Khi đã qua đời, Khang Hy hoàng đế vẫn không khỏi khiến người ta kinh ngạc với một lăng tẩm kỳ vĩ an táng tới… hàng chục phi tần.
Triều đại của hoàng đế Khang Hy triều Thanh, Trung Quốc kéo dài tới 61 năm – một con số đáng kinh ngạc so với nhiều triều vua trước đó. Sau khi băng hà, vua được chôn cất tại Thanh Đông lăng (Tuân Hóa – Hà Bắc – Trung Quốc).
Trong Thanh Đông lăng còn có hệ thống các lăng tẩm của một loạt các vua triều này: Đế Hiếu lăng của vua Thuận Trị, Đế Định lăng của vua Hàm Phong, Đế Huệ lăng của vua Đồng Trị, và Cảnh lăng là nơi an táng vua Khang Hy.
Ảnh vệ tinh Cảng lăng của Khang Hy. |
Khi quan sát từ trên cao, sẽ dễ dàng để nhận thấy tổng thể kiến trúc Cảnh lăng có hình bán nguyệt. Điểm đặc biệt của lăng tẩm này chính là việc phân chia thứ bậc của những người được chôn cất tại đây: Người có địa vị cao thì được đặt ở phía trước, những người có địa vị thấp hơn được đặt phía sau.
Địa cung của Cảnh lăng không chỉ là nơi an nghỉ của hoàng đế Khang Hy, mà cũng là nơi yên nghỉ của các cung phi và hoàng hậu.
Trong đó có bốn vị hoàng hậu là Hiếu Thành Nhân Hoàng hậu, Hiếu Chiêu Nhân Hoàng hậu, Hiếu Ý Nhân Hoàng hậu, Hiếu Cung Nhân Hoàng hậu. Bên cạnh đó, còn có một vị Quý phi cũng được mai táng tại đây – Kính Mẫn Hoàng Quý phi.
Ngoài địa cung là nơi an táng cho những người có địa vị tối cao như vua và hoàng hậu, Cảnh lăng còn có “phi viên tẩm” – nơi chôn cất các cung phi và hoàng tử.
Gia phi của vua Khang Hy. |
Điều đặc biệt trong Phi viên tẩm - vườn an táng các phi tần - trong Cảnh lăng có số lượng cung phi mai táng lên tới… 48 người! 48 phi tần này có đủ các cấp bậc.
Trong số đó có một Quý phi (Ôn Hi Quý phi), 11 cung phi (Tuệ phi, Huệ phi, Nghi phi, Vinh phi, Bình phi, Lương phi, Tuyên phi, Thành phi, Thuận Hi Mật phi, Đốn Dụ Cần phi, Đinh phi), 8 vị cung tần, 10 vị Quý nhân, 10 Thường tại, 9 Đáp ứng.
Trước đây, Kính Mẫn Hoàng Quý phi vốn được an táng tại “phi viên cảnh”, tuy nhiên sau này lại được di táng vào địa cung.
Bên cạnh 48 vị phi tần nói trên, “phi tẩm viên” còn là nơi mai táng hoàng tử thứ 18 của vua Khang Hy – Ái Tân Giác La Dận Giới.
Sự phân chia cấp bậc trong việc mai táng ở “phi viên tẩm” cũng được thể hiện rất rõ ràng. Chính giữa là nơi chôn cất Ôn Hi Quý phi.
Hai phía sát với trung tâm là lăng tẩm của hai vị dưỡng mẫu đã có công nuôi dưỡng Càn Long là Xác Huệ Hoàng phi và Đôn Di Quý phi.
Đời sống chính trị và Hậu cung phức tạp trong Tử Cấm Thành
Một vị Hoàng hậu của Khang Hy. |
Hôn nhân hoàng tộc vốn là những cuộc “trao đổi” để củng cố quyền lực của hoàng thất. Trước thời Khang Hy, các hoàng hậu tiền triều chủ yếu có xuất thân là công chúa Mông Cổ thuộc dòng họ Bác Nhĩ Tề Cát Đắc.
