Ông Lê Văn Chương, nguyên Trưởng ban quản lý dự án Khu đô thị thương mại và du lịch V. của Công ty cổ phần tập đoàn An Phát vừa có đơn kêu oan khẩn cấp gửi báo Đời sống & Pháp luật.
Cáo trạng truy tố ông Chương có đúng người đúng tội?
Ngày 23/10/2018, báo Đời sống & Pháp luật nhận được Đơn kêu oan khẩn cấp của ông Lê Văn Chương (Quê quán: Xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa).
Đồng thời, ông Chương cũng có mặt trình bày về nỗi oan ức của ông. Ông Chương cho cho biết: “Tôi là bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên truy tố để xét xử tại Tòa án nhân dân huyện Văn Giang. Ngày 19/10/2018 và 22/10/2018 phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm đã diễn ra. Tôi bị truy tối về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 174 BLHS 2015, sđbs 2017 theo cáo trạng số 22/CT-VKS-VG ngày 28/6/2018, VKSND huyện Văn Giang.
Với quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa và căn cứ bằng chứng, chứng cứ tôi nhận thấy mình hoàn toàn bị oan".
Đơn kêu oan ông Chương gửi báo. |
Phóng viên Đời sống & Pháp luật đã tiếp cận cáo trạng này. Tài liệu cho hay: “Lê Văn Chương được Công ty An Phát ký hợp đồng lao động với chức vụ là Phó TGĐ phụ trách kỹ thuật và được liên doanh hai công ty Công ty An Phát và Công ty Minh Liêm giao cho làm Trưởng Ban quản lý dự án khu đô thị thương mại và du lịch V. ở huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Chương đã chủ động làm quen với anh Đàm Thận Dũng ở thôn Hương Mạc, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh…nhận Dũng làm con nuôi để anh Dũng góp vốn vào công ty An Phát với số tiền 1 tỷ đồng hưởng lãi cao theo tỷ lệ góp vốn là 30%...
Ngày 17/9/2015, anh Dũng nộp 800 triệu đồng, Chương chỉ đạo kế toán Toan chuyển số tiền nào vào tài khoản của Ban quản lý dự án, sau dó liên doanh 2 công ty mới biết và đồng ý sử dụng.
Ngày 26/9/2015, anh Dũng nộp 200 triệu đồng, Chương chỉ đạo kế toán Toan không chuyển vào tài khoản Ban quản lý. Số tiền này không được chi cho hoạt động của Ban quản lý như hợp đồng ký kết. Đến 6/11/2015, Chương rút số tiền trên, sử dụng hết, không trả cho anh Dũng…
Bị can bị bắt tạm giam từ ngày 22/2/2017 đến ngày 20/10/2017 được thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú”.
Cũng theo cáo trạng, Viện KSND huyện Văn Giang quyết định truy tố bị can Lê ăn Chương trước tòa án nhân dân huyện Văn Giang để xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 174 BLHS 2015, sđbs 2017 với hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng của anh Đàm Thận Dũng.
Số tiền 200 triệu đồng đi đâu?
Trong đơn kêu oan, ông Chương cho hay: “Tôi làm Phó TGĐ kiêm Trưởng ban quản lý dự án Khu đô thị thương mại và du lịch V. của Công ty cổ phần tập đoàn An Phát. Tôi được giao toàn quyền phụ trách dự án và tôi thực hiện huy động vốn góp trên cơ sở trên các biên bản và giấy ủy quyền của Công ty An Phát gồm 05 tài liệu.
Biên bản họp hội đồng quản trị - Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát về việc biểu quyết thông qua các nội dung thực hiện các hợp đồng đã ký kết; Biên bản họp hội đồng quản trị - Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát về việc giao dịch với chi nhánh nân hàng ĐT&PT Thanh Xuân; Quyết định thành lập BQLDA khu đô thị thương mại và du lịch V.; Quyết định về việc bổ nhiệm Trưởng Ban BQLDA khu đô thị thương mại và du lịch V.; Giấy ủy quyền, Ủy quyền cho dự án khu đô thị thương mại và du lịch V.
