(ĐSPL) - "Im lặng không có nghĩa là không nói gì, mà là thực hiện quyền được bào chữa, không có quyền đưa ra lời khai chống lại mình như Hiến pháp đã quy định. Quyền này phù hợp và logic với quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng” - Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Hà Nội - khẳng định.
[mecloud]bf2v4xwQNb[/mecloud]
Sáng 15/9, trong khuôn khổ buổi hội thảo bàn về việc công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung – tác động đa chiều, đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học liên quan tới vấn đề này.
Trung tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó chánh án TAND Tối cao cho biết, khi thảo luận về quyền im lặng tại Quốc hội cũng có rất nhiều góc nhìn khác nhau, nên dẫn tới đưa ra quan điểm cũng khác nhau về vấn đề này.
Trung tướng Trần Văn Độ. |
Theo Trung tướng, Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay đã ghi nhận một phần quyền im lặng, đó là việc bị can bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh mình phạm tội; tại phiên tòa, bị cáo có quyền không khai báo và khi đó hội đồng xét xử sẽ chuyển sang xét hỏi những người khác.
Trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử Bộ luật tố tụng hình sự cũng đã quy định điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán phải giải thích cho bị can, bị cáo về quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa.
Trung tướng Trần Văn Độ khẳng định nguyên tắc tố tụng hình sự là đảm bảo quyền được bào chữa, nguyên tắc suy đoán vô tội và đảm bảo xét xử công bằng.
Để dẫn giải quan điểm này, Trung tướng nêu: “Nhiều người nói rằng để bị can, bị cáo im lặng thì còn đâu là tranh tụng nữa, thực ra không phải như vậy. Tranh tụng là quá trình từ điều tra, truy tố, xét xử tại phiên tòa, mà các chứng cứ có được trong quá trình điều tra lại không hợp pháp, bằng con đường ép buộc người ta nhận tội và sau đó sử dụng chứng cứ bất hợp pháp thì sẽ diễn ra một kết quả sai. Nên bằng bất cứ giá nào để thực hiện nguyên tắc tranh tụng, không có cách nào khác là phải giúp cơ quan điều tra có được chứng cứ hợp pháp, được thực hiện khách quan nhất. Có như vậy việc tranh tụng mới đảm bảo khách quan, thực chất”.
Cũng trong buổi hội thảo, LS Nguyễn Văn Chiến - Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Hà Nội khẳng định: “Im lặng không có nghĩa là không nói gì, mà là thực hiện quyền được bão chữa, quyền không đưa ra lời khai chống lại mình như Hiến pháp đã quy định. Quyền này phù hợp và logic với quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng”.
Luật sư Nguyễn Văn Chiến trong phần tham luận. |
“Nếu đảm bảo câu chuyện quyền im lặng sớm, nâng cao năng lực của cơ quan điều tra thì sẽ không có những vụ án oan vừa qua. Nguyên tắc tố tụng đúng phải là “trọng chứng hơn trọng cung” nhưng nguyên tắc tố tụng của chúng ta thời gian vừa qua hơi ngược. Hiện nay đang có những ý kiến cho rằng chỉ nên quy định quyền im lặng ở một số loại tội nặng thôi, nhưng cái này lại trái với nguyên tắc áp dụng, đã là quyền thì phải đảm bảo”- luật sư Chiến trình bày quan điểm.
Theo LS Chiến, hiện nay cả cơ quan điều tra và luật sư đang bị tiếng oan. Cụ thể, hễ chứng cứ chưa rõ ràng, bị cáo khi ra tòa lại nói do cơ quan điều tra đánh đập ép cung. Rồi có trường hợp lại nói luật sư tư vấn phải phản cung đi rất mang tiếng.
Từ quan điểm trên, LS Chiến khẳng định cần đưa quyền im lặng vào luật, để “giải oan” cho cơ quan điều tra tố tụng và đội ngũ luật sư.
LS Nguyễn Văn Chiến đề xuất: ‘Nếu Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định về quyền im lặng thì những thông tin về quyền này phải được in thật to, rõ ràng, thậm chí treo trong buồng hỏi cung để chính bị can hiểu được quyền của mình".
Không cùng với quan điểm của LS Chiến, GS. Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) thẳng thắn nêu: “Đây là một vấn đề tranh luận lớn, anh Độ nói thế này, anh Chiến nói thế kia cũng đã thấy khác nhau rồi. Quyền im lặng không phải là quyền con người thì là quyền con gì?”
“Có nhiều người nói trình độ chúng ta thế này mà đẻ ra quyền im lặng thì sao điều tra được? Nhưng tôi khẳng định trong tất cả các quyền thì "cái im mồm" là dễ nhất. Các điều tra viên là người có quyền lực thì phải đặt quyền của bị can, bị cáo ở chỗ nào? Đó là chưa nói các ông chuyên nghề đi bắt người, chuyên nghề điều tra. Ngay tôi đây đang là giáo sư đấy mà bị bắt thì cũng "ngọng" luôn. Ở cái thế đó cực kỳ bất lợi nên quyền đó đương nhiên tôi có. Đã là đương nhiên rồi thì sao phải quy định vào luật mới có là sao?" – GS Dung phân tích.
[mecloud]GIvfvIOnmw[[/mecloud]
“Ở Phương Đông thì quyền đã có lịch sử của nó. Ông Bao Công xử án phải tâm phục khẩu phục. Tôi nghĩ không cần phải tranh cãi nữa, thậm chí tôi nói lại một lần nữa là không cần phải đưa vào luật, Hiến pháp mới có quyền im lặng đó. Nhưng với người Việt thì phải quy định vào luật đi thì mới áp dụng được. Trong bằng ấy quyền thì quyền im lặng là dễ hơn tất cả”- GS. Dung thẳng thắn nêu quan điểm.
Bà Nga - Trung tâm tư vấn pháp luật (một luật sư lão thành) cho rằng: Từ thực tiễn tư vấn pháp luật trong bao nhiêu năm qua, quan điểm của tôi là người dân ít được tiếp cận, tuyên truyền pháp luật sâu rộng. Nếu quyền im lặng không được quy định vào luật, liệu nó có đến được với người dân không?
Người dân không phải ai cũng biết tới những điều luật mới. Từ thực tiễn, đa số bị can, bị cáo muốn chối tội. Quyền của bị can, bị cáo là có quyền được mời luật sư...
Buổi hội thảo kết thúc với nhiều ý kiến đưa ra liên quan tới quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung – tác động đa chiều. Ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho hay:
"Chúng tôi coi cuộc hội thảo hôm nay chỉ là bước đầu, sẽ có nhiều buổi hội thảo nữa để có được những cái nhìn, quan điểm đa chiều về vấn đề công nhận quyền im lặng và việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung".
Xuân Tùng
[mecloud]cZ7uGrxEMz[/mecloud]