Vì muốn giải thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chị Phạm Thị Tuyết Phượng (22 tuổi, xã An Thành, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai) đã đề nghị Phạm Văn Tức (32 tuổi, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) ra tòa ly dị.
Mẹ chị Phượng đau xót kể về bi kịch gia đình. |
Sau khi tìm mọi cách níu kéo vợ bất thành, Tức đã gây ra tội ác tày trời. Quá trình vào cuộc tìm hiểu sự việc, PV báo GĐ&XH Cuối tuần còn phát hiện: Đây không phải lần đầu Tức tìm cách ép vợ phải chết.
Cay đắng phận làm dâu
Bàn về bi kịch xảy ra với chị Phượng, chuyên gia tâm lý Bùi Nhài cho rằng: “Chị Phượng có thể đã thiếu đi sự quyết liệt và cả khéo léo trong cách giải quyết tình huống phát sinh trong cuộc hôn nhân của mình. Nếu như đã quyết định ly hôn và phát hiện chồng có ý định độc ác (qua hành động bóp cổ - PV), Phượng lẽ ra không nên cùng Tức ở một mình. Như vậy, tấn bi kịch này có thể đã không xảy ra”. |
Nhiều ngày đã trôi qua nhưng người dân thôn 5 (xã An Thành) vẫn chưa hết xôn xao về cái chết oan uổng của chị Phượng. Nhà nạn nhân nằm mặt đường Quốc lộ 19, xung quanh là vài mái nhà lọt thỏm giữa bạt ngàn nương sắn, rẫy mía. Các gia đình sống trong khu vực đa phần đều nghèo khó, bà con quanh năm cặm cụi trên nương. Bởi thế khi sự việc xảy ra, không một ai hay biết. “Sau khi bị chồng đánh đập, Phượng chết trong tư thế bị treo cổ trong góc phòng. Cửa phòng bị chốt then, cửa ngoài khóa nên Phượng bị hại lúc sáng mà mãi đến cuối buổi chiều gia đình mới phát hiện”, một người dân chua xót. Tìm đến ngôi nhà cấp bốn đơn sơ của nạn nhân, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là chiếc bàn thờ khói hương nghi ngút. Nhiều ngày sống trong nỗi đau mất con, bà Trần Thị Tuyết Hương (45 tuổi, mẹ nạn nhân) trông mệt mỏi, thất thần.
Nhà bà Hương vốn nghèo khó, chồng làm thợ mộc, bà thì lam lũ với vài mảnh rẫy trồng dưa quả, hoa màu. Tâm sự với người viết, bà Hương nghẹn ngào kể gia đình sinh được 4 người con, Phượng là chị cả, từ nhỏ đã phải chịu nhiều thiệt thỏi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Phượng chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ ở nhà, theo mẹ lên rẫy trồng hoa màu, làm cỏ. Sau này vì không muốn con lam lũ khổ cực, cha mẹ lại cho Phượng đi học nghề làm tóc. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Phượng cũng nghỉ ngang.
“Nghỉ học nghề, Phượng về nhà phụ giúp mẹ việc nhà. Lúc đó vào dịp cuối năm, tôi bảo Phượng đi chặt mía thuê kiếm ít tiền mua sắm quần áo Tết. Phượng nghe lời, đi chặt mía thuê với vài người trong thôn rồi tình cờ gặp Tức từ Bình Định lên làm thuê. Nhà Tức đông anh em, cũng nghèo nhưng được cái chịu khó. Ngày biết chuyện tình cảm của hai đứa, gia đình chúng tôi phản đối vì Phượng mới 17 tuổi. Sau đó, Tức nhất quyết đòi cưới và Phượng cũng muốn vậy nên gia đình tôi phải đồng ý”, bà Hương kể.
Phượng về sống với nhà chồng được một thời gian ngắn thì mâu thuẫn xảy ra. Trong khi Tức đã gần 30 thì Phượng mới 17 tuổi nên từ suy nghĩ đến cách sống có nhiều điểm chênh nhau. Gia đình Tức ban đầu nằng nặc hỏi cưới Phượng nhưng sau đó lại cho rằng cô quá “tiểu thư” nên lại quay ra ác cảm. Sống chung với cha mẹ nhưng Tức lại hay đi làm xa nên chỉ có Phượng quanh quẩn ở nhà. Mẹ chồng nàng dâu sớm tối gặp nhau nhưng không thân thiết mà chỉ toàn chuyện bất đồng. Do tính nết bướng bỉnh, Phượng càng bị mẹ chồng hạch sách, trách mắng. “Con gái tôi không chịu đựng được mẹ chồng khó tính nên lấy chồng chưa đầy một năm đã bỏ về nhà mẹ. Tôi thấy con làm vậy không đúng nên khuyên răn. Sau này, Tức cũng lên thuyết phục vợ về lại nhà. Song khi lại nhà chồng, mâu thuẫn giữa Phượng với gia đình bên ấy lại càng gay gắt. May nhờ hai đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống làm dâu của nó mới bớt phần cơ cực”, bà Hương nghẹn ngào.
Sau 4 năm lấy nhau, hai vợ chồng Tức xây ngôi nhà nhỏ bên cạnh để ra ở riêng. Tuy vậy, cuộc sống vợ chồng càng lục đục khi Tức ngày càng cáu bẳn, vũ phu. Phượng chẳng những mâu thuẫn với mẹ chồng mà còn bị chồng hắt hủi. “Bị hành hạ, có lần Phượng uất ức đòi đi mua thuốc chuột tự tử”, bà Hương bức xúc.