Phóng viên đã tiếp cận những tài liệu này. Cụ thể, trong Biên bản Biên bản họp hội đồng quản trị - Công ty cổ phần Tập đoàn An Phát về việc giao dịch với chi nhánh ngân hàng ĐT&PT Thanh Xuân ngày 18/05/2018 nêu rõ: “Ủy quyền cho Giám đốc Ban là ông Lê Văn Chương…. Đứng tên chủ tài khoản; Ký kết hợp đồng, giấy tờ liên quan đến việc thực hiện vay vốn và bảo lãnh tại chi nhánh ngân hàng ĐT&PT Thanh Xuân.”
Dựa trên những giấy tờ này, ông Chương đã giao kết hợp đồng tham gia góp vốn cùng anh Đàm Thận Dũng. Hợp đồng quy định anh Dũng góp vào BQLDA Công ty An Phát 01 tỷ đồng, chia làm 02 lần (một lần góp 800 triệu và 01 lần góp 200 triệu), việc tất toán lợi nhuận hay thua lỗ khi quyết toán công trình dự án.
Sau khi nghiên cứu tài liệu, phóng viên sẽ không đề cập đến số tiền 800 triệu đồng vì số tiền này đã được giải quyết.
Ông Chương kêu oan vì bị truy tố tội lừa đảo vì sử dụng số tiền 200 triệu đồng được Dũng nộp vào sau đó.
Bày tỏ về nỗi oan khuất của mình, trong đơn kêu oan gửi báo Đời sống & Pháp luật, ông Chương viết: Ngày26/9/2015, anh Dũng góp nốt số tiền 200 triệu và nộp tiền mặt vào BQLDA, nhập quỹ của ban và sau đó kế toán chi cho tôi đặt cọc và thanh toán tiền mua động cơ 510KW với giá 200 triệu đồng.
Sau đó, do bất đồng quan điểm làm việc với lãnh đạo Công ty An Phát nên tôi đã chấm dứt quan hệ hợp tác công việc tại BQLDA và đi làm việc khác. Anh Dũng có liên hệ đòi tôi việc thanh toán tiền góp vốn và chia lãi nhưng tôi đề nghị anh Dũng làm việc với Công ty An Phát để được giải quyết.
Đến gặp Công ty An Phát thì Công ty thoái thác trách nhiệm và thông báo anh Dũng đến đòi tôi vì tôi đã không còn làm việc tại BQLDA cũng như đã cầm hết tiền của anh Dũng. Đến tháng 4/2016 anh Dũng có đơn tố cáo và đề nghị khởi tố về việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cả tôi và Công ty An Phát.
Ngày 21/02/2017, tôi bị Công an huyện Văn Giang khởi tố, bắt tạm giam để điều tra.
Vụ án được Công an tỉnh Hưng Yên chuyển về cho Công an huyện Văn Giang tiếp tục điều tra theo thẩm quyền. Theo đó, cơ quan điều tra Công an huyện Văn Giang đã kết luận tôi lừa đảo chiếm đoạt số tiền 200 triệu của anh Đàm Thận Dũng và đề nghị truy tố tại Cáo trạng số 22/CT-VKS-VG ngày 28/6/2018, VKSND huyện Văn Giang.
Tôi không có hành vi chiếm đoạt số tiền 200 triệu mà VKS kết luận để buộc tội đối với tôi. Điều này thể hiện tại lời khai của chị Toan kế toán, phiếu đề xuất của tôi, phiếu chi của BQLDA, xác nhận của bên bán động cơ 510Kw cho tôi và phiếu thu tiền của bên bán động cơ.
Tìm hiểu vụ việc, phóng viên được tiếp cận nhiều tài liệu về vụ việc. Theo luận cứ của luật Trần Hồng Phúc, công ty luật Nguyễn Chiến và quá trình xác minh cho thấy: Lời khai của kế toán Toan khai chi số tiền 200 triệu cho Chương để mua động cơ 510KW.
