Nhiều tỉnh, thành phố ở Trung Quốc đã thông báo cắt điện để đối phó với nhu cầu sử dụng tăng vọt, một phần do người dân sử dụng điều hòa khi nhiệt độ ngoài trời lên tới mức 45 độ C.
Được biết, Trung Quốc đã phải trải qua điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong mùa hè này, bao gồm nhiệt độ cao kỷ lục, lũ quét và hạn hán. Các nhà khoa học cảnh báo những vấn đề thời tiết này đang trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Để tiết kiệm điện, chính quyền Thượng Hải hôm 21/8 thông báo rằng họ sẽ tắt đèn trang trí tại khu vực Bến Thượng Hải, địa danh tham quan nổi tiếng nhất của thành phố. Theo thông báo, đèn trang trí, biển quảng cáo và màn hình ở cả hai bên sông Hoàng Phố sẽ bị tắt trong 2 ngày 22 và 23/8.
Theo số liệu chính thức, đợt nắng nóng đã làm giảm lượng nước ở các đoạn sông Dương Tử, tuyến đường thủy nội địa quan trọng nhất của Trung Quốc, xuống mức hạn hán chưa từng có.
Điều đó đã tạo ra áp lực lớn đối với các nhà máy thủy điện cung cấp điện cho một số khu kinh tế trọng điểm của cả nước.
Tại siêu đô thị phía Tây Nam Trùng Khánh, nơi có 31 triệu dân, các nhà chức trách hôm 22/8 tuyên bố rằng tất cả các trung tâm mua sắm chỉ được hoạt động từ 16h đến 19h hàng ngày để cắt giảm chi phí điện năng cho đến khi "tình hình nhiệt độ và cung cầu thay đổi".
Thành phố tuần trước đã thông báo cắt điện công nghiệp và giảm đèn chiếu sáng tại các điểm tham quan du lịch.
Tại khu vực lân cận Tứ Xuyên, các nhà chức trách hôm 21/8 đã gia hạn quyêt định cắt điện công nghiệp và kích hoạt cấp độ phản ứng khẩn cấp cao nhất để đối phó với đợt nắng nóng. Chính quyền địa phương thông tin: "Kể từ tháng 7 năm nay, tỉnh phải đối mặt với nhiệt độ cao khắc nghiệt nhất, lượng mưa thấp nhất trong cùng kỳ và phụ tải điện cao nhất từ trước tới nay".
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng những khủng hoảng về điện ở Tứ Xuyên có thể gây ra những tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc và các chuỗi cung ứng quốc tế.
Thủy điện được tạo ra ở tỉnh này cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và các nhà máy, cũng như các tỉnh nhà máy công nghiệp Giang Tô và Chiết Giang.
Minh Hạnh (Theo AFP)