Từ những lời phán vô căn cứ, cùng phương pháp chữa bệnh phản khoa học của “thầy”, nạn nhân chết tức tưởi...
Cái chết của đứa con duy nhất
Liên tục trong những tuần vừa qua, báo ĐS&PL đăng tải loạt bài phản ánh, vạch mặt những lang băm, thầy bói toán, cúng bái chữa bệnh vô căn cứ trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng, nhận được phản hồi tích cực từ bạn đọc.
Theo đó, từ những loạt bài phản ánh, rất nhiều người đã hiểu rõ sự thật về những “thần y” siêu “nổ”. Là một trong số những người gọi điện phản ánh về vấn đề chữa bệnh của các lang băm, nhưng câu chuyện mà bà Nguyễn Thị Hồng (53 tuổi, trú tổ 3A, thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) phản ánh đến báo ĐS&PL, lại thật đáng buồn, đáng trách.
Bà Nguyễn Thị Hồng buồn bã chia sẻ câu chuyện với PV. |
Theo chia sẻ của bà Hồng, con trai bà là anh Phạm Văn Thành (26 tuổi, thôn 6, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), đã tử vong cách đây ít ngày do chó dại cắn. Đáng buồn hơn, việc anh Thành bị chó cắn đều được các thành viên trong gia đình biết, nhưng không một ai khuyên bảo anh đi khám, tiêm phòng. Thắp nén hương lên bàn thờ người con trai quá cố, bà Hồng ngậm ngùi: “Nó bị chó dại cắn nhưng gia đình lại chủ quan không đưa đi khám, tiêm phòng, đến khi phát bệnh dại thì đã quá muộn”.
Qua tìm hiểu của PV, ngày 1/3/2015, khi đang cùng bạn bè vui chơi ở con đường cuối thôn, anh Thành bị một con chó hoang, không rõ từ đâu đến xông vào rượt đuổi rồi cắn vào khủyu tay và chân, gây chảy máu. Sự việc anh Thành bị chó dại tấn công ngay trong địa bàn thôn, khiến không ít người dân chú ý. Điều đáng nói, thay vì khuyên bảo nạn nhân đi tiêm phòng tại các cơ sở y tế, bà con lại xì xào, bàn tán chuyện vaccin ngừa dại gây giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Có người còn bảo vô sinh nữa nên con tôi mới sợ. Nó không chịu đi tiêm phòng”, bà Hồng cho biết.
Từ những “mách nước” của một số người từng bị chó cắn mà vẫn sống về một “thần y” cao tay được Phật bà ban phép chữa bệnh, anh Thành tất tả chuẩn bị đồ đạc xuống núi tìm thầy chữa trị. “Tôi chỉ nghe nói là nó tìm đến một lang băm ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), chứ tên tuổi cụ thể thì không hay biết”, bà Hồng kể.
Tại đây, anh Thành được thầy lang vườn “cào” (tên gọi nôm na của người dân đối với phương pháp bắt bệnh của một số thầy lang - PV) để chẩn đoán xem có bệnh hay không. Theo lời “tiên đoán” của thầy, anh Thành hoàn toàn không bị bệnh dại. Cùng với đó, thầy còn cho mang về một số cây thuốc để bồi bổ sức khỏe với giá vài chục nghìn đồng.
Thế nhưng, đến ngày 6/5, tức 66 ngày sau khi bị chó cắn, gia đình tá hỏa khi thấy những triệu chứng kỳ lạ ở anh Thành. “Nó tỏ ra mệt mỏi, sợ nước, sợ gió và lo lắng bồn chồn. Linh tính mách bảo tôi đến chuyện nó bị phát bệnh dại, nên đưa ngay đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam điều trị, nhưng đã quá muộn. Càng nhìn các bác sỹ tận tình cứu chữa cho con trai mình, tôi lại càng ân hận mình thiếu hiểu biết”, bà Hồng nghẹn ngào. Được biết, nạn nhân là con trai duy nhất của bà Hồng, là người hiền lành, giỏi giang.
