+Aa-
    Zalo

    Bệnh lở loét ‘ăn thịt người’ lan rộng ở Úc, nguyên nhân còn là bí ẩn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các nhà khoa học ở Úc đã lên tiếng lo ngại về sự bộc phát của bệnh lở loét Buruli - một căn bệnh ăn thịt người thường xảy ra ở Tây và Trung Phi.

    Các nhà khoa học ở Úc đã lên tiếng lo ngại về sự bộc phát của bệnh lở loét Buruli - một căn bệnh ăn thịt người thường xảy ra ở Tây và Trung Phi.

    Bệnh lở loét Buruli

    Trong nhiều năm gần đây, căn bệnh truyền nhiễm này đã xảy ra nhiều hơn ở các vùng khác nhau của Úc, đặc biệt là tại tiểu bang Victoria.

    Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Medical Journal of Australia, các tác giả cảnh báo rằng sự bùng phát bệnh lở loét, được mô tả như là một "bệnh dịch" trong nghiên cứu, đòi hỏi phải có "phản ứng khoa học khẩn cấp". Họ báo cáo rằng bang Victoria đang đối mặt với một đại dịch tồi tệ hơn "được định nghĩa bởi các trường hợp tăng nhanh về số lượng, trở nên nghiêm trọng hơn trong tự nhiên, và xảy ra ở các khu vực địa lý mới".

    Vào năm 2016 đã có 182 trường hợp mắc bệnh mới được báo cáo, tăng 72% so với năm 2015. Con số này cũng tăng thêm 51% kể từ tháng 11/2016 đến 11/2017.

    Bệnh lở loét Buruli đang lan rộng ở Úc. Ảnh: Twitter

    Môi trường và cách căn bệnh lan rộng vẫn chưa được biết tới. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh ở châu Phi có liên quan đến những người sinh sống gần đầm lầy và các môi trường thuỷ sinh khác. Theo Andres Garchitorena, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp - một chuyên gia về lở loét Buruli – các trường hợp bệnh ở Úc có thể liên quan đến các phương thức lây truyền cụ thể như muỗi và ốc sên.

    Ông Garchitorena cho biết: "Ở Úc, có vẻ như bệnh truyền lan trên cạn nhiều hơn. Còn như ở Châu Phi, chủng rất khác và chủ yếu truyền qua các hệ sinh thái thủy sinh”. Trong khi đó, các bác sĩ cũng không biết tại sao các ca bệnh trở nên trầm trọng hơn.

    "Một khả năng là có một số khuẩn kháng thuốc kháng sinh mà bệnh nhân đang sử dụng", ông Garchitorena nói. Bên cạnh đó, Giáo sư Daniel O'Brien, một chuyên gia tư vấn về bệnh truyền nhiễm cho hay: "Rất khó để ngăn ngừa bệnh tật khi không biết cách bệnh lây nhiễm”.

    Sự xuất hiện của bệnh trong tiểu bang đã được biết đến trong nhiều thập niên - trường hợp đầu tiên được ghi nhận là vào năm 1948 - nhưng sự lo lắng về các ca bệnh trong những năm gần đây là điều đáng lo ngại.

    Tổn thương hủy diệt

    Bệnh loét Buruli do vi khuẩn lở loét Mycobacterium gây ra. Những tổn thương sẽ phá hủy nghiêm trọng da cùng với các mô mềm của người nhiễm bệnh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vi khuẩn này có điểm tương đồng với vi sinh vật gây bệnh phong và bệnh lao.

    Nhà nghiên cứu Garchitorena cho biết: "Cách thức tạo ra các vết loét là khi nó nằm trong da người, nó sẽ lan rộng ra, giống như độc tố vậy. Vết loét chủ yếu ảnh hưởng đến mô mỡ, bắt đầu với một cái nốt nhỏ, nhưng theo thời gian, nó sẽ rộng ra và tạo thành vết loét lớn".

    Theo ông Garchitorena: "Có những trường hợp tử vong nhưng kết quả phổ biến nhất của bệnh nhân là tàn tật. Những người mắc phải có thể cần phẫu thuật cắt bỏ phần lở loét hoặc phẫu thuật lớn hơn gây ra những hạn chế chức năng cho cuộc sống thường ngày”.

    Phần lở loét có thể lan rộng và gây nhiễm trùng đến tận xương. Ảnh: Getty

    Vào năm 2017, đã có 2.206 trường hợp được báo cáo trên toàn cầu, Úc và Nigeria báo cáo nhiều trường hợp nhất. Vì không rõ phương thức lây truyền nên không có chiến lược phòng chống bệnh cụ thể.

    Nhiễm trùng có thể điều trị được, và tỷ lệ chữa khỏi là "gần 100%" với kháng sinh như rifampicin và clarithromycin, nhưng nếu không điều trị nhanh, bệnh có thể dẫn đến tình trạng khuyết tật lâu dài và biến dạng. Tiến sĩ Zlatko cho hay các phương pháp điều trị kháng sinh hiện nay chỉ ngăn ngừa được ở 40% bệnh nhân không phải phẫu thuật.

    Ông nói: "Cần phải có những kháng sinh mới hay các phương pháp điều trị kháng độc tố, vì nhiễm trùng là một vấn đề nghiêm trọng đối với hàng ngàn bệnh nhân bị các tổn thương kinh niên”.

    Ban đầu, bệnh xuất hiện như là một vết sưng không đau và trở thành một vết loét lớn hơn trong vòng 4 tuần. Theo một số trường hợp, nó cũng có thể ảnh hưởng đến xương, gây ra "biến dạng". Các tác động nhân khẩu học khác nhau đáng kể giữa các vùng bị ảnh hưởng, với khoảng 48% những người bị ảnh hưởng ở Châu Phi dưới 15 tuổi, trong khi chỉ có 10% bị ảnh hưởng trong độ tuổi này ở Úc.

    Sanjaya Senanayake, phó giáo sư y khoa thuộc Đại học Quốc gia Úc cho biết: "Ở Úc, bệnh có xu hướng ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi, nhưng những người trẻ cũng có thể bị tác động. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán vào những tháng mùa Đông nhưng có thể nhiễm trùng thực sự xảy ra vào mùa hè. Đường lây nhiễm không chắc chắn, nhưng khả năng bao gồm nước ngọt, bọ chét và bị côn trùng cắn".

    PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/benh-lo-loet-an-thit-nguoi-lan-rong-o-uc-nguyen-nhan-con-la-bi-an-a226597.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan