+Aa-
    Zalo

    Bi kịch “không lối thoát” vì tin nhầm tổ chức cho vay trực tuyến thời… Covid

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Do đại dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người dân lâm vào cảnh khó khăn, đã sập bẫy “tín dụng đen” trên không gian mạng để rồi mất trắng tài sản. Nhiều tổ chức cho vay trực tuyến đang có sự phát triển nở rộ như nấm mọc sau mưa, nếu người dùng không lựa chọn cẩn thận thì rất dễ trúng cạm bẫy của tín dụng đen biến tướng, rất khó để thoát ra.

    “Sập bẫy”… thời Covid

    Nhóm phóng viên tìm đến một xóm trọ công nhân tại KCN Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) vào một buổi chiều u ám, chúng tôi được nghe anh Nguyễn Hữu Hải… (quê Cẩm Khuê, Phú Thọ) chia sẻ về câu chuyện buồn của anh khi dại dột sa bẫy “tín dụng đen” trong mùa dịch Covid-19. Anh nói, do làm công nhân tại KCN Kim Chung, dịch bệnh kéo dài, công việc đứt đoạn, đồng lương lúc có lúc không.

    Nên cảnh giác khi vay tiền đối với tín dụng đen trên không gian mạng

    Cùng lúc đó, anh đọc được thông tin app tín dụng với nội dung cho vay tiền, thủ tục nhanh gọn nên đã liên hệ theo số điện thoại ghi face và quyết định vay 30 triệu với lãi suất 40%/tháng. Mặc dù, mỗi tháng anh điện về quê vay tiền, anh đều trả tiền lãi đều đặn nhưng chỉ hơn 4 tháng qua, số tiền nợ gốc ban đầu đã nhân lên gần gấp 5 lần.

    Anh Hải liên tục bị “khủng bố” về mặt tinh thần khiến cho tâm lý luôn trong tình trạng bất an, sức khỏe suy sụp, nguồn thu nhập từ công việc chính của anh trong mùa dịch Covid 19 này đến ăn còn không đủ tính gì đến chuyện trả nợ. Anh đi hỏi những người có trình độ mới biết app cho vay nói trên là “tín dụng đen” chuyên bẫy người dân. Nhận thấy không thể tiếp tục tình trạng này, anh Hải đã nhờ vào sự giúp đỡ của người thân, gia đình để trả dứt điểm số nợ với mong muốn được yên thân. Giờ đây, mỗi lần nghĩ lại, anh Hải lại cảm thấy rùng mình và cũng tự trách mình vì thiếu hiểu biết về “tín dụng đen” nên đã dễ dàng sa bẫy những kẻ xấu.

    Cũng như anh Hải, anh Nguyễn Văn Toàn, quê Yên Thành, Nghệ An (hiện ở trọn tại Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội), làm nghề chạy xe công nghệ tại bến xa Mỹ Đình thì cho biết: “Một tháng trước, do dịch Covid-19, bị cấm chạy xe, lại không thể về quê, ở lại Hà Nội thì cuộc sống khó khăn, khi đang cần tiền và nghe lời dỗ ngon ngọt của “tư vấn viên” trên mạng, anh đã vay 15 triệu của một “doanh nghiệp tài chính mạng” không có giấy phép, ngay sau đó anh đã khốn khổ bởi những tin nhắn thúc bách phải trả những khoản lãi cao của bọn “tín dụng đen” công ty núp bóng công ty tài chính này. Có những lần họ còn đe dọa “xin ông tí tiết” kiến anh Toàn hoảng hồn, phải đi vay chỗ khác để giả hết cho họ đúng thời hạn. Tính ra tôi đã mất hơn gấp đôi”.

    Như trường hợp của chị Phạm Thị Huyền (24 tuổi, ngụ Cao Bằng) hiện đang ở Thanh Xuân, Hà Nội. Sau khi vay online qua các ứng dụng “tín dụng đen”, số tiền vay ban đầu đã bị đội lên nhiều lần. Chị cho biết mắc lừa do tin lời quảng cáo của các ứng dụng này như “lãi suất vay thấp, thậm chí 0%”. Tuy nhiên khi đăng ký vay hoàn thành, khách hàng như chị Huyền sẽ phải chịu nhiều loại phí lên tới 40-50% số tiền vay, và không nhận được đủ số tiền vay gốc.

    Cứ đến gần ngày trả nợ, những người tự nhận là nhân viên của các ứng dụng này liên tục gọi điện khủng bố chị Huyền, có ngày chị nhận được cả trăm cuộc điện thoại. Chưa dừng lại ở đó, hình ảnh của chị, thậm chí là người thân của chị, cũng bị mô hình “tín dụng đen” sử dụng để cắt ghép rồi đăng lên mạng xã hội với những lời lẽ thô tục, sỉ nhục, bôi nhọ. Không chỉ khủng bố trực tiếp người vay, những người tự nhận là nhân viên của các ứng dụng này còn gọi điện, nhắn tin vào những số điện thoại trong danh bạ là bạn bè, người thân của chị Huyền để chửi rủa, mắng nhiếc thậm tệ. Lãi mẹ đẻ lãi con, đến nay gia đình chị Huyền đã phải trả cho các ứng dụng số tiền khoảng 70 triệu đồng, thế nhưng chị vẫn còn nợ các ứng dụng vay với số tiền gần 30 triệu đồng nữa.