Giấy ghi ông Chương đặt trước 50 triệu đặt mua động cơ điện 510KW |
Tại Biên bản ghi lời khai ngày 08/4/2017 chị Toan khai: “Còn số tiền 200 triệu đồng tại sổ quỹ tiền mặt ngày 28/9/2015 tôi làm phiếu chi, theo giấy đề xuất của ông Chương...với nội dung mua động cơ điện 510KW”(bút lục 75).
Phiếu thu 50 triệu đồng do ông Chương đặt mua động cơ điện 510KW |
Trong hồ sơ vụ án, chứng cứ vật chất thể hiện bị cáo Chương mua động cơ 510KW cho thấy ngày 26/9/2015 có khoản chi 50 triệu để mua động sơ điện 510Kw, kèm theo đó là chứng từ 55, phiếu chi, giấy đề xuất. Cụ thể, ông Chương đặt số tiền 50 triệu đồng để đặt mua động cơ điện 510KW và tủ điều khiển.
Ngày 28/9/2015, có phiếu thu của đơn vị bán động cơ điện cho thấy thanh toán nốt 150 triệu tiền mua động cơ điện 510KW.
Phiếu thu 150 triệu đồng (còn lại) do ông Chương mua động cơ điện 510KW |
Hai phiếu thu trên được thu thập tại Công ty TNHH kinh doanh vật tư thiết bị Hoài Đức, người cung cấp thông tin là ông Nguyễn Quang Tiến, Phó giám đốc công ty và ông Trần Hữu Tuấn – kế toán trưởng đều đã xác nhận và khẳng định người trực tiếp đến đặt cọc và thanh toán tiền mua động cơ điện 510KW là ông Lê Văn Chương.
Phiếu thu số 034 ngày 28/9/2015; Phiếu thu số 033 ngày 26/9/2015; Giấy viết tay thể hiện ngày 26/9/2015 ông Trần Hữu Tuấn nhận số tiền 50 triệu do ông Chương đặt cọc thanh toán.
Do không có hành vi chiếm đoạt số tiền 200 triệu tiêu xài cá nhân nên việc truy tố và luận tội bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” phải chăng là oan khuất?
Vi bằng: Hé lộ những thông tin “sốc” liên quan
Trong quá trình tiếp nhận đơn thư kêu oan của ông Chương, còn có một tài liệu là Vi bằng số 947/2018/VB-TPLTĐ ngày 26/7/2018.
Theo nhận định của luật sư Trần Hồng Phúc đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc “Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra”.
Điều 19 BLTTHS 2015 có quy định: Cơ quan điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS. Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội.
Tuy nhiên với chứng cứ bị cáo xuất trình tại phiên tòa là Vi bằng số 947/2018/VB-TPLTĐ ngày 26/7/2018, HĐXX đã xác định chứng cứ này không liên quan đến số tiền 200 triệu chiếm đoạt nên không công bố theo đề nghị của đại diện VKS trước khi VKS tham gia xét hỏi.
Nhưng tại phần xét hỏi công khai, luật sư bào chữa đã hỏi bị cáo và được bị cáo trình bày nội dung cơ bản ghi âm cuộc nói chuyện giữa bà Trần Thị Ninh Huệ (vợ bị cáo Chương) cũng là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án với một người đàn ông. Người này được bà Huệ xác định là một lãnh đạo của Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Văn Giang. Theo đó, tại phiên tòa bà Huệ khai người này trao đổi để bị cáo Chương nhận chiếm đoạt số tiền 40 triệu trong số 200 triệu, sẽ được xử án treo. Ngoài ra còn phương án khác là để Lê Văn Chương vào viện tâm thần, sẽ đưa đi giám định rồi tính cách miễn trách nhiệm hình sự...
Nhận thấy, nếu bị cáo Chương có tội thì cơ quan điều tra có trách nhiệm chứng minh hành vi phạm tội, thực hiện điều tra theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại BLTTHS; không thể có việc bàn với gia đình bị cáo các giải pháp để bị cáo Chương nhận chiếm đoạt số tiền 40 triệu hoặc nhập viện tâm thần trong khi bị cáo không tâm thần.
Để thông tin khách quan, Báo Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng và thông tin về vụ việc.
Hữu Bằng