(ĐSPL) - Với mong ước được đổi đời, nhiều cô gái Việt đã chấp nhận cuộc sống tha hương khi lấy chồng ngoại. Khi làm dâu xứ người, không ít người đã trở thành “nô lệ” theo đúng nghĩa khi phụ thuộc cả thể xác lẫn kinh tế vào chồng, gia đình chồng.
Được biết, chỉ tính riêng tại địa bàn quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, có hàng chục trường hợp ly hôn không rõ nguyên nhân. Nhiều bà mẹ trẻ phải nuốt lệ ôm con về quê sinh sống.
“Giấc mơ” chồng ngoại
Lê Thị Thanh T. (SN 1995, ngụ Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) vốn là cô gái đẹp người, đẹp nết và là niềm mong ước của không ít chàng trai. Đùng một cái, T. bỏ quê đi biệt tích. Nhiều người đồn T. lên Bình Dương làm công nhân phụ giúp mẹ cha, nhưng cũng có người nói rằng thiếu nữ này đã lấy chồng và xuất ngoại.
Trước đó, ở địa phương, gia đình T. thuộc diện khó khăn nhất nhì xã. Họ không có đất đai canh tác. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình đều trông cậy vào những đồng tiền công khi đi làm thuê của cha T.. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn, T. và 3 người em cũng lận đận trên con đường học hành.
Vừa hết bậc THCS, T. đã xin làm công nhân may cho một cơ sở trên địa bàn để phụ giúp cha mẹ nuôi các em ăn học. Tuy nhiên, đồng lương ít ỏi của T. cũng không giúp được nhiều cho bố mẹ. Trong lòng cô gái trẻ này canh cánh một nỗi niềm đó là làm thế nào để có thật nhiều tiền giúp gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Thế rồi cơ hội bất ngờ đến với T. khi một người bạn làm chung nói rằng có người chị lấy chồng nước ngoài mỗi tháng gửi về cho gia đình hơn 20 triệu đồng. Nghe chuyện, T. cảm thấy háo hức. Bạn của T. còn cho biết, nội trong tháng 7/2015, chị của cô bạn đó và người chồng nước ngoài sẽ về Việt Nam du lịch. Những người này có thể sẽ mai mối cho T. lấy chồng nước ngoài.
T. mừng thầm vì nghĩ, lấy chồng ngoại để giúp gia đình bớt khó khăn sắp thành hiện thực. Khi người chị cô bạn về nước, T. âm thầm tìm đến nhà và kể rõ sự tình, nhờ người này mai mối cho một tấm chồng để đổi phận.
Tháng 9/2015, qua lời mai mối của người phụ nữ trên, T. đã lấy được một người chồng ngoại đúng như mong ước. Ngày cưới, gia đình chú rể đưa cho cha mẹ T. 20 triệu đồng và hứa rằng khi cô dâu về đến Hàn Quốc, sẽ cho thêm một số tiền nữa. Tuy nhiên, thực tế lại khác xa với những gì mà T. mong mỏi. Sau khi T. xuất ngoại, chẳng những nhà chồng không cho nhà T. thêm số tiền như đã hứa mà T. còn thường xuyên bị chồng bạo hành vô cớ.
“Do bất đồng ngôn ngữ, tôi phải nhẫn nhịn và cũng không biết tâm sự cùng ai. Mỗi khi tôi làm gì trái ý đều bị ông ấy đánh đập thậm tệ, có những lần tôi bị đánh đến ngất xỉu mà gia đình chồng không một ai quan tâm đến. Chịu không nổi nên tôi liều lĩnh trốn về quê. Ở nhà, cùng gia đình ăn cà, ăn muối cũng không khổ sở bằng việc làm dâu xứ người”, T. đau xót nói với PV báo ĐS&PL.
Ảnh minh họa. |
Những cảnh đời éo le
Đồng cảnh ngộ với T. là Trần Thị N. (SN 1993, ngụ huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ). N. cũng có ước mơ lấy chồng nước ngoài sẽ được đổi đời. Qua sự mai mối của người chị họ, cô đã quyết định theo người đàn ông lớn hơn mình gần 20 tuổi sang Hàn Quốc làm dâu. Tháng 10/2015, đám cưới rình rang tổ chức tại một nhà hàng khiến N. và gia đình hết sức phấn khởi. N. được hứa hẹn, sau khi sang “bên ấy”, cô sẽ được đi làm rồi gửi tiền về cho gia đình. Tuy nhiên, ngay sau khi đặt chân vào nhà chồng, cô gái trẻ bắt đầu rơi vào bi kịch. Hàng ngày, cô chỉ được quanh quẩn trong nhà để lo việc nội trợ chứ không được đi làm như lời người mai mối đã nói. Đã không kiếm được tiền để gửi về quê, cô còn bị chồng bạo hành mỗi khi trái ý.