Đến khi Khang Hy tại vị, tình hình chính trị trong triều có nhiều thay đổi. Triều đình khi đó chia làm hai phe: một phe của Ngao Bái – kẻ loạn thần “một tay che trời”, phe còn lại là Sách Ni – lão công thần hết mực trung thành.
Chính vì vậy, để cháu trai có thể củng cố quyền lực và diệt trừ phản thần, Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu (Khang Hy gọi là tổ mẫu) đã quyết định hi sinh quyền lơi dòng họ Bác Nhĩ Tề Cát Đắc của mình khi đưa cháu gái của Sách Ni lên làm hoàng hậu của Khang Hy.
Cũng từ đây, ngai vị Hoàng hậu đã truyền bao đời của họ Bác Nhĩ Tề Cát Đắc cũng vì thế mà rơi vào tay dòng họ Hách Xá Lý.
Vào năm 1665, Khang Hy (khi đó mới 12 tuổi) đã cử hành hôn lễ với Hách Xá Lý (cũng mới chỉ 13 tuổi).
Mặc dù tuổi của hai người chưa thích hợp viên phòng, nhưng Ngao Bái biện lý do Hoàng đế và Hoàng hậu gần tuổi, ép triều đình “thúc bách” vua về chuyện thị tẩm.
Một thời gian sau khi kết hôn, Hoàng hậu Hách Xã Lý sinh hoàng tử đầu lòng. Tuy nhiên hoàng tử yểu mệnh, chưa đầy bốn tuổi đã qua đời.
[mecloud]NsQeLCp4Rf [/mecloud]
Sau khi diệt trừ được Ngao Bái, Khang Hy tự tay thâu tóm quyền hành, dần dà không còn cần tới sự “chống lưng” của gia tộc Hách Xá Lý.
Mối quan hệ giữa Hoàng đế và Hoàng hậu cũng vì vậy mà nhạt dần. Số lương phi tần trong hậu cung của Khang Hy cũng vì thế mà ngày một tăng lên.
Trong số các phi tần, Khang Hy đặc biệt có cảm tình với Nữu Hộ Lộc thị. Vì xuất thân danh gia vọng tộc, Nữu Hộ Lộc thị rất biết “đối nhân xử thế”, thông minh, ham đọc sách, lại có nhan sắc mặn mà, nên nhanh chóng trở thành sủng phi của Hoàng đế.
Sau này, hậu cung của Khang Hy có thêm một người chị họ là Đồng Giai thị. Hôn nhân cận huyết của triều Thanh đã có tiền lệ từ thời Hoàng Thái Cực, nên đây cũng không phải là một chuyện quá ngạc nhiên. Có lẽ vì có quan hệ họ hàng, Khang Hy cũng rất mực chiều chuộng người chị họ này.
Trong số các hậu phi của Khang Hy, có tới 4 cặp chị em ruột. Trong đó có hai người là chị em họ với Hoàng đế, một người là cô ruột.
Chính sử sau này có đánh giá, mặc dù bị coi là vị vua háo sắc, nhưng đối với các phi tần của mình, Khang Hy hoàng đế luôn là người nhẹ nhàng, ôn nhu.
Việc triều chính đã đi vào nề nếp, hậu cung cũng ngày một đông đúc hơn, nhưng Khang Hy vẫn có tình cảm nhất định đối với người vợ chung chăn chung gối từ thuở niên thiếu.
Khi hoàng hậu Hách Xá Lý hạ sinh hoàng tử thứ hai, Khang Hy đang phải đối phó với việc Ngô Tam Quế mưu phản.
Sau khi lâm bồn, hoàng hậu đoản mệnh qua đời, khiến Hoàng đế vô cùng đau khổ. Mặc cho triều định đang rối ren vì nội loạn, Khang Hy quyết định nghỉ việc triều chính trong năm ngày để tổ chức đại tang cho Hoàng hậu.
