(ĐSPL) - Người chồng đầu qua đời trên chiến trận, một mình bà nuôi con gần 10 năm ròng. Thếnh nhỏ hơn bà 9 tuổi, nhưng do Thếnh theo đuổi suốt thời gian dài khiến bà xiêu lòng và chấp nhận để Thếnh về sống chung. Dù rất muốn tình cảm giữa cha dượng và con riêng của mình hòa hợp nhưng bà không thể làm được. Trong một lần say rượu, mâu thuẫn xảy ra, Thếnh đã đâm chết con riêng của vợ.
Kết thúc của hy vọng hạnh phúc
Bị cáo Nguyễn Văn Thếnh (SN 1961, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vừa bị TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 6 năm tù giam về tội giết người vào ngày 13/4. Tham dự phiên tòa, những giọt nước mắt của vợ bị cáo và cũng là mẹ của bị hại cứ ám ảnh chúng tôi. Hai ngày sau (15/4), bà Nguyễn Thị S. (SN 1952) vẫn khuôn mặt gầy sọp, nước da nhăn nheo, đen nhẻm và đôi mắt sâu hóp khi tiếp chúng tôi. Giọng bà lạc đi khi kể về nỗi đau của mình.
Năm 18 tuổi, bà S. kết hôn với người đàn ông ở gần nhà. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, đặc biệt là khi đứa con trai đầu lòng là anh Nguyễn Tấn M. (SN 1971) ra đời. Khi con vẫn còn nằm trong nôi, ông đã vội đi bộ đội. Thỉnh thoảng, ông về thăm vợ con trong chốc lát. Bà sợ, bom rơi đạn lạc sẽ cướp mất chồng. Hằng đêm, nằm ôm con, vừa ru bà vừa cầu nguyện cho chồng.
Khi anh M. tròn 5 tuổi, bà S. chết lặng nhận được tin báo, chồng hy sinh trên chiến trường. Bà khóc như chưa bao giờ được khóc. Bà tự hứa với lòng, phải thay chồng nuôi con trai thành người. Từ ngày ông qua đời, chỉ có hai mẹ con lủi thủi bên nhau. Bà vừa là người mẹ vừa là người cha. Có bao nhiêu tình cảm, bà dành trọn cho con trai.
Bà S. đau đớn trước thảm kịch. |
|
Đúng như những gì dân gian vẫn thường nói “gái một con trông mòn con mắt”. Dù khổ cực, bươn chải mưu sinh nhưng nét đẹp thanh xuân trên khuôn mặt bà vẫn còn lưu giữ. Không ít người đàn ông vẫn trồng cây si, ngỏ ý muốn se duyên cùng bà. Trước sự kiên định của người phụ nữ, họ dần rút lui.
Chỉ riêng Thếnh, gần 10 năm trôi qua, vẫn không buông bỏ theo đuổi bà. Lòng phụ nữ nhạy cảm, trước tình cảm của Thếnh, trái tim bà cũng dần thổn thức, rung động. Tuy nhiên, ý nghĩ đã qua một đời chồng, đang nuôi con nhỏ, bà lại lớn hơn Thếnh đến 9 tuổi trở thành nỗi mặc cảm khó vượt qua. Dường như Thếnh hiểu thấu những tâm sự này nên cứ âm thầm dành trọn tình cảm cho bà. Năm 1985, bà S. chấp nhận tình cảm của Thếnh và dọn về sống chung. Năm sau, bà sinh hạ một đứa con gái. Đến năm 1989, bà lại sinh hạ thêm một đứa nữa.
Song điều bà S. lo sợ nhất cuối cùng cũng xảy ra. Tình cảm giữa cha dượng với con riêng của bà không thể hòa hợp. Nhiều lần, hai người xảy ra mâu thuẫn. Bà là người đứng giữa, chịu biết bao đau khổ dằn vặt nhưng đành cúi đầu cam chịu.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn âm ỉ
Trong thâm tâm, anh M. luôn cho rằng, Thếnh không phải là cha ruột của mình. Thếnh chỉ lớn hơn mình vài tuổi nên yêu cầu gọi cha, xưng con là không thể thực hiện. Do đó, anh M. luôn xưng tui, gọi ông với Thếnh. Lắm khi, bà muốn khoảng cách giữa con trai và chồng sẽ không tồn tại. Nhưng, đó chỉ là mơ ước của bà mà thôi.
Lớn lên, anh M. kết hôn và chuyển ra sống riêng cách nhà mẹ hai căn nhà. Dù không ở chung, nhưng tình cảm của anh dành cho mẹ vẫn nguyên vẹn. Hằng ngày, anh vẫn sang thăm. Lúc có tiền, anh không quên biếu mẹ để bồi dưỡng. Mặc dù vậy, anh vẫn không có chút gì thay đổi khi nhìn cha dượng.
Hàng ngày, bà S. bán trứng vịt lộn, còn Thếnh chạy xe ôm. Càng lớn tuổi, Thếnh càng nghiện ngập rượu chè. Dù hành nghề xe ôm nhưng chỉ cần có người rủ uống rượu là Thếnh lại bỏ đi nhậu. Lúc đầu, Thếnh uống về đến nhà là ngủ. Về sau, chân nam đá chân chiêu về đến cổng, Thếnh lại tìm cách gây sự, chửi mắng vợ.
Ở bên cạnh, nghe cha dượng nhiều lần xúc phạm mẹ, anh M. giận lắm. Hiềm khích trong lòng ngày một tăng. Không ít lần, anh lớn tiếng, yêu cầu cha dượng không được quát tháo mẹ mình. Nhưng, kẻ say nào biết suy nghĩ, mọi chuyện lại y như cũ.
