Đa số các ca bệnh đều nhẹ, nhưng có một tỉ lệ rất nhỏ bệnh nhân biểu hiện nặng, có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê...
Tai nạn chuột cắn
Vừa qua, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ghi nhận trường hợp bệnh nhân M. (40 tuổi, quê ở Hưng Yên) sốt cao, phải nhập viện và được chẩn đoán mắc bệnh Sodoku, một loại bệnh do chuột cắn.
Được biết, trước đó, anh M. bị chuột cắn vào ngón chân, chỉ rớm máu. Một tuần sau, ngón chân bị chuột cắn sưng đỏ, sốt, người lúc nóng lúc lạnh run. Nghĩ do sốt virus, anh tự mua thuốc về uống nhưng hai ngày không thấy giảm. Sau khi đi khám, bác sĩ chỉ định anh nhập viện vì mắc bệnh sodoku và anh đã phải điều trị trong 5 ngày liên tục.
Liên quan tới các vụ tai nạn do bị chuột cắn, hồi tháng 12/2010, tại Ba Đình, Hà Nội, bé Nguyễn Đ.G. (8 tuổi) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt, phát ban, vết thương chảy máu, sưng tấy, ngứa, viêm mạch bạch huyết và nổi hạch ở bẹn, kèm theo nhức đầu, đau cơ, rối loạn tiêu hoá...
Nguyên nhân là do bé ngủ không có màn nên đã bị chuột cắn vào chân làm lây truyền xoắn khuẩn từ chuột sang bé. Rất may bé Đ.G đã được đưa đến viện kịp thời. Nếu để lâu có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, tràn dịch màng phổi, viêm gan, lách to, viêm màng não, viêm tinh hoàn, viêm kết mạc, thiếu máu... và tử vong.
Còn bé gái 4 tháng tuổi tại Mexico cũng đã bị chuột cắn chết sau khi mẹ bé để bé ở nhà một mình.
Do vết chuột cắn đơn giản nên đôi khi người bệnh không để ý nhiều, khi thấy sốt, sưng hạch thì chữa quanh, tự uống thuốc, thậm chí cả những kháng sinh đắt tiền mà không mang lại kết quả. Ảnh: Vietnamnet |
Những căn bệnh nguy hiểm từ... chuột
Bị chuột cắn là một điều rất bình thường nếu như không gây ra vết thương gì. Nhưng tại sao bị chuột cắn chảy máu lại có thể khiến tử vong?
Theo Ths. Bs Lê Hồng Nga - Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng TP. HCM), trước hết chuột sẽ gây ra bệnh do Hantavirus. Virus này có trong nước tiểu, phân, nước bọt của chuột. Kể cả khi chuột chết, xác chuột vẫn còn phóng thích ra Hantavirus.
Bệnh lây sang người qua đường hô hấp do hít phải các chất bài tiết thải ra từ chuột hay do chuột cắn. Biểu hiện ban đầu là sốt cao 3-5 ngày, có khi sốt kéo dài 4-6 tuần. Tiếp đó là đau cơ lớn (các cơ vai, đùi, lưng), người gai lạnh, suy nhược, đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau bụng (tăng dần) và tiêu chảy… Nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể tử vong do suy hô hấp, suy tim, suy thận.
Một bệnh cũng thường gặp do chuột gây ra là bệnh vàng da xuất huyết (bệnh Leptospirose). Đầu tiên sẽ có biểu hiện sốt, rét run, đau đầu, buồn nôn, có nôn và đau cơ kéo dài từ 4-7 ngày. Sau đó da có màu vàng da cam, suy thận, vàng mắt xung huyết kết mạc, nổi hồng ban.
Ngoài ra, vi khuẩn Salmonella thường có trong phân chuột, hay một số loại thú cưng, loài gặm nhấm,…người bệnh có thể nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với phân hay thực phẩm do chuột ăn dở, làm ô nhiễm.
Bệnh khởi phát nhanh trong vòng từ 12-27 giờ đồng hồ, với triệu chứng sốt, tiêu chảy, đau quặn bụng. Bệnh sẽ tự khỏi trong vòng 4-7 ngày mà không cần điều trị.
Bệnh nhiễm độc do chuột cắn còn gọi là bệnh Sodoku. Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Sodoku thường từ 5 ngày đến 4 tuần.
Người bệnh khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao (39 - 40 độ), ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ. Sự tái phát cơn sốt có thể xuất hiện vài lần trong vòng từ 1 đến 3 tháng.
Tại vị trí bị chuột cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tại chỗ và có phản ứng của hạch khu vực. Trong quá trình bị bệnh, bệnh nhân có thể có các biểu hiện đâu cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp.
Đa số các ca bệnh đều nhẹ, nhưng có một tỉ lệ rất nhỏ bệnh nhân biểu hiện nặng, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê. Nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh kéo dài thường 1 đến 2 tháng và gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 6 đến 10%.
Các vết cào, cắn do chuột gây ra tuy chỉ ngoài da nhưng là đường vào của các bệnh như dại, sốt chuột cắn. |
BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết thêm, các ca chuột cắn gây bệnh Sodoku vẫn nhập viện rải rác và điều trị rất hiệu quả bằng kháng sinh rẻ tiền khi chẩn đoán đúng bệnh.
Theo BS Cấp, do vết chuột cắn đơn giản nên đôi khi người bệnh không để ý nhiều, khi thấy sốt, sưng hạch thì chữa quanh, tự uống thuốc, thậm chí cả những kháng sinh đắt tiền mà không mang lại kết quả. Trong khi đó, căn bệnh này nếu chẩn đoán ra, việc điều trị rất đơn giản bằng thuốc kháng sinh rẻ tiền, dòng cũ.
Tuy nhiên, việc chẩn đoán dễ bỏ sót, và hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ, khai thác thông tin từ bệnh nhân sau khi chuột cắn có sốt, viêm bạch hạch.
Xử trí khi bị chuột cắn
Các vết cào, cắn do chuột gây ra tuy chỉ ngoài da nhưng là đường vào của các bệnh như dại, sốt chuột cắn. Vì vậy cần được chăm sóc y tế như rửa sạch bằng nước và xà phòng, sau đó sát trùng lại bằng cồn hoặc povidine (bán tại các nhà thuốc). Sau đó cần đến cơ sở y tế gần nhà để được khám, chỉ định thuốc và tiêm chủng phòng bệnh đúng cách.
Cách tốt nhất để bảo vệ môi trường sống của mình và tránh không bị các bệnh truyền nhiễm do chuột gây ra là nên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tránh để những vật dụng bừa bãi trở thành làm nơi ẩn náu và sinh sống cho chuột.
Nếu dọn dẹp nhà cửa, nghi ngờ chỗ nào có chuột cần mang bao tay cao su để tránh bị chuột cắn. Sử dụng nước tẩy javel lau sạch chỗ nào có nước tiểu của chuột hoặc nơi chuột làm ổ để tránh sự lây nhiễm của virus. Nếu phát hiện xác chuột trong khuôn viên nhà, phải mang bao tay cao su rồi bỏ chuột vào bao ni lông nhiều lớp, gói kín lại bỏ vào thùng rác.
Khi ngủ nên chèn màn chặt kín bốn góc giường ngăn chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch vết thương bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.
Vũ Đậu