GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chia sẻ trong tọa đàm Ngành y vượt khó, sáng 23/2, tại Hà Nội: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ một tuần nữa sẽ hết hóa chất xét nghiệm.
Bên cạnh đó, số lượng vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống tại bệnh viện này cũng hạn chế, chỉ chỉ định cho trường hợp cấp cứu.
Đơn vị này còn thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống.
Theo GS Giang, tình trạng này không chỉ diễn ra ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mà còn tương tự ở nhiều bệnh viện lớn khác. Đây là việc "cấp cứu" của cấp cứu, cần được tháo gỡ ngay lập tức.
Nếu không đủ vật tư, bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.
GS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng khẳng định thiếu thuốc, hóa chất, vật tư y tế là vấn đề vô cùng khó hiện nay. Khi các BV tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất tín nhiệm BV Bạch Mai. Người dân cũng như vậy, chuyển tuyến lên Bạch Mai rất nhiều.
"Hầu hết thiết bị của BV Bạch Mai 10 năm qua là thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng, các thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực nên không thể tái ký hợp đồng cũng như ký mới. Đầu tư, mua sắm thiết bị mới thì không có kinh phí...", ông nói.
Theo GS-TS Đào Xuân Cơ, bây giờ cứ có BV nào mới thành lập là cán bộ BV Bạch Mai lại rục rịch xin đi. Ông hết sức lo lắng vì đến ngày 1/7 tới đây, bắt đầu chi theo lương mới thì nguồn chi thường xuyên của BV chưa chắc đã đáp ứng đủ.
Cũng trong tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết sau đại dịch, ngành Y đang đối mặt với 9 khó khăn. Theo Thứ trưởng Y tế, dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, nguy cơ xuất hiện nhiều biến chủng mới khiến dự báo trở nên khó khăn.
Cùng với đó là những đợt bùng phát sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp… chưa rõ nguyên nhân. Hệ thống y tế còn tồn tại hạn chế chưa giải quyết được quyết liệt ở giai đoạn trước và đã nảy sinh thêm những khó khăn vướng mắc, đặc biệt sau Covid-19.
Hệ thống thể chế liên quan đến lĩnh vực y tế cơ bản đã hoàn thiện nhưng vẫn còn những bất cập nhất định và đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công
Bên cạnh đó, năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, dự phòng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số địa phương chưa đảm bảo. Đặc biệt, quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng quy định hiện diễn biến phức tạp, đặc biệt trên mạng xã hội.
Mặt khác, năng lực sản xuất trang thiết bị còn khó khăn, mới dừng ở trang thiết bị y tế thông dụng, công nghệ còn thấp, chưa được chú trọng. Hệ thống xử lý nước thải ở cơ sở tuyến tỉnh quá tải, kết quả xử lý đầu ra chưa đạt yêu cầu.
Tình trạng thiếu thuốc chưa được khắc phục, số lượng hồ sơ đăng ký cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc còn tồn động lớn.
Quản lý, đào tạo chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tế và hội nhập. Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc của nhân viên y tế, chuyển từ công sang tư, trong đó có những y bác sĩ tay nghề cao.
Cuối cùng, chuyển đổi số và thông tin chưa đáp ứng yêu cầu, ngân sách chi cho bảo hiểm y tế có tăng, song tổng chi cho đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công để đảm bảo cho hoàn thiện cơ sở vật chất y tế, phục vụ cho chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng còn hạn chế.
Việt Hương (T/h)