Anh Sơn là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được các bác sĩ phát hiện mắc bệnh "người cây" và trở thành ca thứ 502 trên thế giới.
Anh Sơn là trường hợp đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện mắc bệnh "người cây". |
Đứa con bất hạnh
Anh Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1971, quê xóm Tân Sơn, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là người đầu tiên ở Việt Nam được phát hiện mắc bệnh "người cây".
Từ năm 10 tuổi, vùng mắt cá ở lòng bàn chân anh Sơn bắt đầu xuất hiện những mụn cóc và dần xù xì ra, lúc đầu mềm sau đó cứng đơ lại. Các mụn cóc chai sần, nứt nẻ khiến bàn tay và bàn chân của anh Sơn biến dạng, anh không thể tự mình đi lại hay ăn uống.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Dệt, mẹ anh Sơn không giấu nổi những giọt nước mắt khi kể về căn bệnh của đứa con mang nhiều bất hạnh. Từ khi sinh ra Sơn đã yếu và ở trên lòng bàn chân xuất hiện mắt cá chân. Mắt cá chân trái lan sang chân phải. Ngày còn bé, anh Sơn đã phải nhiều lần đi chữa mắt cá. Ở quê ai mách chỗ nào chữa được bệnh là bà đưa con đến nhưng không có kết quả.
Năm 2000, anh Sơn ra bệnh viện Bạch Mai chữa sau đó được giới thiệu sang bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nhưng bệnh tật không có dấu hiệu thuyên chuyển. Cũng theo bà Dệt, lớp sừng ở lòng bàn chân, bàn tay mọc ra như rễ cây, sau một thời gian thì rụng khiến anh Sơn rất đau đớn.
Cuộc sống mồ côi cha đã khổ, căn bệnh hành hạ anh khổ hơn. Bà Dệt cũng đau ốm quanh năm, giờ đây bà chỉ giúp anh cơm cháo qua ngày. Đi viện hay đi khám ở đâu đều nhờ anh em họ hàng xa gần. Thương cháu, bà Nguyễn Thị Trang – cô ruột của anh Sơn ngày ngày cõng cháu đi học nhưng được đến năm lớp 7 rồi sau đó không đi học nữa vì đau và không có người đưa đi.
Ngày trước, nhà anh Sơn ở rìa làng, quê anh vốn thuộc vùng rốn lũ, chuyện nhà cửa ngập năm nào cũng xảy ra. May mắn, nhờ có anh em, họ hàng góp tiền mua cho anh mảnh đất trong làng để dựng tạm căn nhà nhưng rồi năm 2017, trận lũ lịch sử cuốn đi tất cả.
Thấy anh Sơn khổ sở, các cô chú của anh lại gom góp xây dựng cho anh gian nhà khoảng 20 mét vuông, lát gạch men để anh có thể bò đi bò lại trong nhà. Mong muốn của gia đình là anh Sơn có thể lập gia đình để sau này có người chăm sóc. Tuy nhiên, mọi mong ước đều không thành hiện thực vì người phụ nữ nào đến gặp anh họ đều không đồng ý.
Theo TS. Lê Anh Tuấn – bác sĩ da liễu tại Hà Nội, bệnh của anh Sơn được gọi là “người cây”. Đây là ca bệnh "người cây" đầu tiên tại Việt Nam được bác sĩ phát hiện và trở thành ca thứ 502 trên thế giới. Vị bác sĩ nhấn mạnh, việc điều trị bệnh "người cây" rất phức tạp. Hiện bác sĩ Tuấn đang tiến hành các xét nghiệm gens và virus. Sau khi có kết quả sẽ áp dụng các liệu pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Nỗi đau thể xác giày vò thành trầm cảm
Tìm hiểu được biết, bệnh "người cây" có tên khoa học là Epidermodysplasia Verruciformis (EV). Căn bệnh này được bác sĩ Felix Lewandowsky và Wilhelm Lutz phát hiện lần đầu tiên vào những năm 1920.
Nguyên nhân gây bệnh “người cây” được xác định là virus HPV (Human Papillomavirus), có khả năng làm hạn chế hệ miễn dịch ở cơ thể người. EV là dạng rối loạn da hiếm gặp và di truyền, tạo ra các tổn thương giống như mụn cóc ở bất cứ đâu trên cơ thể. Mụn cóc và virus HPV rất dễ lây lan nhưng hội chứng “người cây” liên quan đến phản ứng của cơ thể với virus và trong nhiều trường hợp thì có thể do di truyền.
Tại một số quốc gia trên thế giới, nhiều người khốn khổ vì mắc chứng “người cây”. Điển hình là Abul Bajandar, 28 tuổi, ở Bangladesh. Từ năm 2016 đến nay, Bajandar đã trải qua 25 ca phẫu thuật để cắt bỏ mụn cóc do hội chứng người cây gây ra. Tuy nhiên, sau đó không lâu căn bệnh này lại tái phát trở lại nên Bajandar đã ngưng điều trị và trở về nhà.
Đặc biệt, do gens di truyền kỳ lạ, ba thành viên trong một gia đình ở Bangladesh gồm ông Ali (55 tuổi), anh Tajul (40 tuổi) và cháu Ruhul (8 tuổi) được gọi là “gia đình người cây”. Ông Ali thành viên lớn tuổi nhất là người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ căn bệnh di truyền quái lạ này do đó các bác sĩ buộc phải cắt bỏ đôi chân đã bị đóng vảy nghiêm trọng để điều trị cho ông. Mặc dù mụn cóc mới bắt đầu mọc ở bàn tay và bàn chân của cậu bé Ruhul nhưng khiến cậu bé đau đớn không thể đi lại được. Cả 3 người được điều trị tại bệnh viện Đại học Y Dhaka, Bangladesh.
Ngoài sự đau đớn về thể chất, Epidermodysplasia verruciformis còn khiến người bệnh mặc cảm với cơ thể và dần xa lánh xã hội. Tệ hơn, họ sẽ rơi vào chứng trầm cảm thay vì sự giày vò từ những cơn đau thể xác.
Theo tạp chí Health, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân "người cây" sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư da ác tính. Theo thống kê, 50% trường hợp người bệnh này phát triển ung thư da, đặc biệt là ung thư biểu mô tế bào vảy. Căn bệnh "người cây" có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng chủ yếu xuất hiện ở trẻ em. |
Thu Trang
Bài đăng trên báo Đời sống& Pháp luật Chủ Nhật số 32