(ĐSPL) - Bị người phụ nữ sàm sỡ, Trần Bảo Lợi không còn cách nào khác là dùng hết sức bình sinh lấy chân hất tung người đàn bà độc ác văng ra khỏi người mình.
Không ngờ, hành động đó của Lợi khiến thủ phạm bị chấn thương nặng, phải đi chữa trị tại bệnh viện. Tưởng mọi chuyện cứ thế là xong, ai ngờ 4 tháng sau người phụ nữ từng sàm sỡ mình quay trở về kiện ngược Lợi vì gây thương tích cho mình lúc hành sự.
Trò đùa tai hại
Dù đã 17 năm trôi qua, nhưng tiểu thương tại khu chợ Thạnh Quới vẫn không thể quên được hình ảnh cậu bé Trần Bảo Lợi (SN 1981, ngụ ấp Hòa Khánh, X. Thạnh Quới, H. Mỹ Xuyên, T. Sóc Trăng) bị bà chủ quán cà phê sàm sỡ. Sau đó đúng 4 tháng, họ lại có dịp cười nghiêng ngả khi hay tin chính Lợi bị người phụ nữ kia kiện vì dám đẩy ngã bà ta để tháo chạy. Điều đáng nói, người thua kiện trong vụ án xưa nay có một đó chính là Lợi.
Là người tận mắt chứng kiến toàn bộ câu chuyện ấy, bà Thạch Thị Sương (SN 1961, ngụ P.3, TP. Sóc Trăng, T. Sóc Trăng) đang loay hoay bán xôi trước quán cà phê nên lại gần đùa giỡn. Sau đó, Lợi dùng dây nilon buộc vào tà áo bà Hạnh, nhưng bà ấy chỉ cười nói “tao đâu phải con heo mày bán đâu mà mày buộc túm tao”. Thấy bà Hạnh nói vậy, Lợi càng khoái chí nên có phần hơi quá đáng. Lúc này bà Hạnh không còn bình tĩnh nên đuổi theo, đè Lợi xuống đất và sàm sỡ. Đau đớn, Lợi xin tha và la hét đau chịu không nổi nhưng bà Hạnh vẫn siết chặt tay, không chịu buông. Cũng vì thế, Lợi dùng hết sức vùng dậy để thoát thân, vô tình khiến bà Hạnh té xuống đất. Nhưng lúc đó thấy bà ấy vẫn bình thường, không có dấu hiệu gì đau đớn cả.
Nhưng chuyện này vẫn chưa kết thúc vì 4 tháng sau kể từ ngày cuộc đùa giỡn xảy ra, bà Hạnh bỗng nhiên đâm đơn tới TAND huyện Mỹ Xuyên, khởi kiện Lợi với lý do đã đẩy bà ngã làm sụp cột sống. Năm 1998, Tòa án huyện đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và buộc Lợi bồi thường cho bà Hạnh gần 9 triệu đồng, phải chịu 448.000 đồng tiền án phí. Nghi vết thương của bà Hạnh không phải do con mình gây ra nên bà Giang Mỹ Hía (SN 1956) với tư cách là người giám hộ cho con trai đã viết đơn kháng cáo lên tòa án.
Ngay sau đó, tòa xử phúc thẩm vào cuối tháng 9/1999, buộc bị đơn bồi thường 5,9 triệu đồng cùng 280.000 đồng án phí. Chưa bằng lòng với kếu quả của tòa bà quyết định cầm đơn lên TAND Tối cao để kêu án. Giữa năm 2001, TAND Tối cao ra quyết định kháng nghị 2 bản án sơ và phúc thẩm, đề nghị Tòa Dân sự TANDTC xét xử lại vụ án theo trình tự Giám đốc thẩm, tạm đình chỉ việc thi hành bản án phúc thẩm cho đến khi có quyết định mới.
Suốt 17 năm qua, bà Hía cầm đơn kiện khắp nơi mong tìm lại lẽ phải cho con trai. (Ảnh minh họa)
Kể về hành trình đi tìm sự công bằng cho con trai mình, bà Hía buồn bã chia sẻ: “Khi bà Hạnh gọi điện báo tin con trai xô con bà ấy té, phải lên điều trị tại bệnh viện trên TP.HCM, tôi đã hỏi địa chỉ và đón xe lên thăm. Tuy nhiên khi tôi lên tới nơi, bà ấy nói đã xuất viện. Nghi ngờ có điều gì đó không ổn, tôi nhờ bác sĩ lục hồ sơ, tìm tên bệnh nhân nhưng cũng không thấy. Vậy mà khi kiện ra tòa, không biết làm sao bà ấy lại có hóa đơn và một số đơn thuốc. Khi nghe tòa tuyên án con tôi chính là người gây ra tổn hại sức khỏe cho bà Hạnh, gia đình tôi rất bức xúc vì có nhiều điểm bất hợp lý. Nhất là không thể có chuyện bị thương sau 4 tháng mà bà ấy mới đi kiện, mà theo tìm hiểu của tôi tại thời điểm ấy, tất cả mọi người chứng kiến vụ việc đều khẳng định bà Hạnh chỉ bị ngã nhẹ, không hề có dấu hiệu bất thường gì. Vậy mà không hiểu sao, Tòa án lại cho rằng chính con tôi lại là người gây ra thương tật cho bà Hạnh”.
Tiếp lời bà Hía, ông Trần Văn Phòng (SN 1954, cha của Lợi) thông tin thêm, đến tháng 9/2001, TAND mở thêm phiên Giám đốc thẩm, tuyên hủy án sơ và phúc thẩm, giao toàn bộ hồ sơ vụ kiện về tòa tỉnh xử lại từ giai đoạn sơ thẩm. Tháng 9/2003, Tòa án huyện đưa vụ án ra xử sơ thẩm lần 2, bác bỏ những chứng cứ của bà Hạnh như đơn thuốc không hợp lệ của nguyên đơn, buộc bà Hạnh phải có trách nhiệm bồi thường hơn 3 triệu cùng án phí 50.000 đồng. sau đó, cả hai bên đều làm đơn kháng cáo.