Trong 25 ngày tế lễ cho hoàng hậu Hách Xá Lý, có tới 20 ngày vị “đại đế” này khóc thương cho người vợ từ thuở “hàn vi”.
Vì thương tiếc người vợ đoản mệnh, Khang Hy dồn cả tình yêu thương vào Ái Tân Giác La Dận Nhưng - vị hoàng tử được Hách Xá Lý “mạng đổi mạng” sinh ra. Vị hoàng tử này mới chỉ hai tuổi đã được sắc phong Thái tử.
Tuy nhiên sau này, vì “có lối sống xa hoa”, “dâm loạn”, “ngôn ngữ lộn xộn, có triệu chứng của người điên”, Dận Nhưng bị chính vua cha phế truất. Như vậy có thể khẳng định, Khang Hy vẫn không hết lưu luyến với người vợ cả của mình.
Ân sủng của Hoàng đế không bao giờ chỉ dành cho một người. Khang Hy cũng không nằm ngoài chân lý ấy. Hậu cung của vị vua này có đủ các cung tần mỹ nữ, từ 11 – 12 tuổi cho tới 15 – 16 tuổi là lớn nhất. Trong số đó, có không ít người đã qua đời khi chỉ vừa đôi mươi.
Khang Hy. |
Từ năm Khang Hy thứ 9 (khi Tăng Huệ phi Bác Nhĩ Cát Đạc thị qua đời) cho tới năm Càn Long thứ 33 (khi vị Quý phi cuối cùng của Khang Hy qua đời), trải qua ba đời vua: Khang Hy, Ung Chính và Càn Long, có tổng cộng 99 vị phi tần của Khang Hy đã tạ thế.
Cho tới hiện tại, không có con số chính xác nào được đưa ra về số lượng phi tần trong “tam cung, lục viện” của Khang Hy.
Tuy nhiên theo “Khang Hy toàn truyện”, thì có 49 người ở hàng Quý phi trở lên, những người được sắc phong có khoảng 67 người, nếu tính cả số người có thân phận thấp hơn thì con số có thể lên tới 200.
Dù có một hậu cung khoa trương như vậy, nhưng đối với phi tần của mình, Khang Hy đều đối xử rất mực chân thành.
Khi đi vi hành hay chinh chiến, ông đều cử người đi thu mua sản vật về ban thưởng chi hậu cung. Thậm chí ông còn viết thư cho các vị phi tần để thể hiện sự quan tâm và làm họ vui vẻ.
Tuy nhiên điều quan trọng hơn cả, là Khang Hy còn lo cho cuộc sống của các phi tần sau khi ông băng hà. Những năm cuối đời, Khang Hy ra chiếu chỉ, sau khi ông mất, những phi tần có con thì sẽ về phủ đệ của con để an hưởng tuổi già.
Đây vốn là một chiếu chỉ đi ngược lại với luật lệ tiền triều, bởi từ khi thành lập đến nay, Thanh triều vốn có lệ các cung phi phải ở trong cung cho tới hết đời, kể cả khi hoàng đế băng hà.
Nhưng Khang Hy, bằng tấm lòng của mình, đã trao cho những người vợ của ông một cơ hội để thoát khỏi bức tường thành đã giam giữ cả tuổi xuân của họ.
Khi còn tại vị, Khang Hy đã từng chính tay chôn cất hai vị Hoàng hậu đoản mệnh vào Cảnh lăng – nơi được định sẵn sau này sẽ là lăng tẩm của ông.
Có lẽ cũng chính bởi vậy, mà sau khi vị Hoàng đế này qua đời, các phi tần cũng theo đó mà lần lượt an táng tại nơi này.
Theo Trí thức trẻ
Xem thêm video:
[mecloud]fiqjQ2PCzP[/mecloud]