+Aa-
    Zalo

    Bí ẩn gốc gù hương giống hệt cụ rùa khổng lồ nằm rêu phong trong hạt kiểm lâm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Không biết quá trình điều tra thế nào, nhưng đã hơn một năm nay, gốc gù hương lộ thiên sau một trận mưa vẫn nằm trơ trơ trong sân của hạt Kiểm lâm TP.Bắc Kạn.

    (ĐSPL) - Không biết quá trình điều tra thế nào, nhưng đã hơn một năm nay, gốc gù hương lộ thiên sau một trận mưa vẫn nằm trơ trơ trong sân của hạt Kiểm lâm TP.Bắc Kạn.

    Giống hệt một cụ rùa khổng lồ, đường kính bề mặt rộng cả chục mét, gốc gù hương dạng thô, độc nhất vô nhị này được giới sưu tầm đồ độc đánh giá ngót cả tỷ đồng. Để moi được khối gốc cây khổng lồ này lên mặt đất, chủ nhân của nó đã phải làm cả một con đường, thuê hàng chục công nhân, cùng đống trang thiết bị hiện đại. Thế nhưng vừa rời mặt đất, chủ nhân và gốc gỗ khổng lồ này lại không có duyên để được ở cạnh nhau.

    Vật báu lộ thiên sau một trận mưa lớn

    Khi nhìn thấy gốc cây gù hương này sừng sững nằm trong sân của hạt Kiểm lâm TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, tôi đã bất ngờ đến sửng sốt khi lần đầu tiên được nhìn tận mắt, sờ tận tay gốc cây gù hương ngàn năm tuổi thuộc hạng "khủng", độc nhất vô nhị và được coi như báu vật của núi rừng Đông Bắc.

    Cách đây cũng khá lâu, bà con trong thôn Lủng Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn đã bàn tán xôn xao về một khối đá khổng lồ bỗng nhiên lộ thiên sau một cơn mưa lớn. Vì thấy nó được mấy chục thanh niên lực lưỡng, mình trần trùng trục, xúm đông xúm đỏ, hò nhau cưa xẻ, đào khoét. Rồi, họ lại vất nó ở đó. Mãi sau này nhiều người mới nhận ra đó là một gốc cây gù hương chứ không phải khối đá. Do gốc cây được khai thác từ lâu, hơn nữa lại nằm dưới ta luy âm của một bờ đất, nên gốc cây đã bị phủ lên một lớp đất do sạt lở, trông hệt một khối đá bị rêu phong bao phủ.

    Gốc gỗ gù hương khổng lồ nằm trong sân hạt Kiểm lâm TP. Bắc Kạn.

    Đến cuối năm ngoái, chủ khu rừng mừng rỡ khi bất ngờ có người đến hỏi mua gốc cây đã mục nát hàng chục năm trong rừng của mình. Người này cũng đã họp bàn với thôn để mở một con đường vào khu rừng đó, khi làm đường làm xong sẽ giao cho thôn quản lý. Sau đó một thời gian, người ta lại thấy có đám thợ lực lưỡng đến thôn ăn cơm, uống rượu cả một tuần ròng, ngày đêm đào đào bới bới chẳng biết để làm gì. Vài tháng sau, người ta thấy họ moi lên một gốc cây lớn, trông giống hệt một cụ rùa khổng lồ.

    Việc vận chuyển khối gỗ khổng lồ ra khỏi khu vực đã thu hút sự tò mò chú ý của người dân nhiều thôn trong xã. Thời điểm vận chuyển, có cả ngàn người tới xem chiếc cần cẩu len lỏi vào rừng sâu để đưa cho bằng được “chân cụ cây” ra. Do đường đất, nhiều đoạn hiểm trở nên việc vận chuyển gặp rất nhiều khó khăn, phải mất tới hơn 1 giờ đồng hồ để vận chuyển ra khỏi địa bàn xã. Đến khoảng 23h ngày 20/2, vụ vận chuyển lâm sản trên đã bị đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 1 thuộc chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn phát hiện và bắt giữ.

    Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện trên xe 20C - 078.08 do ông Nguyễn Tiến Ngân ở huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) điều khiển có chở một gốc cây gỗ rừng tự nhiên, đo đếm số gỗ trên xe vào khoảng 6m3. Ông Nguyễn Chí Nghĩa đã nhận là chủ của số lâm sản trên và xuất trình một bộ giấy tờ, hồ sơ gỗ do UBND huyện Bạch Thông cấp cho chủ rừng là ông Ma Văn Thành ở thôn Lủng Chang, xã Lục Bình, huyện Bạch Thông. Theo bảng kê, số gỗ trên xe là 3,926m3 gỗ tròn thương phẩm, có đóng dấu búa của hạt Kiểm lâm huyện Bạch Thông.

    Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện một số sai phạm về hồ sơ vận chuyển lâm sản, bảng kê lâm sản do chủ gỗ lập không ghi ngày, tháng, năm cụ thể, tên lâm sản, không có xác nhận của UBND xã theo quy định. Theo hồ sơ cấp phép khai thác lâm sản thì đây là gỗ Kháo nhóm VI, còn gỗ trên xe là một gốc cây có mùi (dầu gù hương) nghi là gỗ gù hương thuộc nhóm IIA (nhóm gỗ hạn chế khai thác và sử dụng), khối lượng gỗ trên xe không phù hợp với hồ sơ vận chuyển lâm sản.

    Liên quan đến sự việc, cơ quan chức năng đã bàn giao vụ việc cho cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Kạn để điều tra, làm rõ.

    Chẳng biết quá trình điều tra đến đâu và kết luận của chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn như nào, chỉ biết, đã hơn một năm nay, gốc cây khổng lồ này vẫn nằm trơ trơ trong sân của hạt Kiểm lâm TP.Bắc Kạn.

    Giá tiền tỷ “vô duyên”... với chủ

    Đứng cạnh gốc gây khổng lồ này, tôi cảm nhận được một mùi hương ngào ngạt từ trong nhà tỏa ra, không phải mùi nước hoa mà là mùi tinh dầu gì đó thơm nhẹ nhàng, dễ chịu. Người Kinh gọi là gỗ gù hương, còn người Dao đỏ gọi là heng cheng mù. Người chơi gù hương cũng không phải là các đại gia lắm tiền, mà là những người dân kinh doanh buôn bán bình thường, thậm chí cả người dân chân đất trên núi cao. Có lẽ không ở đâu có một phố núi gù hương đặc biệt như vậy.

    Như lời anh bạn thợ gỗ đi cùng thì, gù hương là loại gỗ thường mọc gần những thung lũng ẩm ướt. Những gốc gù hương ngàn năm tuổi nằm trong lòng đất, bị mưa nắng gọt giũa chỉ còn trơ lõi nên không bao giờ bị mối mọt. Gốc gù hương có nhiều hình thù kỳ lạ, chế tạo thành bàn ghế rất đẹp. Đây cũng là loại gỗ có tinh dầu mang mùi thơm đặc biệt, chỉ cần để trong nhà là gỗ tự tỏa hương, khiến các loại côn trùng như muỗi, gián, kiến... bỏ đi hết.

    Vào những hôm nào thời tiết thay đổi, nhất là từ những ngày nắng chuyển sang ngày mưa thì gỗ gù hương tự tỏa hương nhiều nhất. Ngoài ra, nhiều bô lão trong thôn còn kể, ngày xưa nhà ai có phụ nữ mang thai thì lên rừng tìm khúc gỗ gù hương về đặt dưới gầm giường cho con ma khỏi bắt người đi. Chẳng biết thực hư câu chuyện tác dụng của loài gỗ này như nào, chỉ biết, gốc cây gù hương này không có duyên với chủ. Bởi từ ngày được đưa ra khỏi rừng, là nó bị tạm giữ. Đến nay vẫn chưa tìm đường về nhà với chủ nhân.

    Mà nghe như đại diện hạt Kiểm lâm TP.Bắc Kạn chia sẻ, thì chủ nhân khối gốc cây khổng lồ này là Nguyễn Chí Nghĩa, còn vi phạm hàng loạt luật về bảo vệ rừng trong quá trình khai thác vận chuyển, thì có lẽ không biết bao giờ chủ và vật mới tìm được nhau.

    Vụ vận chuyển “hụt” gốc cây nghi gỗ quý đã diễn ra từ cuối tháng Hai, đến nay, nhiều người dân tại Bắc Kạn vẫn kháo nhau về câu chuyện, một “dân chơi” gỗ thứ thiệt từ Thủ đô tìm về gặp Nghĩa và ngã giá khối gốc cây khổng lồ, độc đáo này cả tỷ đồng. Nhưng chưa được anh Nghĩa đồng ý, vì với những dân chơi gỗ nhà nòi thì gốc cây này là một khối tài sản vô giá.

    “Câu chuyện duyên số giữa người chơi và gỗ quý là có. Việc không có duyên mà cứ cố để đưa về nhà có khi lại tự rước họa vào thân...”, anh Dân một dân sưu tầm gỗ quý tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ.

    Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kan cho biết: “Việc Chi cục tạm giữ gốc cây khổng lồ này có liên quan tới mấy vấn đề. Thứ nhất, do đây là loại gỗ thuộc chủng loại 2A, huyện không có quyền cấp phép. Thứ hai, khối lượng thực tế của gốc cây lớn hơn so với nội dung được cấp giấy phép, ngoài ra còn một số vấn đề người khai thác đã vi phạm hành lang an toàn rừng trong quá trình khai thác. Hiện tại, Chi cục đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh để điều tra làm rõ”.

    SA HÀ

    [mecloud]sTaG5or4jY[/mecloud] 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bi-an-goc-gu-huong-giong-het-cu-rua-khong-lo-nam-reu-phong-trong-hat-kiem-lam-a169903.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.