Khám phá bộ lạc bản địa
Michael Clark Rockefeller (1938-1961) là con trai của cựu Thống đốc bang New York Nelson Rockefeller, người sau đó trở thành Phó Tổng thống Mỹ vào năm 1971. Ông nội của ông Michael chính là John D. Rockefeller, cựu tỷ phú giàu nhất thế giới. Xuất thân trong gia đình giàu có và danh giá, ông Michael được học tập tử tế và có một tương lai rộng mở phía trước.
Tuy nhiên, trước khi có cơ hội theo đuổi sự nghiệp một chính trị gia giống cha mình hoặc kinh doanh để gia tăng sự giàu có giống như ông nội, ông Michael đã thực hiện một cuộc phiêu lưu.
Mùa xuân năm 1961, ở tuổi 23, ông Michael Clark Rockefeller đã tới hòn đảo New Guinea của Hà Lan và khám phá một khu rừng tại đó. Ông đã gặp gỡ và kết bạn với những người thuộc bộ lạc bản địa tên Asamt. Tại đây, ông đã cùng họ chụp rất nhiều ảnh lưu niệm. Khi ấy, ông đã ấp ủ mong muốn xuất bản một cuốn sách ảnh về chuyến đi này của mình.
Người Asmat sống ở Tây Nam New Guinea. Cả bộ lạc của họ có khoảng 70.000 người. Họ sống trong những ngôi làng nhỏ ven sông, gần bờ biển. Một trong những phong tục đáng sợ của người Asmat trong những năm 1990 là "săn đầu người".
Trong thuật ngữ đương thời, "săn đầu người" (headhunting) được hiểu là tuyển dụng thêm nhân viên. Tuy nhiên, trong từ điển của người Asmat khi ấy, "săn đầu người" lại có nghĩa là giết hại đồng loại. Theo trang History Of Yesterday, người Asmat trước đây tin rằng khi mỗi người trong bộ lạc của họ chết, họ sẽ phải đi săn một đầu người khác để "trả thù", ngay cả khi người này chết vì bệnh.
Vụ mất tích bí ẩn
Tới tháng 11 cùng năm, ông Michael một lần nữa quay lại New Guinea để sưu tầm các tác tẩm của người Asmat mang về trưng bày bảo tàng của cha ông tại thành phố New York. Lần này, ông đi cùng một nhà nhân chủng học người Hà Lan tên René Wassing. Hai người đã tự chế tạo một con thuyền để đi tham quan giữa những ngôi làng.
Tới ngày 17/11/1961, Rockefeller rời làng Per cùng với hai thiếu niên người Asmat bản địa và ông Wassing đến làng Basim. Tuy nhiên, sóng lớn khiến con thuyền bị lật. Hai hướng dẫn viên của ông Michael sau đó đã bơi vào bờ để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng sau 2 ngày chờ đợi, không thấy ai quay lại, con thuyền thì ngày càng trôi ra xa nên ông Michael quyết định tự mình bơi vào bờ biển, để lại người bạn đồng hành trên thuyền, để tìm kiếm sự hỗ trợ.
Sau đó 1 ngày, nhà nhân chủng học Wasshing đã được cứu sống tuy nhiên, không ai trông thấy ông Michael quay trở lại. Gia đình ông sau đó đã tổ chức những cuộc tìm kiếm trên diện rộng nhưng mọi nỗ lực đều không dẫn tới một kết quả nào.
Sự biến mất bí ẩn của ông Michael Clark Rockefeller, cháu nội của người đàn ông giàu có nhất thế giới, nhanh chóng được lan truyền toàn cầu. Dù đã thực hiện nhiều cuộc tìm kiếm nhưng lực lượng cứu hộ chưa từng tìm thấy ông, thậm chí một dấu vết cũng không có. Ngay cả khi có giả thuyết khi ấy cho rằng ông Michael đã chết nhưng cũng chưa một ai tìm được thi thể của ông.
Nhiều ý kiến đã được đưa ra về sự biến mất của ông Michael. Trong đó, có người cho rằng có thể trong lúc bơi vào bờ, ông đã bị cá mập ăn thịt nên không thể tìm thấy thi thể, số khác cho rằng ông đã không may chết đuối giữa biển.
Tuy nhiên, một giả thuyết rợn người được đưa ra, đồn đoán rằng người thừa kế trẻ tuổi đã bị giết bởi những người thuộc bộ lạc Asmat. Những bức ảnh cuối cùng của người thừa kế trẻ tuổi với bộ lạc hoang dã được chia sẻ khiến nhiều người rùng mình, cho rằng đây là điềm báo trước cái chết của anh. Tuy nhiên, thực hư việc này đến này vẫn chưa được chính thức xác nhận.
Vào tháng 3/1962, hãng tin AP đưa tin rằng ông Michael đã chết nhưng không nói rõ chi tiết. Chính phủ Hà Lan khi ấy đã bác bỏ báo cáo này, tuyên bố họ đang làm việc cật lực để làm sáng tỏ vụ việc. Trong thời ấy, Hà Lan đã cử sĩ quan tuần tra Wim Van de Waal đến ngôi làng Otsjanep, được cho là nơi ông Michael đã đến khi bơi vào bờ, để bắt đầu cuộc điều tra chính thức. Sau 3 tháng ở trong làng, ông Van de Waal xác nhận ông Michael đã bơi được vào bờ nhưng sau đó bị giết hại. Tuy nhiên, những thông tin liên quan tới vụ việc đã được đóng dấu bảo mật và không được tiết lộ với truyền thông.
Minh Hạnh(History of Yesterday, Vox)