Bệnh nhân ngáo đá tự dùng dao cắt động mạch ở cổ tay. Khi đang được bác sỹ BV Đa khoa Cần Thơ cấp cứu, bệnh nhân giật lấy kéo từ xe tiêm thuốc, đe dọa bác sỹ và truy đuổi kíp trực.
Bệnh nhân gây rối, đe dọa bác sỹ
Các bác sỹ BV Đa khoa Cần Thơ tiếp nhận một bệnh nhân được chuyển từ BV Đa khoa huyện Thới Lai đến trong tình trạng tiền căn ngáo đá, đứt động mạch do dùng dao cắt cổ tay để tự tử.
Khi bác sỹ đang chuẩn bị sơ cứu, bệnh nhân đột ngột nhảy xuống giường, giật lấy kéo từ xe tiêm thuốc đe dọa bác sỹ và truy đuổi các nhân viên y tế.
Tại Bệnh viện Các bệnh Nhiệt đới TW cũng hay gặp phải tình huống bệnh nhân gây rối.
|
Bác sỹ Tùng, BV Thanh Nhàn từng bị người nhà bệnh nhân tấn công
|
Trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS nằm điều trị tại bệnh viện do có nhiễm trùng cơ hội nặng, bệnh nhân lại nghiện ma túy tổng hợp, do dùng quá liều nên bệnh nhân đã không làm chủ được bản thân (ngáo đá).
Bệnh nhân khóa trái cửa phòng, lột bỏ hết quần áo, tay cầm con dao nhọn và nói không cho ai vào, nếu ai vào sẽ bị đâm. Ngay sau khi phát hiện, bệnh viện khẩn cấp báo cáo với các đơn vị liên quan, đích thân đồng chí Phó trưởng Công an Quân Đống Đa phụ trách hình sự đã xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo.
Nhiều biện pháp được áp dụng như cho người đón mẹ bệnh nhân từ Thái Nguyên xuống (bệnh nhân chỉ nghe mỗi mẹ, không nghe ai khác). Ngoài ra, bệnh viện bố trí lực lượng bao vây phòng bệnh nhân nằm; trèo lên cử sổ thuyết phục bệnh nhân mặc quần áo và bỏ dao nhưng vẫn không có kết quả.
Cuối cùng, biện pháp khá hiệu quả là bố trí ba đồng chí công an mặc áo chống đạn, đeo găng tay và mặc áo blouse bên ngoài. Trong lúc một người vẫn tiết tục thuyết phục bệnh nhân qua cửa sổ thì các đồng chí công an đột ngột phá cửa ập vào và bằng các biện pháp nghiệp vụ đã đoạt được dao nhọn của bệnh nhân không xảy ra thương tích gì.
Bệnh nhân sau đó được cho mặc quần áo và khóa một tay vào thành giường vấu khoảng 4 tiếng khi bệnh nhân tỉnh đã đươc mở khóa ra. Sự phối hợp kịp thời giữa các lực lượng đã giúp bệnh nhân vượt qua thời điểm ngáo đá không để xảy ra những việc đáng tiếc.
Từ năm 2010 đến nay: 20 vụ điển hình mất an ninh bệnh viện
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý- Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Tính đến cuối năm 2016, cả nước có 1.365 bệnh viện (không tính các bệnh viện quân đội do Bộ Quốc phòng quản lý), với tổng số 253.447 giường bệnh theo kế hoạch; 339.313 giường bệnh theo thực kê và gần 590.000 cán bộ y tế.
Hàng năm, các bệnh viện khám 158,935 triệu lượt khám và điều trị nội trú cho 27,206 triệu lượt người.
Do đó, nhu cầu được bảo đảm an toàn trong khám, chữa bệnh của người dân, cũng như được làm việc trong môi trường an toàn của người thầy thuốc và nhân viên y tế nói chung là vô cùng quan trọng và là đòi hỏi rất chính đáng của cả phía người bệnh cũng như người thầy thuốc”.
|
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục cảnh sát hình sự |
”Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã xảy ra một số vụ việc người nhà người bệnh hành hung nhân viên y tế, làm mất trật tự, an ninh, an toàn bệnh viện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện; ảnh hưởng đến tinh thần, tính mạng, động lực và sự tận tụy của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế”, ông Khuê nói.
Qua số liệu theo dõi của Cục Quản lý Khám chữa bệnh và thông tin báo chí, tính từ năm 2010 tới nay, cả nước ghi nhận có 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Trong đó, năm 2011 có 5 vụ; năm 2013, 2014 và 2015 có 3 vụ.
Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến trung ương chiếm 20% số vụ việc. Các bệnh viện có tần suất xảy ra cao như: bệnh viện đa khoa thành phố Cần Thơ xảy ra 3 vụ việc và Bệnh viện Bạch Mai xảy ra 2 vụ việc.
Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ, chiếm tới 70% và điều dưỡng chiếm 15% số vụ việc. 90% số vụ việc xảy ra tại trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh (chiếm tới 60%) và 30% số vụ việc là xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh.
Đặc biệt, có những vụ việc đối tượng bị hại là người bệnh, người nhà người bệnh như vụ việc bắt cóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa quận 7, TP. HCM ngày 09/1/2014 hay vụ việc người nhà bị đánh tại Bệnh viện ITO – Sài Gòn, năm 2016.
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng Cục cảnh sát hình sự cho rằng, để hạn chế tình trạng mất an ninh trật tự bệnh viện, các đơn vị cần hoàn thiện trang thiết bị đảm bảo an ninh như camera cổng kiểm soát người ra vào, thẻ thăm khám…
Bệnh viện cần phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan công an để đảm bảo an ninh trật tự xung quanh khu vực bệnh viện.
Đường dây nóng tiếp nhận ý kiến, phản ánh của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng được ông Tám đưa ra như một giải pháp quan trọng. Ngoài ra, đường dây nóng giữa bệnh viện và công an địa phương cũng cần thiết để hạn chế và giúp kiểm soát tình hình an ninh bệnh viện.
Từ phía Bộ Y tế, ông Khuê cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh các giải pháp như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, làm hài lòng người bệnh, an toàn người bệnh; xây dựng tiêu chuẩn về bảo đảm cơ sở hạ tầng bệnh viện để phòng ngừa mất an toàn trật tự bệnh viện.
Về mặt văn bản quy phạm pháp luật, Cục khuyến nghị bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh về trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bổ sung nội dung cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.
Sáng 7/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức Hội nghị Thực trạng và giải pháp bảo đảm an ninh trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế. GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tham dự và chủ trì hội nghị. Hơn 300 đại biểu từ các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh/thành; đại diện lãnh đạo các Cục, Tổng Cục của Bộ Công an, Công an các tỉnh thành phố; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các cơ quan báo chí đã tham dự và thảo luận tại Hội nghị. |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-nhan-ngao-da-tu-cat-tay-truy-duoi-bac-sy-va-cau-chuyen-an-ninh-benh-vien-a186552.html