+Aa-
    Zalo

    Bệnh viện Việt Đức sử dụng xe biển xanh cho thuê là trái luật, tiền vào túi ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, việc Bệnh viện Việt Đức sử dụng xe cấp cứu biển xanh cho thuê kinh doanh là trái với các quy định pháp luật, cần phải làm rõ.

    Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, việc Bệnh viện Việt Đức sử dụng xe cấp cứu biển xanh cho thuê kinh doanh là trái với các quy định pháp luật, cần phải làm rõ tiền kinh doanh dịch vụ "vào túi ai"?

    Liên quan đến phản ánh "Bệnh viện Việt Đức dùng xe cấp cứu biển xanh cho thuê kinh doanh dịch vụ" mà Kiến Thức đã phản ánh. 

    Thạc sĩ Hoàng Anh Toàn – Trưởng phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Việt Đức thừa nhận chiếc xe biển xanh có dán dòng chữ cho thuê là của bệnh viện, lái xe đã ký hợp đồng với bệnh viện. Nhưng, ông Toàn lại cho rằng, chiếc xe trên thuộc đề án Xã hội hóa.

    Rất nhiều độc giả đã gửi băn khoăn về việc: Xe biển xanh có được phép sử dụng cho thuê, kinh doanh không? Xe thuộc Dự án, đề án xã hội hóa có được đăng ký biển xanh không...?

    Benh vien Viet Duc su dung xe bien xanh cho thue la trai luat, tien vao tui ai?
    Bệnh viện Việt Đức thừa nhận sử dụng xe biển xanh cho thuê kinh doanh dịch vụ. 

    Bệnh viện Việt Đức đang làm trái luật

    Trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật dưới góc độ pháp lý về việc này, luật sư Bình cho biết: Tài sản công (xe biển số xanh, biển số đỏ… ) là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.

    Benh vien Viet Duc su dung xe bien xanh cho thue la trai luat, tien vao tui ai?-Hinh-2
    Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, Bệnh viện Việt Đức sử dụng xe biển xanh cho thuê kinh doanh dịch vụ là trái luật. 

    Căn cứ trên trang web của bệnh viện Việt Đức thì chúng ta được biết: Năm 2015, Bệnh viện Việt Đức được xếp vào hạng Bệnh viện đặc biệt theo Quyết định số 1446/QĐ-BNV ngày 21/9/2015 từ Bộ Nội vụ. Với vinh dự này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện chuyên khoa hạng đặc biệt đầu tiên trên cả nước. Cũng trong thời gian này, bệnh viện được Bộ Y tế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Quyết định số 1424/QĐ-BYT ngày 17/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Như vậy có thể thấy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

    Nghị quyết 93/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế thì theo đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường đại học y dược công (sau đây gọi chung là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công) được hợp tác, đầu tư để thực hiện dự án theo những phương thức sau: Vay vốn để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong khuôn viên đất hiện có và được quyết định tổ chức bộ máy, phương thức quản lý phù hợp; Liên doanh, liên kết (góp vốn bằng: tiền; cơ sở vật chất; năng lực, chất lượng, uy tín của đơn vị) với các nhà đầu tư để đầu tư xây dựng, thành lập mới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

    Như vậy, chúng ta có thể thấy chỉ có hai hình thức mà Chính phủ cho phép: Một là, vay vốn để đầu tư thành lập mới và hai là, liên doanh liên kết để thành lập mới theo mô hình của luật doanh nghiệp.

    Do đó có thể thấy việc Thạc sĩ Hoàng Anh Toàn – Trưởng phòng Hành chính Quản trị Bệnh viện Việt Đức trả lời với phóng viên báo Kiến Thức "Những xe thuộc đề án Xã hội hóa thì được phép cho thuê, chiếc xe biển xanh 29A.021.16 là một trong số xe thuộc đề án xã hội hóa, nằm trong quy chế đã được phê duyệt." là không đúng với 02 hình thức mà Chính phủ đã cho phép nêu trên.

    Cần làm rõ tiền cho thuê xe vào túi ai?

    Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 55 Luật quản lý và sử dụng tà sản công năm 2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018 thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước số 09/2008/QH12, Điều 46 Nghị định 151/2017/NĐ-CP (sau Nghị quyết 93/2014 nêu trên) thì đối với tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê, liên kết tài sản công và phải đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, trình tự như sau: Tài sản được giao, đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất; Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để cho thuê mà không do ngân sách nhà nước đầu tư.
    Căn cứ đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Điều 44 Nghị định này, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định cụ thể việc cho thuê tài sản công.

    Việc cho thuê tài sản công là phương tiện vận tải tại đơn vị sự nghiệp công lập được cho thuê trực tiếp. Tuy nhiên, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải xác định và niêm yết giá cho thuê tại trụ sở đơn vị; đồng thời, thông báo công khai giá cho thuê tài sản trên Trang thông tin của đơn vị (nếu có), Cổng thông tin điện tử của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính, Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công.

    Số tiền thu được từ việc cho thuê tài sản, sau khi chi trả các chi phí hợp lý có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có), thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần còn lại, đơn vị sự nghiệp công lập được quản lý, sử dụng theo quy định của Chính phủ về cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

    Do đó cần phải xem xét việc bệnh viện cho thuê xe có đúng theo đề án đã được phê duyệt hoặc xe đã sử dụng hết công xuất chưa mà lại dành riêng những chiếc xe này đã được Nhà nước đầu tư để phục vụ cho bệnh viện lại dành cho mục đích cho thuê đối với các dự án xã hội hóa là không đúng với quy định của pháp luật.

    Hành vi lách luật, trục lợi bất chính

    Ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, xe biển xanh chỉ dành cho cơ quan quản lý nhà nước. Còn các đơn vị khác, kể cả đề án, dự án, trường học, bệnh viện… phải chuyển sang biển trắng hết. Việc bệnh viện Việt Đức sử dụng xe biển xanh có thể là do đơn vị lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi.

    Do văn bản pháp quy của mình chưa quy định cụ thể chi tiết, nên các Bệnh viện nhà nước vẫn sử dụng xe biển xanh. Đây thực chất là do sự lách luật của bệnh viện.Về nguyên tắc xe biển xanh không được cho thuê. Tuy nhiên, do khoảng trống về các quy định, chức năng bệnh viện có thu nên các xe biển xanh theo đề án để mập mờ để trục lợi. 

    Luật sư Văn Trường Chinh (Văn phòng Luật sự Nhân Nghĩa) cho rằng việc xe biển xanh in dòng chữ "Liên hệ thuê xe" kèm theo số điện thoại đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng như trục lợi bất chính. 

    Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú), nếu là xe biển xanh thì không được phép cho kinh doanh dịch vụ bên ngoài. Nếu xe đó thuộc đề án xã hội hóa, thì không được mang biển xanh nữa mà phải mang biển trắng.

    Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin.

    Nguồn: Kiến thức

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-vien-viet-duc-su-dung-xe-bien-xanh-cho-thue-la-trai-luat-tien-vao-tui-ai-a263812.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan