Quỳ đòi nợ
Mới đây, mạng xã hội “đào xới” hình ảnh một người đàn ông tới nhà con nợ để đòi nợ. Vụ việc xảy ra vào sáng 28/11/2020, tại Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong ảnh người đàn ông lót dép cầm trên tay tấm biển “Xin anh S. trả tiền lại cho em” khiến nhiều người vừa thương cảm vừa bức xúc.
Theo những gì được chia sẻ trên mạng xã hội, do vợ con đi viện nhưng con nợ không chịu trả tiền, người đàn ông đành phải đưa ra hạ sách này, hy vọng con nợ sẽ trả lại tiền cho mình.
Những bức ảnh được chia sẻ với dòng chú thích: “Anh S. mượn tiền của anh này, đến lúc gia đình anh có việc (vợ con đi viện) thì tới đòi, 5 lần 7 lượt anh S. đều khất lần. Không còn cách nào khác, anh mới phải treo tấm biển đòi tiền vào cổ rồi quỳ xuống giữa đường với hi vọng sẽ đòi lại được số tiền gần 20 triệu anh cho anh S.vay. Nghe nói lúc mượn tiền anh S. ngon ngọt lắm, nhưng khi trả tiền thì dửng dưng như không”.
Ngay sau khi bức hình xuất hiện đã có rất nhiều người bày tỏ ý kiến khác nhau, đa số đó là thái độ bức xúc với việc chây ì trả nợ của người tên S. Chưa biết số tiền vay nợ thực sự là bao nhiêu nhưng nhiều người dự đoán rằng, hẳn người này đang rất cần đến số tiền đó và đã nhiều lần đòi nợ bất thành nên mới cùng đường phải đến quỳ gối xin lại số tiền cho mượn.
Anh Nguyễn Văn Bình bình luận: “Lúc cho mượn cứ nghĩ là mình đang tạo phước giúp người, lúc đói mới biết là mình khổ thế nào. Người nào vay tiền thì trả cho người ta giùm. Tiền mồ hôi xương máu chứ đâu phải trò đùa. Khi khốn khó mở miệng ngon ngọt, đến ngày trả tiền thì bùng. Sống lỗi thế rồi ai giúp nữa? Đời đúng là đứng cho vay, quỳ xin lại là có thật”.
“Đừng hỏi sao nhiều người mất lòng tin vào nhau. Lúc cho mượn thì nó nói ngon nói ngọt, lúc mượn xong rồi thì đòi nợ nó mà như ăn xin ăn mày vậy đó, còn phải quỳ lạy van xin nó mà chưa chắc nó đã trả cho nữa cơ ý. Số tiền dành dụm là cả một tài sản lớn đối với người cho vay, ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, nhưng cho vay giờ đòi không được thì cảm giác hụt hẫng”, thành viên Trần Minh Tuấn bức xúc bình luận.
Bạn Lê Duy Long nêu quan điểm: “Câu chuyện khi vay nói lời ngon ngọt, đến ngày trả nợ tìm cách khất hẹn đã là một thực tế hiện nay. Dù đã có rất nhiều chủ nợ lên mạng bóc phốt con nợ, buộc con nợ phải trả tiền nhưng điều đó vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh những người coi thường đồng tiền mồ hôi nước mắt của người khác làm ra”.
Hình ảnh nói lên thực trạng của các chủ nợ hiện nay khi đi đòi tiền con nợ. (Ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội)
Chây ỳ không trả nợ: Tật xấu cần lên án
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - nguyên Giám đốc Công an tỉnh, ĐBQH tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ Quốc hội khoá 14 từng chia sẻ tại hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng: "Người đi vay nợ khi đến gặp chủ nợ, họ tìm mọi cách hứa thật nhiều, kể cả thế chấp tài sản bảo đảm để mong muốn vay cho được. Trở về với "tiền tươi thóc thật" nhưng oái ăm thay, đến hạn họ không chịu trả, không thực hiện cam kết và tìm cách chây ỳ. Dù là vì lý do gì đi nữa thì đây là một thói hư, tật xấu mà theo tôi xã hội chúng ta cần phải lên án".
Trở lại câu chuyện đòi nợ, ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục nêu thực trạng, chủ nợ thì chạy khắp nơi tìm con nợ "van xin", khi đòi không được thì họ tìm đến công an tố cáo hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm. Sau một thời gian kiểm tra, xác minh, cơ quan công an hướng dẫn chủ nợ nộp đơn sang tòa án để giải quyết vì đây là mối quan hệ dân sự. Chủ nợ lại tiếp tục chờ tòa, chưa biết lúc nào mới thu hồi được nợ.
"Tôi đã chứng kiến có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng nhưng để thoát tội, người vay mỗi tháng trả 2 triệu đồng. Tôi ước tính phải mất đến 50 năm, người vay còn chưa trả hết gốc, không kể lãi. Đó là thực trạng mà không ít tổ chức tín dụng được nhà nước cho phép, người dân lương thiện, biết tôn trọng và cậy nhờ pháp luật phải hứng chịu khi đi đòi nợ…”, Thiếu tướng Cầu chia sẻ.
LÊ VĂN