Vạch mặt những phương pháp chữa bệnh kỳ quái
Từ mục đích hiểu rõ hơn cách thức “cào” bệnh dại của một số lang băm hiện nay, PV trong vai người vừa bị chó cắn với một vết thương nhẹ, giả răng nanh của loài động vật này để thâm nhập thực tế. Theo ghi nhận của PV, giai đoạn hè nóng bức này chính là khung thời gian lý tưởng cho dịch bệnh dại bùng phát. Việc hành nghề của một số thầy lang, lang băm trên địa bàn thị xã Điện Bàn (huyện Duy Xuyên), đa phần rất đơn giản, lén lút và không có chứng chỉ hành nghề.
Hình thức “cào” bệnh của các lang băm thực chất chỉ dùng một số loại cây có tác dụng cầm máu và không gây nhiễm trùng như cây cỏ mực, tía tô. Các thầy lang sẽ dùng số lá ấy chà xát nhiều lần vào vết thương, rồi khẳng định con chó đã cắn có bị dại hay không, từ đó phán đoán bệnh dại ở nạn nhân. Bên cạnh đó, mỗi thầy đều tự trang bị cho mình một vật rắn được gọi là gia bảo (từ viên đá, hòn bi cho đến viên ngọc - PV).
Trong quá trình “cào” bệnh, các thầy vẫn không quên thuyết giảng về vật gia bảo của mình, với sức mạnh đoán bệnh như thần, khả năng hút chất độc, chất dại của bảo vật. Rồi đọc tên tuổi của hàng chục, hàng trăm người đã được thầy cứu sống, minh chứng hùng hồn nhất là những vật dụng, quà tặng họ biếu cho thầy để cảm ơn.
Đặc biệt hơn, một số đối tượng hành nghề bói toán, mê tín dị đoan vẫn kết hợp bắt bệnh dại bằng những lá bùa, nước thánh. Sau khi “cào” bệnh xong, nếu bệnh nhân bị chó dại cắn, thì đa số các thầy đều nhận chữa trị bằng những phương pháp bí truyền của riêng mình, kết hợp với những bài thuốc nam.
Theo thông tin từ trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, ngoài trường hợp của anh Thành ở trên thì tính chung trên địa bàn toàn tỉnh trong vòng một năm trở lại đây, đã có bốn người tử vong do bị chó dại cắn. Mặc dù, đời sống cũng như dân trí của nhiều người dân đã được nâng cao, bên cạnh đó các cơ quan chức năng đã khuyến cáo, tuyên truyền, nhưng hiện nay vẫn còn rất nhiều người tin vào cách “cào” bệnh vô căn cứ của một bộ phận lang băm.
Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vaccin và sinh phẩm (trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Cho đến nay kể cả y học hiện đại và y học cổ truyền đều khẳng định, bệnh dại khi đã lên cơn đều dẫn đến tử vong 100\%. Người dân tuyệt đối không được chủ quan với loại bệnh này”. Cũng theo vị này, cách tốt nhất để phòng bệnh dại là phải tiêm vaccin ngay sau khi bị chó cắn. Đặc biệt, cần theo dõi và phát hiện con vật có biểu hiện bệnh dại hoặc vết thương để tiêm cả huyết thanh kháng dại.
Về vấn đề một số người dân tin vào việc “cào” để biết có bị ảnh hưởng của bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn, các chuyên gia y tế Quảng Nam khẳng định, đây là cách thức phản khoa học. Không có căn cứ nào chứng minh cho việc nhìn vào vết thương, hay tâm linh, bảo vật có thể biết con vật vừa cắn có chứa virut dại hay không. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định việc tiêm vaccin phòng bệnh dại sẽ gây giảm trí nhớ, ảnh hưởng sức khỏe cho bệnh nhân. Vì vậy, người dân không nên tin vào lời đồn đoán, cũng như nghe theo những lời ma mị từ một số đối tượng hành nghề lang băm để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Thay đổi suy nghĩ – không dễ Trao đổi với chúng tôi, đại diện chính quyền thôn 5 (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) cho biết: “Sau khi anh Thành qua đời, chính quyền đã tới thăm hỏi động viên gia đình. Tuy vậy, trên địa bàn các thôn miền núi này vẫn còn nhiều người tin tưởng vào lối suy nghĩ và cách bói bệnh kỳ quặc này. Để thay đổi suy nghĩ một thế hệ không phải là chuyện một sớm, một chiều”. |
NHÂM THÂN
Xem thêm video: Bắt khẩn cấp 2 giám đốc sản xuất thuốc chữa bệnh giả