    Cảnh giác với bẫy tín dụng đen trên không gian mạng

    Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Thiếu tá Đinh Quang Hưng, tổ trưởng tổ hình sự công an Phường Dịch Vong (Cầu Giấy, Hà Nội) đưa ra cảnh báo hình thức tín dụng đen lên ngôi do dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến thu nhập và việc làm của người lao động. Thu nhập giảm và khả năng mất việc làm tăng cao, việc tiếp cận vay tiêu dùng của người lao động đứng trước nguy cơ đã khó nay lại càng khó hơn.

     Mặt khác, thời điểm dịch Covid 19 cũng là cơ hội để tín dụng đen tiếp tục len lỏi, tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người dân cần sớm cảnh giác. Các đối tượng cho vay tín dụng thường tính lãi vay 1 tháng cao gấp 30 - 100 lần lãi suất vay ngân hàng. Dù quảng cáo là vay tiền không cần thế chấp nhưng các đối tượng vẫn bắt người vay phải viết trước giấy bán nhà, bán xe để đảm bảo cho khoản vay. Trên thực tế, nhiều người đã mất trắng tài sản khi vướng vào bẫy tín dụng đen này. Các đối tượng cho vay nặng lãi lách luật và trốn tránh sự điều tra, thu thập chứng cứ của cơ quan công an như: Ghi lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế trong hợp đồng hoặc ghi lãi suất theo thỏa thuận trong một loại giấy tờ khác như giấy vay tiền, giấy viết tay để có thể tiêu hủy, thay đổi dễ dàng, yêu cầu bị hại viết giấy bán tài sản.

    Đại úy Hưng cảnh báo đã đề cập đến việc tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen, người dân cần hết sức thận trọng và cảnh giác không vay mượn tiền của các đối tượng cho vay qua số điện thoại được treo, dán trên tờ rơi, cột điện hoặc các app vay tiền không rõ nguồn gốc, từ các đơn vị không được cấp phép. Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân cần trực tiếp liên hệ đến các công ty tài chính uy tín, được cấp phép hoạt động theo quy định pháp luật để được hướng dẫn. Khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến tín dụng đen, người dân nên báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được can thiệp và bảo vệ kịp thời.

    Theo ông Hưng, lâu nay trên mạng xã hội, các hội, nhóm (group) luôn là nơi thu hút nhiều người dùng mạng tham gia, bởi đây là nơi thuận tiện để giao lưu, kết bạn cũng như chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, ít ai lường trước được mặt trái của các hội nhóm này và đây cũng là mảnh đất màu mỡ để những kẻ lừa đảo lợi dụng hoạt động, tung ra các chiêu trò khiến nhiều nạn nhân bị thiệt hại lớn cả về vật chất và tinh thần. Trong chương trình Lời Cảnh Báo đã xuất hiện nhiều nạn nhân chia sẻ những hình thức lừa đảo mà họ gặp phải như bẫy việc làm, bẫy mua hàng online, bẫy đánh cắp thông tin cá nhân, bẫy hội nhóm hẹn hò…

    Thiếu tá Đinh Quang Hưng khuyến cáo: Nếu tham gia hội nhóm mà người quản lý nhóm yêu cầu cung cấp quá nhiều các thông tin cá nhân thì không nên tham gia. Khi tham gia mà có ai đó tiếp cận để cung cấp thông tin hay mua bán gì đó thì nên cẩn thận. Còn đặt hàng online chỉ nên chuyển khoản trước 10-15% uy tín thôi, đối với bài đăng tuyển dụng cũng không nên gửi sản phẩm gốc mà chỉ nên chụp hình hay file chất lượng thấp trước khi nhận được tiền thanh toán…

    Bản thân người dùng nếu thiếu những kiến thức và kỹ năng cần thiết có thể vô tình trở thành nạn nhân của những hội nhóm lừa đảo. Chẳng hạn, một người nhận được e-mail thông báo rằng đã trúng một giải thưởng lớn, đề nghị nhấp vào một đường dẫn (link) để làm thủ tục nhận giải; hành động đó có thể vô tình làm lây lan virus không chỉ máy tính của cá nhân mà còn các máy tính khác trong cơ quan, đơn vị nếu có kết nối nội bộ. Hoặc khi xem trên Facebook, thấy có link clip khiêu dâm hay thông tin gây tò mò mà nhấp vào thì có thể bị virus tấn công… Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chắt lọc thông tin đúng để tránh dính vào cái bẫy của kẻ lừa đảo. Có như thế mới tránh được bẫy “tín dụng đen” đang tràn lan trên không gian mạng.

    Thành Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kich-khong-loi-thoat-vi-tin-nham-to-chuc-cho-vay-truc-tuyen-thoi-covid-a518747.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.