Gần một năm sau, tòa tỉnh xử phúc thẩm, chỉ buộc Lợi phải bồi thường 1.200.000 đồng. Vì quá mệt mỏi với việc hàng ngày phải theo kiện, gia đình ông Phòng đành buông xuôi, chấp nhận bồi thường số tiền 1.200.000 đồng cho bà Hạnh để mong có thể nhận lại những tài sản mà họ cưỡng chế của gia đình. Thế nhưng, đã hơn 10 năm qua gia đình tôi vẫn không nhận lại được cái gì. Hết lần này đến lần khác, vợ chồng tôi tìm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để nhờ giải quyết nhưng họ chỉ “hứa cho qua chuyện”…”, ông Phòng buồn bã nói.
Lo cho con đến nghèo mạt
Cũng theo lời kể của bà Hía, sau khi bị bà Hạnh sàm sỡ, Lợi tỏ ra rất đau đớn. Không những vậy, vì lo ảnh hưởng tới tương lai nên Lợi luôn sợ hãi, hoang mang, lúc đó gia đình cũng tính qua nhà bà Hạnh nói lời phải trái nhưng vi nghĩ dù sao con mình cũng là người chêu đùa trước nên gia đình bỏ qua, không ngờ có ngày Lợi bị bà Hạnh kiện ngược lại. Trong thời gian hai gia đình liên tục lôi nhau đi kiện cáo, Lợi cũng tìm được một nửa của mình. Tìm được hạnh phúc, nhiều lần Lợi khuyên cha mẹ rằng hãy bỏ qua hết để yên ổn làm ăn. Nhưng vì quá bức xúc, bà Hía kiên quyết không chịu với lý lẽ, không thể để trắng đen lẫn lộn được…
“Mải lo kiện tụng vô bổ, gia đình cũng lâm vào cảnh khó khăn, nhất là khi vợ chồng Lợi sinh con, cuộc sống gia đình lại càng thêm ngột ngạt, cuối năm 2007 thì qua đời vì căn bệnh ung thư xương. Chưa đầy 1 tháng sau, vợ nó bỏ lại đứa con gái mới 3 tuổi cho vợ chồng tôi chăm sóc rồi đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Chính vì vậy, tôi vừa phải làm nội lại như thể cha mẹ để chăm sóc cháu. Thế nhưng, cách đây 1 tháng, mẹ nó về “bắt cóc” con bé với ý định đưa nó qua nước ngoài. Vợ chồng tôi lên xin lại cháu thì nó đuổi không cho gặp… gia đình đã viết đơn nhờ chính quyền can thiệp nhưng đến nay vẫn chưa thấy họ trả lời”, bà Hía gạt ngang hàng nước mắt chia sẻ.
Ông Phòng chia sẻ thêm, từ khi theo vụ kiện tới nay đã 17 năm gia đình cũng trải qua biết bao sóng gió. Từ một gia đình thuộc hàng khá giả nhất trong vùng, tới nay vợ chồng ông Phòng chỉ còn lại hai bàn tay trắng cùng đứa con gái mắc bệnh thiểu năng từ nhỏ. “Dù gia đình tôi tán gia bại sản vì chuyện này thì tôi cũng mong có một sự công bằng cho đứa con đã khuất. Trắng đen gì thì cũng phải phân rõ thì tôi mới chịu, nhất là chuyện khi vụ án vẫn chưa đi tới đâu mà họ đã cưỡng chế, lấy hết đồ đạc của gia đình tôi bán tháo lấy tiền án phí cho bà Hạnh…” ông Phòng bức xúc.
Tiền mất tật mang, đứa cháu duy nhất của con trai gửi gắm lại cũng không giữ được khiến vợ chồng ông Phòng hàng ngày phải sống trong sự dằn vặt lương tâm. Họ cho rằng, nếu tòa án mà thực sự công tâm, tìm hiểu rõ ngọn nguồn mọi việc thì có lẽ tới hôm nay gia đình họ sẽ không phải chịu cảnh bi thảm như vậy.
“Gia đình tôi sức cùng lực kiệt rồi, thôi thì đành chấp nhận thiệt thòi vậy. Giờ tôi chỉ có một ước nguyện duy nhất, đó là gia đình thông gia trả cháu bé cho vợ chồng tôi thôi. Họ không thể vô lý bắt cháu bé đi như vậy được…Nếu họ mà cố tình không trả, tôi sẽ liều cái mạng già này để giành lại cháu. Nó là hy vọng cuối cùng của gia đình tôi sau này, không mang cháu về được thì chúng tôi còn mặt mũi nào để đối mặt với con trai sau này nữa…” bà Hía buồn bã nói.
Ông Lê Quốc Khải, Phó trưởng Công an xã Thạn Quới (H. Mỹ Xuyên, T. Sóc Trăng), cho biết chuyện vợ chồng ông Phòng kiện cáo nhiều năm qua đã khiến cuộc sống gặp vô vàn khó khăn. Nhất là khi Lợi qua đời, còn con dâu thì bỏ đi càng khiến họ thêm suy kiệt. Khi được hỏi chuyện cháu bé bị mẹ bắt đi thì ông Khảo cho biết, hiện cơ quan công an xã chưa nhận được đơn trình báo, nếu gia đình cần giúp đỡ thì chính quyền sẽ can thiệp.
KHÁNH ĐAN
Xem thêm video: