+Aa-
    Zalo

    Bí ẩn về cựu Tổng Giám đốc FLC đang bỏ trốn trong vụ Trịnh Văn Quyết

    (ĐS&PL) - Kết luận điều tra nêu Doãn Văn Phương đã bỏ trốn, đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam, đã xác minh ở nhiều nơi nhưng không tìm được.

    Trong thông tin từ kết luận điều tra bổ sung vụ án Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 51 bị can về nhiều tội danh. Trong đó, cựu Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Faros Doãn Văn Phương bị điều tra tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

    Kết luận điều tra bổ sung cho thấy, ngoài chức tổng giám đốc, Doãn Văn Phương còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Faros (giai đoạn 2012-2016) rồi thành viên HĐQT từ tháng 11/2016-6/2019.

    Với vai trò là Chủ tịch Faros, ông Phương chỉ đạo các thành viên HĐQT, Ban Tổng giám đốc và các cá nhân thuộc Faros ban hành các nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ, lập hồ sơ góp vốn khống, hạch toán kết toán hợp thức việc góp vốn và sử dụng vốn góp khống, lập hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký, đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu tương đương 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ Công ty Faros. Từ đó giúp ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch Tập đoàn FLC) và đồng phạm bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

    Riêng đối với hành vi để tăng vốn điều lệ khống của Công ty Faros, Bộ Công an cáo buộc, ông Phương đã chỉ đạo và trực tiếp ký các tờ trình, biên bản, nghị quyết của HĐQT để ra chủ trương về việc tăng vốn khống ở các lần tăng vốn thứ 3, 4, 5.

    Cụ thể, ngày 20/7/2015, ông Phương ký Tờ trình Đại hội cổ đông về phương án phát hành tăng vốn, Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông; ngày 22/7/2015 ký Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ từ 1.125 tỷ đồng lên 3.037 tỷ đồng ở lần tăng vốn thứ 3. Ngày 18/12/2015, ông Phương ký Nghị quyết số 10 về việc thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ từ 3.037 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng. Chữ ký của ông Phương có trong Biên bản họp HĐQT, Nghị quyết số 2 ngày 13/1/2016 về việc đăng ký tăng vốn điều lệ từ 3.037 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng ở lần tăng vốn thứ 4.

    Tiếp đó, ông Phương ký tờ trình đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng; Nghị quyết số02 ngày 29/2/2016 về việc sáp nhập Công ty RTS vào Công ty Faros với tổng giá trị vốn điều lệ được ghi nhận là 800 tỷ đồng (khống 400 tỷ đồng); ký ban hành Nghị quyết về việc đăng ký vốn điều lệ từ 3.500 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

    bi an ve cuu tong giam doc flc dang bo tron trong vu trinh van quyet
    Doãn Văn Phương và Trịnh Văn Quyết.

    Theo Bộ Công an, mặc dù thực tế các cổ đông không góp đủ 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng ông Phương vẫn ký, ban hành Nghị quyết về việc đăng ký và niêm yết 430 triệu cổ phiếu của Công ty Faros lên sàn giao dịch chứng khoán.

    Để hợp thức hạch toán kế toán cho việc góp vốn khống tại Công ty Faros, ông Phương đã ký 18 giấy rút tiền mặt để em gái ông Quyết sử dụng rút 900 tỷ đồng vốn góp ra khỏi tài khoản của Công ty Faros; ký 12 ủy nhiệm chi để làm thủ tục chuyển 296,5 tỷ đồng từ tài khoản của Công ty Bình Định FLC đến tài khoản của các cá nhân khác nhau nhằm tạo dòng tiền, hình thành công nợ ảo...

    Ngoài ra, ông Phương còn bị cáo buộc chỉ đạo các Tổng Giám đốc ở các giai đoạn khác nhau ký 115 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn khống với tổng giá trị hơn 7.381 tỷ đồng để hợp thức che giấu số vốn khống.

    Kết luận của C01 nêu, Doãn Văn Phương đã cùng Trịnh Văn Quyết và đồng phạm nâng khống giá trị góp vốn tại Công ty Faros, đăng ký niêm yết và bán cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống. Qua đó, các bị can lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

    Trong vụ án, C01 cáo buộc Doãn Văn Phương đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò tổ chức thực hiện, giúp sức tích cực cho Trịnh Văn Quyết.

    XEM THÊM: Vụ án Trịnh Văn Quyết: Vì sao cựu Vụ trưởng biết sai nhưng vẫn làm?

    "Doãn Văn Phương đã bỏ trốn, đến nay chưa có thông tin nhập cảnh về Việt Nam, đã xác minh ở nhiều nơi nhưng không tìm được", kết luận nêu và cho biết, cơ quan điều tra đã tách hành vi, tài liệu liên quan ông Phương để xử lý sau.

    Khánh Ngân

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-ve-cuu-tong-giam-doc-flc-dang-bo-tron-trong-vu-trinh-van-quyet-a611888.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khối tài sản của FLC hiện còn bao nhiêu?

    Khối tài sản của FLC hiện còn bao nhiêu?

    Thông tin được Tập đoàn FLC cho biết tại đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, tổng giá trị tài sản hiện hữu của tập đoàn ước tính đạt hơn 21.000 tỷ đồng với tổng số nhân viên còn 3.500 người.