Trước năm 1975, giới giang hồ Sài Gòn có 4 cái tên được mệnh danh là “tứ đại thiên vương” gồm Đại - Tỳ - Cái - Thế (tức Đại Cathay, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Ba Thế). Đại Cathay được xếp đầu do anh ta thống nhất giới du đãng khi tuổi đời còn rất trẻ và được giới du đãng Sài Gòn gọi là "đại ca của các đại ca ở Sài Gòn".
“Thủ lĩnh” băng đánh giày thành trùm du đãng
Trước năm 1975, ở Sài Gòn, hình ảnh của Đại Cathay thường xuyên xuất hiện trên các báo, được nhiều nhà văn khai thác viết tiểu thuyết, được dựng thành phim…Đó là một thanh niên điển trai với mái tóc bồng bềnh, quần Jean, giày cao cổ, trên môi không rời điếu thuốc, tay luôn “múa” hộp quẹt Zippo.
Thế nhưng, ngay cả đám du đãng đàn em thân cận cũng không ai biết Đại Cathay xuất thân thế nào, tên tuổi thật là gì. Theo hồ sơ của cảnh sát Sài Gòn, Đại Cathay tên thật là Lê Văn Đại, sinh năm 1940.
Ngay từ nhỏ Đại ít được gần cha, chủ yếu sống với mẹ ở đường Đỗ Thành Nhân, phường Khánh Hội (nay là đường Đoàn Văn Bơ, Quận 4).
Với bản tính ít nói và cực kỳ lì lợm, Đại bỏ học từ rất sớm, suốt ngày lang thang ở khu vực phía sau Hội trường Diên Hồng (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM) đường Nguyễn Công Trứ, quận 1. Lúc bấy giờ, ở góc đường có rạp chiếu bóng nhỏ tên Cathay. Tại đây, Đại kết thân với đám nhóc bụi đời làm đủ thứ nghề như đánh giày, bán báo, kem...
Cái chết của ông trùm Đại Cathay vẫn mãi là một bí ẩn |
Ngay từ nhỏ, Đại đã tỏ ra có năng khiếu "du đãng" khi thường xuyên luồn lách vào những sạp chợ trộm cắp dưa, chuối... về chia cho cả bọn. Nhiều lần ẩu đả với những băng khác, Đại dẫn đầu nhóm đánh giày đánh thắng đám lớn tuổi hơn nên giới bụi đời ngưỡng mộ tôn Đại làm đại ca - cái tên Đại Cathay (theo tên rạp chiếu bóng) ra đời từ đây.
Hằng ngày gã đại ca được hàng chục đàn em cung phụng. Mỗi sáng, Đại giao việc cho từng đứa đi bán báo, đánh giày... chiều chiều lại tụ tập để chia tiền. Kể cả thủ lĩnh hay đàn em đều được chia bằng nhau. Nếu đứa bị mưa ướt báo bán không được, Đại lấy tiền chung bù vào. Vì tính nghĩa hiệp, ngày càng có nhiều trẻ bụi đời tìm về quy phục dưới trướng Đại.
Tiếng tăm Đại Cathay lan sang những khu vực lân cận. Năm 1955 khu vực rạp Cathay được chỉnh trang, không còn chỗ cho những đám trẻ bụi đời. Để tìm đất sống, Đại lấn sang khu vực Cầu Ông Lãnh - Khu Dân Sinh - Cầu Muối (còn gọi khu Da Heo) để làm ăn, mặc nơi đây thuộc "quản lý" của Tám Lâu - đàn anh giang hồ chính hiệu.
Tất cả người buôn bán đều phải “đóng xâu” cho Tám Lâu để được yên ổn làm ăn. Nhiều lần chứng kiến thằng nhóc đánh giày từ đâu mới đến trổ tài đánh đấm, thu phục đám trẻ bụi đời, Tám Lâu thấy có cảm tình Đại
Thỉnh thoảng Tám Lâu kêu Đại đi nhậu với mình và kết nghĩa anh em. Tuy hung tợn, dữ dằn nhưng Tám Lâu vẫn phải thúc thủ trước một tay giang hồ uy thế hơn, tên là Bé Bún, người lúc đó được xem là trùm du đảng quận 4.
Bé Bún cậy đông quân, thường kéo qua Cầu Ông Lãnh "thu thuế" bà con thiểu thương chợ vựa Cầu Muối, Tám Lâu phải làm ngơ cho băng của Bé Bún cướp bóc ngay trên lãnh địa của mình. Một ngày cuối năm 1957, tình cờ nghe đàn anh là Tám Lâu thở ngắn than dài chuyện băng đảng của Bé Bún càng ngày càng lộng hành.
Thằng em Đại Cathay đăm chiêu nghĩ ngợi, nốc cạn ly rượu đế và đề xuất với đàn anh: “Anh Tám để đó em lo. Phải cho tay Bé Bún nằm viện thì đám này mới ngán! Lúc đó anh em mình mới có đất làm ăn”.
Dưới sự chỉ huy của Đại Cathay, đám giang hồ tuổi 16 - 17 tả xung hữu đột, lăn xả vào chém quân Bé Bún, xong xộc thẳng sang cả bên kia cầu, tràn vào cả “thánh địa” của Bé Bún ở quận 4.
