Cựu Thủ tướng Malaysia đã đọc lời thề tại một nhà thờ Hồi giáo, khẳng định không ra lệnh giết người mẫu Mông Cổ Altantuya Shaariibuu.
Dân trí đưa tin, ngày 20/12, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak vừa làm lễ “thề độc” tại nhà thờ Hồi giáo nhằm bác bỏ cáo buộc từng ra lệnh giết nữ người mẫu Mông Cổ Altantuya Shaariibuu.
Theo đó, trước mặt đám đông gồm khoảng 1.000 người tại nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô Kuala Lumpur, cựu Thủ tướng Najib Razak đã đọc lời thề Hồi giáo, khẳng định không ra lệnh giết người mẫu Mông Cổ.
“Kể từ khi bước vào tuổi chịu trách nhiệm cho đến nay, tôi chưa bao giờ ra lệnh cho bất kỳ cá nhân nào giết một công dân Mông Cổ có tên Altantuya Shaariibuu”, ông Najib đọc lời thề trong trang phục truyền thống của người Hồi giáo, bên cạnh vợ ông.
“Tôi không biết và cũng chưa từng gặp người đã chết. Nếu tôi nói dối, thánh Allah có thể nguyền rủa tôi. Nếu tôi nói sự thật, thánh Allah có thể nguyền rủa những người đã vu khống tôi”, cựu Thủ tướng Malaysia nói.
Cựu Thủ tướng Malaysia làm lễ “thề độc” để chứng minh sự trong sạch. Ảnh: Reuters |
Theo VnExpress, ông Najib Razak trước đó cũng tuyên bố sẽ thực hiện nghi thức "Sumpat laknat", lời thề thiêng liêng của đạo Hồi, trong đó người thực hiện nghi lễ này cam kết rằng họ đang nói sự thật, sẵn sàng chấp nhận lời nguyền nếu nói dối.
Được biết, hồi tháng 10, Azilah Hadri (43 tuổi) - cựu cảnh sát chờ thi hành án tử đã tố cáo cựu thủ tướng Najib ra lệnh giết người mẫu Mông Cổ Shaariibuu vào năm 2006. Najib bác các cáo buộc và cho rằng đây là âm mưu của liên minh cầm quyền Pakatan Harapan (Liên minh Hy vọng) nhằm làm mất uy tín và "bịt miệng" ông.
Altantuya bị bắn chết và thi thể cô bị cho nổ tung bởi chất nổ C4 cấp quân sự ở Shah Alam năm 2006. Cô được cho là người yêu của Abdul Razak Baginda, nhà phân tích chính trị làm cố vấn cho ông Najib từ năm 2000 đến năm 2008.
Sau cái chết của cô, Hadri và một nhân viên cảnh sát khác là Sirul Azhar Umar, thành viên Đơn vị hành động đặc biệt (UTK) tinh nhuệ của cảnh sát bị kết án tử hình vào năm 2009. Tòa phúc thẩm đã lật lại phán quyết của tòa thượng thẩm vào tháng 8/2013, nhưng Tòa án Liên bang khôi phục bản án vào năm 2015.
Umar đã trốn sang Australia khi được tại ngoại năm 2014. Còn Hadri nộp lời khai với hy vọng Tòa án Liên bang sẽ xem xét lại án tử hình đối với anh và mong muốn sự việc được đưa ra xử lại. Tòa đã ấn định ngày 20/4 năm sau để nghe Hadri trình bày.
Vũ Đậu(T/h)