Ngày 5/10/2014, anh M. đi viếng đám tang hàng xóm. Về đến nhà, anh nhậu cùng một số người bạn khá nhiều. Tối đó, Thếnh cũng uống rượu. Thếnh say mèm, yêu cầu vợ dọn hàng ra bán nhưng bà S. không chịu. Lúc này, bà dọn cơm ra ăn thì Thếnh viện cớ chửi mắng. Không muốn lớn chuyện, bà ra nhà sau tắm, còn Thếnh ngồi xem ti vi.
Anh M. nghe phía nhà mẹ cãi nhau nên chạy sang. Tức giận bao nhiêu năm dồn nén, anh xông vào đánh cha dượng. Thếnh chồm dậy lấy con dao Thái Lan đâm một nhát vào bụng con của vợ. Anh M. ngã gục. Lúc này, bà S. nghe tiếng kêu cứu liền chạy vào, thấy con trai chảy nhiều máu nên vội vã nhờ người dân đưa đi cấp cứu. Riêng Thếnh đến công an đầu thú. Mặc dù được đội ngũ y bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng do vết thương quá nặng, đến ngày 6/10/2014, nạn nhân trút hơi thở cuối cùng.
Hơn nửa năm qua, nỗi đau mất con, chồng bị bắt vẫn ám ảnh bà S.. Cũng vì buồn nhiều, không thể ngủ được nên bà ngày càng gầy sọp. Là người đứng giữa, bà chẳng thể suy nghĩ được điều gì. Và, bà biết, con trai không bao giờ tỉnh lại nữa, riêng Thếnh vẫn phải sống tiếp. Do đó, trong phiên tòa sơ thẩm, bà rơm rớm nước mắt xin giảm án cho chồng.
Thếnh bị dẫn giải sau phiên tòa. |
|
Nỗi đau không nằm trong bản án
Cũng trong phiên tòa hôm ấy, em Nguyễn Thị N., con anh M., là người đại diện cho gia đình bị hại. Khi được mời lên thẩm vấn, mỗi lần cất lời, em vẫn gọi Thếnh là “ông nội”. Em N. cho hay: “Cha rất thương các con và bà nội. Do đó, mỗi khi nghe ông nội chửi mắng bà thì cha lại rất tức giận”. Trước đây, đôi lần nghe Thếnh gây sự với mẹ, anh M. đã sang can thiệp nên xảy ra mâu thuẫn. Vì điều này, về sau, mỗi khi nghe phía gia đình bà nội lớn tiếng là em cùng mẹ phải giữ cha ở nhà.
Trong trí nhớ, những ngày tháng ông nội chửi mắng bà là ám ảnh không bao giờ quên đối với em. Em từng mong, những cuộc cãi vã ấy sẽ nhanh chóng kết thúc, và gia đình sẽ tràn ngập nụ cười, hạnh phúc. Nhưng, tuổi thơ của em cho đến bây giờ, mỗi khi nghĩ về ông nội vẫn chỉ là những lời mắng chửi.
Hôm xảy ra vụ án, biết cha uống rượu, nếu sang nhà bà nội thì trước sau gì cũng có chuyện nên em không cho bố sang. Tuy nhiên, cha vẫn sang. Chỉ lát sau, em giật mình khi nghe tiếng bà nội hét lớn: “Ai cứu con tôi với”. Em vội vàng chạy sang, trước mắt là cảnh tượng kinh hoàng, cha đang nằm trên vũng máu. Vừa kể, nước mắt vừa lăn dài trên khuôn mặt em.
Em N. cho biết, cha mất là nỗi đau lớn, không gì có thể bù đắp được. Ban đầu, khi vụ án xảy ra, em giận ông nội lắm. Tuy nhiên, về sau, thời gian trôi, em suy nghĩ lại và đã có cách nhìn nhận khác. Cũng vì điều này, trong phiên tòa, em nghẹn đắng khi mong muốn kẻ giết cha mình được giảm án. “Bà nội năm nay tuổi đã cao. Các cô, các chú phải chu cấp để nuôi bà hằng ngày. Vì thế, con nghĩ, nếu mình yêu cầu bồi thường thì bà sẽ rất khó khăn. Trước đây, cha rất thương bà nên em sẽ tha thứ cho ông nội”, em lý giải.
Ngồi bên cạnh, vợ anh M. thinh lặng lắng nghe con gái nói. Chị cho biết, mình là vợ nhưng vào năm 2006 đã ra tòa ly dị. Nhưng ba đứa con đã gắn kết anh chị trở lại với nhau sau đó bốn năm. Tình cảm đậm sâu nhưng anh chị không đăng ký kết hôn lại. Đây chính là lý do chị không phải là người đại diện cho người bị hại. Chị cũng chia sẻ: “Tôi không có ý kiến gì trong vụ án này. N. vừa là con, vừa là cháu, cứ để cho N. lựa chọn cách xử lý của mình”.
Ngày 13/4/2015, TAND TP.HCM mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Thếnh về tội giết người. Đứng trong vành móng ngựa, bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi đã gây ra. Thếnh khai, nhiều khi say đã gây sự với vợ. Hôm xảy ra vụ án, bị cáo không hề có ý định sát hại con riêng của vợ. Lúc đó, vì rối quá nên cầm dao đâm, không ngờ hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra. HĐXX nhận định, hành vi của Thếnh là đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bị cáo có thân nhân tốt, hối hận, thành khẩn, một phần lỗi từ bị hại, gia đình bị hại xin giảm án nên tòa tuyên phạt 6 năm tù giam. |
Bi hài cảnh kẻ đang tâm giết con ruột
HUY LINH
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-kich-chong-sat-hai-con-rieng-va-nuoc-mat-nguoi-xin-giam-an-cho-ke-giet-cha-a91516.html