Sau đó, Bé Bún và đám đồ đệ không dám bén mảng sang giành mối ở khu Da Heo nữa. Từ đó “đàn anh” Tám Lâu đâm ớn tài nghệ và sự lì lợm của “đàn em” Đại Cathay. Để rồi chỉ cần thêm một vài “phi vụ” nữa, Tám Lâu phải tự giác tuyên bố trong khu Da Heo, Đại Cathay có toàn quyền xử sự rồi nhường hẳn ngôi vị trùm du đảng khu Da Heo cho Đại Cathay.
Vậy là, chưa đầy 20 tuổi, Đại Cathay đã trở thành trùm du đãng của khu vực Da Heo, một trong những địa bàn phức tạp nhất Sài Gòn khi ấy. Đại bắt đầu tổ chức thu thuế các sòng bài, ổ đề, tiệm hút... Xong Đại bảo kê tất cả các doanh nghiệp kinh doanh lậu các ngành hàng như xưởng nấu xà phòng, lò mổ heo, lò rượu...trong khu vực. Đại Cathay bắt đầu ăn chơi và làm mưa làm gió, vươn dần ảnh hưởng ra khắp Sài Gòn – Chợ Lớn, tập tành tiếp xúc với cuộc sống của giới vương giả Sài Gòn.
Cái chết bí ẩn
Nổi tiếng một vùng, mỗi lần ra đường, Đại Cathay chễm chệ trên băng trước chiếc Mustang mui trần do đàn em lái, phía sau hàng chục tên khác phóng các loại xe Gobel, Push, Brumi, Ishia... tháp tùng.
Sự ngang ngược, coi thường luật pháp của tay giang hồ trẻ cũng khiến nhiều kẻ tai to mặt lớn và cảnh sát tức giận.
Không chịu khuất phục trước những thế lực bấy giờ, Đại Cathay ngày càng ngang ngược hơn. Trong một lần đối mặt với tướng Nguyễn Ngọc Loan ở vũ trường có tiếng lúc bấy giờ, Đại cùng đàn em công khai chống lại, ẩu đả với tướng cảnh sát và đám binh lính đi theo.
Ngay sau đó, một cuộc chiến dịch "bài trừ du đãng" được triển khai, rất nhiều đàn em của Đại bị bắt nhốt.
Một hôm đại úy Trần Kim Chi là khắc tinh của đám giang hồ Sài Gòn đang lái xe Jeep trên đường bỗng một chiếc xe tải to đùng ầm ầm lao tới, cán lên khiến đại úy Chi và xe bẹp dính vào nhau.
Dù không có bằng chứng, Đại Cathay bị tóm cổ với tội danh “du đãng đặc biệt” vào tháng 8 năm 1966. Ngày 28/11/1966, Đại Cathay cùng nhiều tên du đãng khác bị tống lên máy bay C47 đưa ra giam ở nhà lao Phú Quốc khi mới 26 tuổi.
Những ngày tháng bị giam trên đảo cùng nhiều đàn em khiến Đại Cathay không khỏi bứt rứt. Y bí mật lệnh cho vợ và đàn em đang ở ngoài lên kế hoạch trốn trại.
Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch vượt ngục của Đại và đồng bọn. Song Đại Cathay mãi mãi không biết rằng, mọi toan tính của hắn lúc này đều bị tướng Loan theo dõi sát sao.
Đêm vượt trại, Đại khuyên tên đàn em tin cẩn nhất là Lâm "chín ngón" hãy bỏ thuốc phiện để chờ ngày trở về “dựng lại cơ đồ” nếu chuyến đi không trót lọt. Sau đó, Đại cùng mấy tên đàn em khác đào thoát, trốn ra ngoài.
Phần này đúng như kế hoạch vạch ra. Cả bọn chui ra khỏi hàng rào, nhằm hướng biển chạy tới. Theo kế hoạch, có một chiếc tàu chờ sẵn sẽ đưa cả bọn vào đất liền. Nhưng bỗng lúc ấy súng nổ vang trời…
Từ thời điểm này, không ai biết tung tích của Đại Cathay. Mãi sau năm 1975, đại úy Thanh, người của tướng Loan phái ra đảo Phú Quốc đêm Đại vượt ngục tiết lộ rằng, Đại đã bị lực lượng đặc biệt của tướng Loan bắn chết sau khi ra khỏi trại. Đội hành quyết đặc biệt của tướng Loan được máy bay trực thăng chở đến phục kích sẵn…
Tin Đại mất tích bí ẩn trong cuộc vượt ngục bay về Sài Gòn, giới giang hồ rung chuyển, băng nhóm của Đại tan rã dần dần, mỗi người một phương. Các chân rết nhỏ lẻ bị các băng đảng giang hồ khác tiêu diệt, thâu tóm. Có nhiều kẻ để bảo đảm an toàn và cuộc sống của mình đã quy hàng những tay anh chị khác. Trong một thời gian ngắn, băng đảng được coi là lớn mạnh nhất thời bấy giờ của ông trùm Đại Cathay tan rã nhanh chóng.
Trâm Anh (T/h)