“Ông ta không cho tôi tiếp xúc với bất cứ ai. Tôi gọi điện về hỏi thăm gia đình cũng phải được sự đồng ý của ông ấy. Có lần tôi lén gọi về nhà than thở với cha mẹ bị phát hiện, ông ta đánh tôi như kẻ thù. Không tiền, không người quen, tôi rất vất vả mới tìm cách thoát khỏi nơi địa ngục này. Trong một lần chồng đi làm, tôi quyết định bỏ trốn về nước. Tôi ra sân bay, dùng số tiền cất giấu được để mua vé máy bay trở về Việt Nam. Về đến quê, sợ những lời gièm pha của láng giềng, tôi lên TP.HCM làm công nhân trong một xưởng sản xuất linh kiện điện thoại. Mặc dù không thể đổi đời nhưng cũng may là tôi còn tiết kiệm được một ít tiền gửi về phụ giúp gia đình. Và, quan trọng nhất, tôi không phải chịu cảnh bị đánh đập nữa”, N. kể trong nước mắt.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng A. (SN 1987, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) là con gái thứ 4 trong gia đình có 5 chị em, sống bằng nghề nông. Do cuộc sống khó khăn, A. chỉ học hết cấp tiểu học rồi nghỉ. Sau đó, được mai mối, chị A. lấy chồng Trung Quốc. Sau những ngày tháng ở “địa ngục trần gian”, chị A. phải ôm hai đứa con về Việt Nam vì không chịu được sự “khủng bố tinh thần”, đánh đập của nhà chồng.
Không may mắn còn sống sót như N. và T., chị La Mỹ H. (SN 1967, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) phải bỏ mạng dưới tay gã chồng ngoại quốc Lee Ya Te (SN 1942, người Đài Loan). Theo lời cha ruột nạn nhân, Lee Ya Te và H. quen nhau hơn hai năm trước. Trước đó, H. có một người em họ lấy chồng Đài Loan. Chính người em họ này đã giới thiệu, mai mối Lee Ya Te cho chị H..
Sau một thời gian tìm hiểu, H. bỏ ngoài tai lời can ngăn của gia đình để đến với người chồng ngoại quốc. Sau khi kết hôn, chị H. cùng gã qua Đài Loan chung sống. Hằng ngày, chị phải làm việc cực nhọc, cộng thêm bản tính keo kiệt của của Lee Ya Te làm chị hụt hẫng. Mỗi sáng, chị H. phải cùng chồng leo núi chăm sóc vườn cây cho đến tối mịt mới về. Vốn không quen làm công việc nặng nhọc nên chị H. không thể theo kịp tiến độ làm việc của gã. Những lúc như thế, gã mắng chửi, đánh đập vợ thậm tệ. Thậm chí, khi chị mở tivi lên xem cũng bị chồng chửi mắng rằng không biết tiết kiệm điện.
Nhân cơ hội về Việt Nam gia hạn thời gian lưu trú, chị H. không quay lại Đài Loan nữa. Thấy chị về nước đã lâu nhưng không quay lại, người chồng liên lạc qua điện thoại thuyết phục chị quay về nhưng chị không đồng ý. Sau nhiều lần năn nỉ bất thành, tháng 5/2015, Lee Ya Te nhập cảnh vào Việt Nam tìm chị H.. Tại đây, giữa Lee Ya Te và chị H. xảy ra tranh cãi. Trong lúc giằng co, Lee Ya Te dùng dao đâm liên tiếp vào bụng chị H.. Mặc dù được người thân đưa đi cấp cứu nhưng chị H. đã tử vong.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Đỗ Thị Vân Anh – Trưởng phòng Tư pháp quận Thốt Nốt (TP.Cần Thơ) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 102 trường hợp kết hôn với người nước ngoài. Trong đó, 42 trường hợp đăng ký kết hôn tại địa phương chủ yếu là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia…; 60 trường hợp ghi chú kết hôn (kết hôn tại nước ngoài rồi báo lại – PV). Hiện có 23 trường hợp đã ly hôn không rõ nguyên nhân. Địa phương sẽ tích cực hỗ trợ, tạo mọi điều kiện cho trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trở về sinh sống lâu dài tại Việt Nam”. |
THANH LÂM
[mecloud]bRjAjFreLV[/mecloud]