư xứng tầm, chưa tạo được một quy hoạch bài bản, toàn diện…
Đến nay, các quy định về hoạt động lấn biển trong Luật Đất đai 2024, cũng như các nghị định hướng dẫn chính thức có hiệu lực, kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế biển bùng nổ cho Việt Nam.