Khoa Cấp cứu được coi là nơi đầu sóng ngọn gió với cường độ làm việc căng thẳng nhất bệnh viện. Ở đó bác sĩ vừa cứu người, vừa phải đề phòng tai bay vạ gió.
Tất cả các bác sĩ tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn rùng mình khi nhớ lại cảnh tượng hỗn loạn từng xảy ra.
Người bị đâm trúng cổ là chủ khu sinh thái câu cá. Ông này nhìn thấy vị khách ngồi gác chân lên bàn nên nhắc nhở. Ai ngờ vị khách kia hậm hực, gọi đàn em tới quán hỗn chiến. Khi bị đâm trúng cổ, ông chủ khu sinh thái cũng đâm lại. Kết quả cả hai cùng nhập viện một lúc.
Bác sĩ Trần Tuấn Khương kể lại tình huống bị thân nhân người bệnh cầm dao đe dọa. Ảnh: Đinh Tuấn |
“Chưa bao giờ chúng tôi gặp cảnh tượng như thế. Bệnh nhân thì đứng trên băng ca choảng nhau, bên ngoài, phe phái đi theo cũng lao vào đấm đá. Bệnh viện phải huy động tới 10 bảo vệ, nhờ thêm cả lực lượng cảnh sát mới dẹp yên được”, bác sĩ chuyên khoa II Trần Tuấn Khương, trưởng tua trực Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đêm 27/10 nhớ lại.
Các bác sĩ khoa Cấp cứu Chợ Rẫy tâm sự, chuyện bác sĩ bị chửi bới, hăm dọa là thường. Bản thân bác sĩ Trần Tuấn Khương cũng từng suýt…“ăn” dao khi đang làm nhiệm vụ.
“Hôm đó một cậu thanh niên bị chấn thương hàm mặt do tai nạn giao thông được chuyển vào. Thấy ca chấn thương hàm mặt là tôi cảnh giác lắm. Để đặt nội khí quản, bác sĩ bắt buộc phải loại đi mấy chiếc răng cửa sắp rụng, nếu không bệnh nhân có nguy cơ nuốt vào, gây dị vật đường thở.
Nghe con trai mình… mất răng, ông bố chẳng biết từ đâu lôi ra con dao gọt trái cây thủ sẵn, cắm phập xuống mặt bàn quát lớn, yêu cầu bác sĩ bằng mọi giá cứu con mình nhưng răng thì không được nhổ", bác sĩ Khương vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại.
Tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Việt Đức, điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Thực, trưởng tua trực đêm 28/10 cũng cho biết, 15 năm trong nghề, chuyện bệnh nhân vào viện vẫn "choảng" nhau thường như cơm bữa.
"Các phe nhóm chém nhau tơi tả ngoài đường rồi cùng chuyển vào viện. Chúng tôi phải hoàn thiện hồ sơ thật nhanh, bố trí khâu, mổ với chính sách đặc biệt hơn hẳn những bệnh nhân khác. Nếu để nằm xếp hàng, số đối tượng đầu xanh đầu đỏ cứ tăng lên theo cấp số nhân, có khi kéo kín cả phố", điều dưỡng Thực chia sẻ.
Bác sĩ ngất khi đi trực đêm
Khoa cấp cứu là một trong những nơi làm việc căng thẳng nhất bệnh viện. Các bác sĩ bận tới mức không có thời gian để uống nước chứ đừng nói ăn đêm.
Tuy nhiên mỗi đêm trực như vậy, khoản trợ cấp cho bác sĩ chỉ có 170-180.000 đồng, kèm hộp sữa Ông Thọ. Trung bình mỗi đêm, khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng trên dưới 100 ca, chủ yếu là các ca nặng từ khắp nơi chuyển về.
Điều dưỡng Thực kể, trước đây ca trực kéo dài 24 tiếng, nghỉ 12 tiếng xong lại trực tiếp nhưng khi ấy mới ra trường, trực xong vẫn còn rủ nhau đi chơi. Giờ ca trực đêm có 12 tiếng nhưng hết ca thì chỉ đủ sức lết về nhà.
