(ĐSPL) - Để phòng chống và điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ em, việc tuân thủ chế độ kiêng kỵ đối với bệnh là việc làm vô cùng cần thiết.
Bệnh tay chân miệng do vi khuẩn đường ruột Ente’virus (E71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh chủ yếu lây qua đường tiêu hóa và khi biến chứng có thể gây tử vong.
Bệnh tay chân miệng có biểu hiện sớm nhất là mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm trẻ khó ăn uống.
Chính vì những nguyên nhân này, các bậc phụ huynh nên sớm chú ý đến chế độ kiêng kỵ trong chế độ ăn uống và chăm sóc bệnh nhi ngay từ khi bệnh có dấu hiệu khởi phát.
Cách ly trẻ
Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ để không lây nhiễm ra xung quanh. Ảnh minh họa. |
Cách ly trẻ để không lây lan bệnh cho những trẻ xung quanh, đồng thời, giữ vệ sinh, khử khuẩn môi trường xung quanh hạn chế khả năng lây truyền bệnh tạo ra ổ dịch.
Tránh cho trẻ ăn thức ăn cứng và quá nóng
Cho trẻ ăn những thức ăn như bình thường nhưng làm lỏng, mềm thậm chí có thể làm mát cho dễ ăn như cháo bột (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng, thức ăn nóng làm trẻ đau không nuốt được.
Khi trẻ đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một ly sữa chua hoặc một ly nước trái cây. Không ép trẻ ăn quá làm trẻ khóc, sẽ mệt mỏi hơn. Vì thời gian trẻ bị bệnh ngắn (khoảng từ 5 – 10 ngày), sau khi hết bệnh trẻ sẽ ăn nhiều hơn để bù lại khi bị bệnh.
Tránh cho trẻ ăn những thức ăn cứng và nóng. Ảnh minh họa. |
Sau khi ăn, súc miệng trẻ sạch sẽ và để nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3 – 4 giờ. Sau đó mới cho ăn bữa khác. Cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định bác sĩ.
Không kiêng nước
Rất nhiều bậc phụ huynh thường kiêng cho trẻ tắm khi trẻ bị bệnh. Tuy nhiên, đây là một điều sai lầm bởi như vậy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển dẫn đến những căn bệnh hoặc biến chứng nguy hiểm.
Vì thế, đừng tránh việc tắm cho trẻ, thay vào đó, hãy vệ sinh sạch sẽ cho trẻ ở những nơi kín gió và sử dụng xà phòng sát khuẩn.
Không cho trẻ dùng chung đồ chơi, đồ ăn
Điều cuối cùng cần tránh khi trẻ bị bệnh tay chân miệng là không cho trẻ ngậm đồ chơi hay núm vú cao su. Đồng thời, những thứ đồ chơi và muỗng, chén của bé phải rửa sạch mỗi ngày và không nên cho trẻ chơi chung, ăn chung với những trẻ khác, tránh việc lây lan bệnh sang những đứa trẻ khác.
Lưu ý:
Điều quan trọng khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng là tăng cường sức đề kháng cho trẻ và giữ vệ sinh sạch sẽ. Cụ thể, nên cho trẻ ăn đủ bữa (3 –5 bữa trong ngày), đủ dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau), ăn nhiều trái cây sạch sau khi ăn cháo, bột để tăng cường vitamin và yếu tố vi lượng.
Cần lưu ý khi trẻ bị bệnh chân tay miệng ở mức độ nhẹ có thể chữa trị tại nhà thì vẫn cần đưa trẻ đi tái khám một cách định kỳ để theo dõi tiến triển của bệnh. Đặc biệt là theo dõi giấc ngủ và cơn giật mình ở trẻ, đây là 2 dấu hiệu quan trọng nhất để nhận biết bệnh của trẻ có biến chứng hay không.
MẠC NHIÊN(Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]vhpZj9CXjx[/mecloud]