Tử Cấm Thành tọa lạc ở khu Đông Thành của Bắc Kinh, Trung Quốc, là một tòa lâu đài phức hợp với diện tích tổng cộng lên đến 720.000 mét vuông. Đây là nơi sinh sống của các vị hoàng đế thuộc hai triều đại quan trọng là nhà Minh và nhà Thanh, cũng đồng thời là tâm điểm trung tâm chính trị trong vòng 500 năm lịch sử.
Được khởi công từ năm 1406 và hoàn thành vào năm 1420, Tử Cấm Thành gồm 980 tòa nhà và có tới 9.999 căn phòng. Khu cung điện này không chỉ thể hiện sự xa hoa mà các Hoàng đế Trung Hoa từng trải qua, mà còn phản ánh nét đặc trưng của kiến trúc cung đình truyền thống trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 1987, Tử Cấm Thành được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, đồng thời được tổ chức này xếp vào danh sách các công trình kiến trúc cổ bằng gỗ được bảo tồn lớn nhất thế giới.
Đặc biệt, công trình này luôn ẩn chứa những điều khiến công chúng tò mò. Một trong số đó là bí ẩn về việc 18 vại nước mạ vàng trong Tử Cấm Thành đều có vết dao.
Trong Tử Cấm Thành, có tổng cộng 308 vại nước, trong đó chỉ còn lại 18 vại mạ vàng. Các vại này thường được đặt ở cả hai bên của sảnh chính như sảnh Thái Hòa Điện, sảnh Bảo Hòa Điện và phía trước bức tường đỏ bên ngoài Càn Thanh Môn.
Ban đầu, mục đích chính của các vại này là để dập cháy. Chúng được đổ đầy nước, và khi có đám cháy, nước trong vại được sử dụng để dập tắt lửa. Đáng chú ý, việc cháy chưa bao giờ là điều hiếm gặp tại Tử Cấm Thành, do đó vại nước này luôn được coi trọng.
Trong mùa đông, để ngăn chặn nước trong vại bị đóng băng, các vại này thường được "mặc áo" và phủ kín kỹ lưỡng. Đồng thời, ở đáy của các vại có "thiết cúc" - chân đế vải có hình dạng giống như bông hoa, được làm từ sắt. Một ngọn lửa luôn được giữ đốt dưới chân đế để giữ cho nước luôn trong trạng thái lỏng.
Vào năm 1900, Liên quân tám nước đã xâm chiếm Tử Cấm Thành. Nhóm quân này muốn lấy đi các vại nước bằng đồng mạ vàng trong cung, nhưng do vại quá nặng, họ không thể mang đi. Do đó, họ đã sử dụng dao để bóc lớp vàng mạ trên các vại, gây hư hại. Vì vậy, đến ngày nay, khách tham quan có thể thấy nhiều vết cắt trên các vại nước mạ vàng này.
Phương Linh (T/h)