Merco Press đưa tin, ngày 8/5, Bộ trưởng Y tế Argentina Carla Vizzotti xác nhận với truyền thông nước này về 8 ca nghi mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn”. Tất cả các trường hợp nghi mắc này đều đang được điều tra dịch tễ học.
"5 bệnh nhi trong số này đã có kết quả dương tính với virus adeno. Ba trẻ còn lại đang được kiểm tra thêm", Bộ trưởng Y tế Argentina cho hay. Hiện không có trẻ nào ở Argentina cần được cấy ghép gan nhưng ba bé bị viêm gan nặng, khả năng sẽ phải ghép gan trong thời gian tới.
Một trong số đó là bé trai 8 tuổi ở Rosario đang ở trong tình trạng nguy kịch, cần được ghép gan càng sớm càng tốt. Gia đình cậu bé cho biết bệnh nhi không có tiền sử đi du lịch hay liên quan bất cứ mầm bệnh nào trước đó. Bệnh nhi cũng đã được tiêm phòng viêm gan A, B.
Nếu không tính số ca nghi mắc ở Argentina thì có ít nhất 23 nước đã xác nhận có ca mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn”. Số liệu thống kê chưa chính thức cho thấy số ca mắc trên toàn thế giới đã ở mức trên dưới 350 ca.
Đến nay, Việt Nam vẫn chưa ghi nhận trường hợp trẻ mắc viêm gan cấp tính “bí ẩn”. Tuy nhiên, trước diễn biến gia tăng của các ca bệnh, chiều ngày 8/5, bộ Y tế cho biết đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới.
Đồng thời, phối hợp với địa phương phân tích các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đồng thời đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Viện Pasteur Nha Trang; Viện Pasteur TP HCM; Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên về việc tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
Các đơn vị này được yêu cầu tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát, hỗ trợ các địa phương, đơn vị triển khai giám sát, phòng chống và xét nghiệm viêm gan virus trong đó tập trung vào hoạt động tiêm chủng vaccine viêm gan B cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới một tuổi và các đối tượng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn và đạt tỷ lệ bao phủ theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Trong diễn biến liên quan, sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu các cơ sở y tế, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa Nhi tăng cường phát hiện các trường hợp trẻ bị viêm gan cấp. Các bệnh viện cần hội chẩn với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) để thu thập thông tin và bệnh phẩm, tiến hành kỹ thuật xét nghiệm PCR, kỹ thuật metagenomics tìm tác nhân gây nhiễm như virus Adeno và các tác nhân khác (nếu có).
Đinh Kim(T/h)