Cuộc giải thoát không thành
Trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, Tức không chịu lo nhà cửa, vợ con mà chỉ bài bạc bê tha. Phượng khuyên nhủ không được nên uất ức khóc lóc thì bị Tức chửi mắng, đánh đập. Do những mâu thuẫn âm ỉ, cách đây 3 tháng Phượng bỏ vào TP. HCM kiếm việc làm thuê. Vợ bỏ đi rồi Tức mới thấy hối hận. Do không biết thông tin, gã quay sang cầu cứu mẹ vợ. Khi thấy con rể dẫn hai cháu ngoại lên nhà nài nỉ, bà Hương tội nghiệp lại giúp gã liên lạc với con gái. Thế nhưng khi vợ chồng đoàn tụ, Tức lại chứng nào tật nấy. Bởi vậy, chị Phượng đã bỏ về nhà mẹ đẻ rồi âm thầm nảy sinh ý định ly hôn.
Ở Bình Định, Tức nghe tin vợ muốn ly dị liền chạy xe máy một mạch xuống nhà mẹ vợ. Tối hôm đó (15/10), gã đứng rình rập trước nhà đến khi vợ về thì mới chịu ra mặt. Trong cuộc cãi nhau dữ dội, Tức yêu cầu vợ làm giấy cam kết để hai con lại cho mình nuôi, từ nay không dính dáng gì tới con nữa. Khi bị vợ từ chối, Tức đã lao đến bóp cổ. Nhưng do Phượng kêu cứu nên hắn đành buông tay. Sáng hôm sau, vợ chồng bà Hương rời nhà đi hái dưa leo, chỉ có hai vợ chồng Phượng ở nhà. Đến 15h cùng ngày, vợ chồng bà Hương mới trở về thì thấy cửa khóa nên đành cạy chốt vào nhà. Khi mở chốt cửa phòng riêng, bà Hương phát hiện con gái bất động cạnh cửa sổ. Hai người kiểm tra thì thấy con gái đã tắt thở. Đau lòng hơn, nạn nhân bị treo cổ lên khung cửa sổ bằng chiếc quần dài. Biết con gái đã bị sát hại, ông bà hoảng hốt đi báo cơ quan công an. Qua điều tra, cơ quan công an xác định kẻ gây ra vụ án không ai khác chính là Tức.
Tuy nhiên cũng phải đến hai ngày sau, cơ quan điều tra mới có tin tức của hung thủ. Thi thể Tức được người dân phát hiện trong tư thế treo cổ tại hồ Suối Chay (thuộc xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Điều tra cho thấy, Tức tự vẫn vào chiều 16/10, cùng ngày hắn đánh chết vợ. “Khi thấy con gái chết thảm, gia đình tôi căm phẫn lắm. Càng không ngờ Tức sát hại vợ rồi lại về quê tự tử như vậy. Giờ Tức mất rồi thì gia đình tôi cũng đau xót, tha thứ cho Tức. Dù sao, nó cũng là con rể của gia đình. Tức mất đi gia đình bên ấy cũng đau khổ lắm”, bà Hương buồn rầu. Hai bên gia đình đều mất đi người con, đều phải sống trong đau đớn tột cùng. Tuy nhiên, đáng thương nhất vẫn là hai đứa trẻ mất cha mất mẹ, dù chúng chưa thể thấu hiểu được nỗi đau mình đang gánh chịu. Nhắc đến cháu ngoại, bà Hương nghẹn ngào: “Hai cháu ngoại nay đứa lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 3 tuổi. 5 hôm trước khi mẹ mất, hai cháu được đưa về phía nội ăn đám cưới của em trai Tức. Lúc hai cháu lên gặp mẹ lần cuối thì chúng tôi đã khâm liệm rồi nên cháu nhỏ cứ dạo tìm mẹ nhưng không thấy mẹ đâu. Khi thấy người lớn khóc rồi khóc theo chứ không biết gì hết. Cháu lớn thì biết mẹ chết nhưng vẫn hồn nhiên chứ đã biết buồn, biết khóc gì đâu”.
Trong đám tang chị Phượng, gia đình bà Hương không giấu được nỗi bức xúc trước gia đình Tức, nhiều người còn đe dọa đánh đập. Lo sợ bị trả thù, lúc quan tài vừa hạ huyệt, gia đình Tức vội vàng đưa hai cháu về Bình Định. Chiều trở về từ đám tang con dâu thì sáng hôm sau họ nhận tin dữ. Sau đó, gia đình bà Hương lại lục tục về Bình Định dự đám tang con rể. Dù oán trách Tức nhẫn tâm hại vợ nhưng trước cảnh đau thương mọi người không còn hận thù nữa, thay vào đó là sự tiếc nuối, xót xa. Nhìn hai cháu nhỏ vừa đến đám tang mẹ ngày hôm trước ngày hôm sau lại tung tăng cười đùa bên bàn thờ cha, mọi người không cầm được nước mắt. Bà Hương cho biết, chuyện giờ đã qua, người đã mất, lỗi lầm của Tức và gia đình thông gia bà chấp nhận cho qua. Điều bà lo lắng nhất là tương lai của hai đứa trẻ. Mong muốn của gia đình là được nhận nuôi cháu lớn, phần là vì trách nhiệm, phần vì để con trẻ được gần gũi với mẹ, an ủi linh hồn Phượng. “Chúng tôi muốn đưa cháu về nuôi dưỡng, sau này ông bà mất đi thì cháu có thể lo hương khói cho mẹ. Nếu không được thì vợ chồng tôi chấp nhận lo hương khói cho Phượng đến lúc mất đi, sau này nhờ cậy vào các em của Phượng”, bà Hương tâm sự.