Suốt đêm, không một phút ngưng nghỉ, trưởng tua trực, điều dưỡng trưởng Nguyễn Ngọc Thực liên tục chỉ đạo qua bộ đàm, lúc lúc lại chạy đôn chạy đáo khắp các phòng để kiểm tra. Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Đã trực đêm đừng bao giờ mong chợp mắt, bệnh nhân nhập viện dồn dập không ngơi nghỉ lúc nào. Hết ca đã 8-9h sáng hôm sau, về nhà ăn uống ngủ nghỉ được 2-3 tiếng buổi trưa rồi tất bật đón con, dọn nhà, hôm sau lại trực bình thường. Mỗi tháng đều đặn 7-8 buổi trực đêm", điều dưỡng Thực cười tươi chia sẻ.
Anh bảo mình vẫn còn sung sức chứ nhiều sinh viên thực tập chưa quen thức đêm còn bị ngất giữa ca trực.
"Tôi cũng từng phải bồng một nhân viên nữ từ nhà xe vào phòng cấp cứu do đi trực xa giữa trời rét nên bị xỉu", điều dưỡng Thực nhớ lại.
Với đặc thù ngành y, anh bảo lấy vợ chồng cùng ngành sẽ dễ thông cảm, nhưng gia đình nào cả 2 cùng làm bác sĩ thì cực kỳ vất vả, phải huy động ông bà nội ngoại chăm sóc con cái.
"Ông bà ở gần không sao, có người nội ngoại đều xa, con mới lớp 4, lớp 5 đã phải tự nấu nướng, chăm em ở nhà vì bố mẹ không có thời gian. Nghĩ cũng tội", anh Thực ngậm ngùi.
Cũng chuyện nghề, bác sĩ Trần Tuấn Khương tâm sự, nếu hậu phương không thông cảm thì bác sĩ khó lòng toàn tâm với nghề.
10 bác sĩ và 30 nhân viên y tế (điều dưỡng, hộ lý, phục vụ) quần quật trắng đêm tại Chợ Rẫy.Ảnh: Đinh Tuấn |
"Vợ tôi là dược sĩ nên dễ thông cảm với công việc của chồng. Điều khiến tôi áy náy nhất là không đủ thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái. Chúng tôi có một con trai duy nhất 13 tuổi. Đây là tuổi dở dở ương ương, rất cần sự quan tâm sâu sát của bố, thế nhưng khi về nhà là lúc cháu ở trường. Tối tôi vào ca trực, cháu lại bận học bài. Một tháng đi trực đêm 8 ngày, tôi phải dặn vợ đừng nói chồng đi trực nhiều vì lo 2 mẹ con đêm hôm một mình", bác sĩ Khương tâm sự.
Khi được hỏi thu nhập của các bác sĩ cấp cứu bao nhiêu, bác sĩ Khương nói mỗi người được 7 - 9 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền trợ cấp mỗi đêm trực. Thu nhập ấy chưa tương xứng với công sức ăn học và sự vất vả. Như bác sĩ Khương, học ĐH Y hết 6 năm, học chuyên khoa I và II, tổng cộng tới 12 năm học hành nghiên cứu.
Nhưng khi hỏi sao anh không tìm nơi nào có thu nhập xứng đáng hơn, bác sĩ Khương trầm ngâm: "Mình không đi dù có thu nhập cao hơn vài chục triệu. Biết bao anh chị đồng nghiệp họ nhường cho mình đi học. Rồi trau dồi, chỉ bảo nhiều kinh nghiệm thực hành quý giá. Nay họ vẫn chưa bỏ đi, vẫn lặng lẽ cùng mình sát cánh, vì miếng cơm manh áo mình bỏ đi thì thấy thật không phải".
Là bệnh viện lớn nhất phía Nam, mỗi đêm Chợ Rẫy tiếp nhận từ 160 - 180 ca cấp cứu nhưng chỉ có 10 bác sĩ. Vất vả là thế song bác sĩ Khương bảo, đêm ở bệnh viện nhanh lắm, quay qua quay lại đã 7h sáng, nhiều khi bị bệnh nhân hiểu lầm, buông lời lẽ xúc phạm nhưng bác sĩ cũng không có thời gian để buồn, để nghĩ ngợi.
"Nếu cứ hay chạnh lòng vậy thì không tập trung xử lý được những ca bệnh khác", bác sĩ Khương cười tươi nói.
Theo VietNamNet
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]d8od8xLcUN[/mecloud]