+Aa-
    Zalo

    Bệnh nhi 3 tuổi tử vong sau 15 phút nhập viện do mắc tay chân miệng

    (ĐS&PL) - Bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng được chuyển từ Cà Mau đến TP.HCM đã tử vong sau khi các bác sĩ nỗ lực cứu chữa.

    Theo thông tin từ Báo Tiền Phong, ngày 25/9, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, tại đây vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh tay chân miệng.

    Cụ thể, bệnh nhi là cháu bé 3 tuổi, trú tại Cà Mau. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó bé có biểu hiện sốt, mệt được chuyển đến bệnh viện địa phương điều trị. Tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng, bé được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 và phải thở máy.

    Sau 2 ngày thở máy, tình trạng bệnh nhi diễn tiến ngày càng xấu với tiên lượng nặng, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhẹ 150 lần/phút, sốt 41 độ. Ngay lập tức, các bác sĩ tại đây đã hồi sức, nhồi tim sau đó chuyển khẩn bé đến Khoa Hồi sức tích cực tại bệnh viện. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa những do tình trạng nặng bé đã tử vong.

    PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết, thời điểm nhập viện bệnh nhi đã trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng chỉ sau 15 phút nhập viện tuy nhiên bệnh nhi đã ngưng tim và tử vong với chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4.

    "Đây là trường hợp mắc tay chân miệng rất nặng, chúng tôi đã cố gắng cứu chữa nhưng trẻ không qua được. Từ Cà Mau chuyển lên TPHCM quãng đường xa quá”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang đau xót cho hay.

    benh nhi 3 tuoi tu vong do tay chan mieng sau 15 phut nhap vien 4
    Bệnh nhi 3 tuổi tử vong do tay chân miệng sau 15 phút nhập viện. Ảnh minh họa.

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết tính từ ngày 11/9 đến 17/9, TP.HCM ghi nhận 934 ca mắc bệnh tay chân miệng, giảm 27,6% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm: Quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh.

    Theo Báo Tin tức, bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi..

    Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71 gia tăng. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Chính vì vậy đã dẫn đến các ca mắc bệnh diễn biến nặng nhiều hơn so với những năm trước đây.

    Các chuyên gia y tế khuyến cáo một số dấu hiệu khi trẻ bị bệnh tay chân miệng trở nặng mà cha mẹ cần chú ý. Đó là khi trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48h và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; trẻ bị giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.

    Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình của trẻ có tăng theo thời gian hay không. Trẻ quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15 - 20 phút rồi lại ngủ tiếp). Một số dấu hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…

    Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, sẽ khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

    Như Quỳnh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-nhi-3-tuoi-tu-vong-do-tay-chan-mieng-sau-15-phut-nhap-vien-a592552.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan