Rất hiếm lây từ người sang người
Vừa qua, trong 3 trường hợp mắc Whitmore có 2 trẻ em ở tỉnh Thanh Hóa điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương. Tuy nhiên, 1 trong 2 bệnh nhi đã tử vong vào tối 11/11 do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng nặng.
Theo BS Nguyễn Thị Thuý Hậu - Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ với VnEpress, Whitmore không phải bệnh phổ biến và khó lây lan thành dịch.
Từ tháng 9-11, sau các đợt mưa lũ, nước ta vẫn ghi nhận rải rác một số ca khởi phát Whitmore nhưng không nhiều. Vi khuẩn này có mặt trong nguồn nước hoặc đất bị ô nhiễm, gây bệnh cho con người khi tiếp xúc qua vết thương hở trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải bụi, nước mưa chứa vi khuẩn. Một số ít trường hợp nhiễm bệnh do uống nước hoặc ăn thực phẩm ô nhiễm. Rất hiếm khi Whitmore lây nhiễm từ người sang người.
Bệnh Whitmore nguy hiểm ở chỗ khó phát hiện và điều trị. Tổn thương đa dạng, phụ thuộc vào cơ quan mà vi khuẩn gây bệnh gồm viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, các ổ áp xe da, mô mềm,... Triệu chứng có thể gặp là sốt, ho, khạc đờm mủ, các khối u da, mô mềm, đau đầu, đau ngực, chán ăn, đau khớp. Tuy nhiên những triệu chứng này rất dễ nhầm sang viêm phổi hoặc lao phổi, gây "nhiễu" khi chẩn đoán.
Từ các triệu chứng ban đầu, bệnh có thể diễn tiến nhanh thành viêm phổi, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, gây tử vong chỉ trong 48 giờ nếu không điều trị kịp thời. Những người có nguy cơ cao chuyển nặng khi mắc Whitmore là người bệnh tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận, bệnh Thalassemia, bị suy giảm miễn dịch do ung thư hoặc HIV, bệnh phổi mạn tính.
Hiện là thời điểm dễ khởi phát Whitmore trong năm do ảnh hưởng của giai đoạn sau mưa lũ. Trẻ em, đặc biệt là trẻ ở các vùng nông thôn có nguy cơ cao mắc Whitmore vì thường chơi đùa ở sông hồ, ruộng, vườn... và ít chú ý giữ gìn vệ sinh thân thể. Ngoài ra những người làm nông nghiệp tiếp xúc nhiều với đất, nguồn nước ô nhiễm, người dân ở những vùng đang có ca mắc Whitmore cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh.
Cách phòng bệnh Whitmore
Các bác sĩ cho biết đến nay bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó biện pháp phòng ngừa chính là tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nguồn nước bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là những người có bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh gan mãn… bằng cách sử dụng đồ bảo hộ như mang găng tay cao su, đi ủng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh Whitmore như sau:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.
2. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.
3. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.
4. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
5. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
6. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
7. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời, theo Tuổi trẻ.
Linh Chi(T/h)