+Aa-
    Zalo

    Bệnh viện Sản Nhi (Phú Thọ): Điều trị, nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non chỉ cân nặng 700 gram

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau hơn 2 tháng thấp thỏm, lo âu, chỉ được nhìn con qua những bức ảnh của các bác sỹ của khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, ngày 27/6 chị H.T.N (trú tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) vô cùng vui mừng và xúc động được bế con trên tay.

    81

    Ở tuần thai thứ 27, chị N. được gia đình đưa đến Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán bong rau non. Trước đó, vợ chồng chị N. đã thực hiện phương pháp thụ tinh trong  ống nghiệm (IVF) và được song thai. Quá trình mang thai, chị N. thực hiện quản lý thai nghén đầy đủ theo tư vấn của các bác sĩ sản khoa.

    Chị N nhập viện và ngay lập tức được chỉ định sinh mổ bắt thai, được 1 bé trai và 1 bé gái có cân nặng lần lượt: 700gram (bé trai) và 600gram (bé gái). Sau sinh, các bé đều xuất hiện tình trạng suy hô hấp nặng, người tím tái. Một ekip hồi sức sơ sinh ngay lập tức được huy động, cấp cứu tại phòng sinh. Sau khi các chỉ số an toàn, cả 2 trẻ được chuyển đến Đơn nguyên Hồi sức tích cực sơ sinh (khoa Sơ sinh) điều trị.  Không được may mắn, bé gái (600gram) sau 1 tháng điều trị, diễn biến nặng do mang nhiều bệnh lý của trẻ sinh non kèm theo, đã được các bác sĩ cấp cứu cố gắng điều trị nhưng đã không thể duy trì sự sống.

    Bác sĩ Tưởng Khánh Ly - Khoa Sơ sinh cho biết: Đối với các bệnh nhi sinh cực non và cân nặng thấp như vậy, cuộc chiến giành lại sự sống cho các bé là vô cùng khó khăn với tiên lượng dè dặt. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, chăm sóc cần thật tỉ mỉ, cẩn thận.Các bác sĩ phải cân nhắc từng loại thuốc đưa vào, không thừa hay thiếu từng ml dịch nuôi dưỡng, đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm để tránh tình trạng hạ thân nhiệt và mất nước, luôn sát sao về vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn…

    82

    Tại Khoa Sơ sinh, bé được thở máy chỉ số cao, đặt các đường truyền trung tâm để duy trì dịch nuôi dưỡng và thuốc vận mạch, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp liên tục. Trong quá trình điều trị, bệnh nhi được truyền máu, huyết tương albumin, dùng kháng sinh…

    Sau 2 tuần, sức khỏe của bé dần ổn định, ăn 5ml x 8 lần/ngày nặng 1,2kg. Sau gần 2 tháng điều trị, chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ăn được 50ml x 8 lần/ngày nặng 2,2kg, các bác sĩ tiếp tục duy trì theo dõi, chăm sóc bằng phương pháp Kangaroo để bệnh nhi cai dần máy thở, cắt kháng sinh đủ điều kiện ghép mẹ sớm được ra viện về nhà. Hiện tại sau hơn 2 tháng được theo dõi điều trị tại Khoa Sơ sinh cân nặng trẻ đạt 2,5kg và được ra ghép mẹ. Đón bé trên tay chị N. xúc động rưng rưng khóe mắt chia sẻ: “Em nhớ con vô cùng, sau bao ngày tháng mong chờ giờ đã được bế con trên tay. Chỉ biết gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến các bác sĩ tại khoa đã ngày đêm chăm sóc nuôi dưỡng bé. Gia đình xúc động không biết diễn tả sao cho hết sự biết ơn đến các bác sĩ Khoa Sơ sinh ”

    BSCKI. Nguyễn Đức Hậu – Trưởng khoa Sơ sinh đưa ra lời khuyên: Phụ nữ có thai cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện quản lý thai nghén tại cơ sở y tế uy tín, đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật phục vụ chẩn đoán thay vì chỉ siêu âm thai thông thường để có thể phát hiện và xử trí kịp thời các vấn đề bất thường trong quá trình mang thai. Đặc biệt, đối với các trường hợp đa thai trong quá trình thai nghén càng cần tuân thủ nghiêm túc các tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ Sản khoa để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.

    83

    Hiện nay Khoa Sơ sinh cũng đang nuôi dưỡng một trường hợp trẻ sinh non 25 tuần cân nặng 500gram được chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương khi trẻ ba ngày tuổi. Trường hợp này được đánh giá là rất khó khăn do trẻ xuất hiện tình trạng ngừng tuần hoàn trên đường đi chuyển viện. Tuy nhiên, sau gần 20 ngày điều trị tại Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Sản Nhi, trẻ đã có tiến triển tốt hơn, cân nặng đạt 700gram, các bác sĩ tại khoa vẫn đang tích cực điều trị chăm sóc giành giật sự sống cho bé. Trước đây khoa Sơ sinh đã từng nuôi dưỡng và điều trị cho trẻ có cân nặng 450gram, bé gái 600gram sinh non khi tuổi thai mới bước vào tuần thứ 26, suy hô hấp nặng, mọi phản xạ tự nhiên gần như không có. Sau 76 ngày được các bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Sơ sinh – Bệnh viện Sản Nhi tận tình chăm sóc, cứu chữa bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, bé đã có tiến triển rất tốt, cân nặng đạt 2000 gram và được ra viện. Đây là một trong những trường hợp trẻ sinh non nhất, có cân nặng nhẹ nhất được cứu sống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ trước đến nay.

    Để nâng cao chất lượng điều trị, nuôi dưỡng cho trẻ sinh non, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã đầu tư trang thiết bị hiện đại đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật cao như: bơm surfactant trưởng thành phổi, thở máy và máy cao tần, đặt đường truyền trung tâm từ ven ngoại vi. Đây đều là những kỹ thuật cao nhất hiện nay, được áp dụng tại các Bệnh viện tuyến Trung ương để điều trị cho trẻ sinh non. Bệnh viện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đạt được kết quả điều trị tốt nhất đối với nhóm trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân. Bên cạnh việc đầu tư hệ thống máy móc trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đảm bảo quy trình nghiêm ngặt về chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, bệnh viện cũng chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực chăm sóc, hồi sức tích cực sơ sinh, có tinh thần, thái độ tốt, tận tâm, nhiệt huyết và yêu nghề.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-vien-san-nhi-phu-tho-dieu-tri-nuoi-duong-thanh-cong-tre-sinh-non-chi-can-nang-700-gram-a581201.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Bệnh viện Sản Nhi (Phú Thọ): Trao hạnh phúc làm cha mẹ cho vợ chồng hiếm muộn

    Bệnh viện Sản Nhi (Phú Thọ): Trao hạnh phúc làm cha mẹ cho vợ chồng hiếm muộn

    Bệnh viện Sản Nhi (Phú Thọ) trong những năm qua đã những bước phát triển vượt bậc trong lĩnh vực sản khoa, trong đó có việc điều trị vô sinh cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Cùng với các phương tiện hiện đại và kỹ năng chuyên môn của người thầy thuốc, tiếng cười trẻ thơ đã vang lên trong nhiều gia đình.