Thực đơn đầy ắp yêu thương
Thứ hai đầu tuần, nắng mùa thu nhuộm vàng khắp phố phường Hà Nội và trong ngách nhỏ ngay sát bệnh viện Nhi có một bếp ăn đặc biệt luôn “đỏ lửa” yêu thương. Mỗi khi bếp lửa bập bùng, làn khói lan tỏa trên mái bếp cũng là lúc các thành viên trong nhóm lại bắt đầu công việc mỗi buổi sáng thứ hai hàng tuần là nấu cơm miễn phí. Tình yêu thương của mọi người dành cho bệnh nhân nghèo được truyền vào nồi cơm dẻo thơm, vào những món ăn đậm đà dư vị. Qua 5 năm đưa vào hoạt động, bếp ăn tình thương đã phục vụ hàng ngàn lượt bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn không may gặp rủi ro, đau ốm.
Đến hẹn lại lên, cứ 8 giờ sáng, các thành viên của nhóm tập trung tại địa điểm quenthuộc để nổi lửa, cùng nhau làm công việc thầm lặng, chứa đầy tình yêu thương. Mỗi người một việc, người nhóm bếp, nhặt rau, sơ chế đồ ăn để có được những suất cơm ấm nóng, kịp chuyển đến tay các bệnh nhân. Buổi sáng ở đây vô cùng sôi động và ấm áp tình người. Để có thể hoàn thành 400 suất cơm mỗi ngày chỉ với chưa tới 10 người tham gia nấu nướng đòi hỏi các thành viên phải cố gắng rất nhiều. Có những
đợt cao điểm, bếp phục vụ tới 500 suất.
Chị Ngô Thị Thu Hà, trưởng nhóm “Cơm Tự Tâm” chia sẻ: “Bếp Tự Tâm được thành lập vào năm 2017, đây là một mô hình cơm từ thiện mà ai có gạo góp gạo, ai có sức góp sức để đem tới những suất ăn ngon lành miễn phí cho các bệnh nhân và người nhà khu vực Bệnh viện Nhi Trung ương”. Những suất ăn miễn phí tuy nhỏ bé nhưng ấm áp tình người, phần nào giúp bệnh nhân vơi đi gánh nặng cơm áo.
Những ngày đầu khi mới thành lập bếp cơm gặp không ít khó khăn. Cơ sở vật chất chật chội, đồ dùng thiếu thốn. Đứng nấu bên bếp gas công nghiệp vào mùa hè rất nóng, xong được một món ăn thì người đã ướt sũng mồ hôi. Thế nhưng, mệt mỏi đều tan biến khi họ nhìn vào những đôi mắt trẻ thơ còn đau yếu. Trên môi các thành viên bếp “Cơm Tự Tâm” luôn thường trực nụ cười rạng rỡ. 100 suất cơm ban đầu nay đã lên tới 400 - 500 suất/ tuần. Dù rất muốn tăng số buổi nấu trong tuần nhưng Từ sớm người bệnh và người nhà xếp hàng ngay ngắn, chờ đến lượt nhận suất cơm. do quy mô nhóm còn nhỏ, nhân lực tham gia còn hạn chế nên bếp tạm thời hoạt động vào sáng thứ hai.
Mỗi người trong nhóm thiện nguyện có một hoàn cảnh, điều kiện cuộc sống khác nhau. Nhiều người cũng vất vả trăm bề với cuộc sống riêng. Tuy nhiên, với tâm niệm sẻ chia khó khăn cùng bệnh nhân nghèo, ngọn lửa của thiện tâm, bếp cơm từ thiện của họ vẫn luôn được duy trì, mở rộng.
“Tôi đi làm ca đêm 7:30 sáng tan làm, chồng tôi sẽ chở tôi đến đây và 11:00 trưa sẽ quay lại đón. Dù làm đêm nhưng tôi không buồn ngủ bởi đến đây được làm công việc mình thích, được vui vẻ cùng mọi người. Bên cạnh đó, tôi có hậu phương vững chắc là chồng, chồng tôi ở nhà lo cơm nước cho các con nên tôi rất yên tâm”, chị Trương Ngọc Thu, thành viên nhóm Cơm Tự Tâm chia sẻ.
Tuy là cơm hỗ trợ bệnh nhân nhưng thức ăn rất đa dạng và giàu chất dinh dưỡng, có từ 7-9 món (rau, thịt, đậu, lạc, chả nem,..). Ngoài ra, thỉnh thoảng còn có hoa quả, sữa,… tùy thuộc vào thời điểm mà các nhà hảo tâm hỗ trợ.
Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhóm luôn lựa chọn kỹ thực phẩm, nấu nướng hợp vệ sinh và cân đối món ăn để phù hợp cho cả trẻ em và người lớn. Nhân vật giấu tên (Nghệ An) cho biết: “Bếp ăn này sạch sẽ và ngăn nắp, gọn gàng lắm. Suất cơm tuy miễn phí nhưng rất ngon. Hơn nữa, thái độ phục vụ của nhóm Cơm Tự Tâm rất tốt, họ luôn ưu tiên người già và trẻ em”.
Được biết, nguồn kinh phí được thành viên tự đóng góp hoặc kêu gọi, vận động từ các mạnh thường quân qua Facebook của nhóm. Có người tài trợ tiền mặt, có người góp gạo, góp thực phẩm sạch. Thường kỳ, nhóm lên kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Các hoạt động đều công khai minh bạch, những khoản vận động, đóng góp cũng như chi tiêu cho chương trình này.
Đúng 10 giờ 30 sáng, bếp “Cơm Tự tâm” sẽ phát cơm cho bệnh nhân. Dù chưa đến giờ ăn nhưng ngay từ sớm, hai hàng dài xếp sẵn chờ nhận, những suất cơm ấm nóng, đủ dinh dưỡng được thành viên tình nguyện trao đến người bệnh. Ngày hôm nay, Hà Nội bỗng nhiên trở lạnh, bên cạnh những suất cơm ấm nóng, bếp cơm sẽ gửi đến chị em phụ nữ một chiếc khăn choàng xua đi cái lạnh mơn man, heo may len qua từng Những món ăn được chuẩn bị tươm tất để phục vụ cho người khó khăn. con phố khi gió mùa thu tràn về. Đây cũng là một món quà chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới.
Thắp lên yêu thương
Nhận suất cơm nóng hổi, bà Tuyết (Ninh Bình) xúc động “Tôi có cháu nằm ở viện Nhi, bị tim bẩm sinh và teo phổi khi mới chỉ ba tháng sau sinh. Gia đình khó khăn, khi nhận được suất cơm miễn phí tôi rất cảm động. Tôi cũng phấn khởi quá vì bây giờ điều kiện không có, cháu cũng nằm viện lâu ngày, tôi cũng chỉ biết cám ơn nhà từ thiện đã cho chúng tôi bát cơm đỡ được phần nào cho gia đình”.
Bà Tuyết cho biết, cơm được các bạn tình nguyện nấu rất ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng. Những suất cơm từ thiện không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ một phần giá trị vật chất, sự sẻ chia, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn mà còn mang đậm giá trị truyền thống “lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc.
Chia sẻ về lý do, cảm xúc khi tham gia chương trình, chị Liên – thành viên nhóm, cho biết: “Năm 2017, vô tình đọc được thông tin về nhóm “Cơm tự tâm” trên mạng xã hội và bạn tôi cũng quen với chị trưởng nhóm nên tôi có nhắn tin xin tham gia và gắn bó đến bây giờ. Bản thân rất thích công việc thiện nguyện, thích làm những việc có ích cho xã hội những. Từ lúc tham gia đến giờ chưa sót buổi nào, kể cả những hôm ốm vẫn đi. Như hôm nay, do cũng mệt tôi tính ở nhà nhưng tự nhiên điều gì đó thôi thúc tôi đến, cảm như là thiếu mình thì bếp cơm mất đi một phần quan trọng nên thôi lại đến”.
Được biết, ngoài duy trì đều đặn hoạt động “Cơm Tự Tâm”, nhóm thiện nguyện do chị Hà đứng đầu cũng thường xuyên tổ chức đi trao quà cho bệnh nhi tại một số bệnh viện khác ở Hà Nội hay đi thiện nguyện tại những vùng sâu, vùng xa và gần đây nhất là chuyến lên Cao Bằng tổ chức trung thu cho trẻ em giáp khu vực biên giới,... Đem niềm vui tới cho những hoàn cảnh còn thiếu thốn, trẻ em nghèo là động lực để các thành viên của nhóm “Cơm Tự Tâm” vượt qua mọi khó khăn, đón nhận sự ủng hộ từ các tấm lòng vàng, phục vụ hàng nghìn bữa ăn trong hơn 5 năm qua.
Những suất cơm gửi đến những người bệnh khó khăn giá trị không lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần, thể hiện sự chia sẻ và cảm thông sâu sắc của xã hội vớinhững người đang có hoàn cảnh không may mắn và cũng đỡ đần họ phần nào gánh nặng chi phí bệnh tật dồn dập.
Vương Mai