Ngày 30/8, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô tổ chức hội thảo cơ chế quản lý vận tải đường bộ dưới góc nhìn của DN vận tải, bến xe. Tại hội thảo, câu chuyện về quản lý bến xe, dẹp xe dù, bến cóc lại một lần nữa nóng lên khi nhiều doanh nghiệp lên tiếng về việc xin cấp hồ sơ luồng tuyến quá khó nên phải đưa xe ra chạy dù.
Việc cho xe khách vào bến quá khó, chưa kể tiêu cực, nên nhiều xe ra chạy dù. Ảnh: Xuân Đoàn. |
Xin vào bến phải "dấm dúi", xe khách ra ngoài chạy dù
Ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hiệp hội bến xe khách Việt Nam cho hay, hiện các bến xe do doanh nghiệp quản lý, khai thác, nhưng việc quyết định xe nào vào bến lại do Sở GTVT các địa phương. Do không có cạnh tranh, nên bến xe làm tốt hay không đều không có ý nghĩa gì. Cùng đó, việc phân luồng, tuyến, lốt xe... rất tù mù, chỉ tạo điều kiện cho tiêu cực, xin cho. Theo ông Dũng, cơ quan nhà nước đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp.
Về tình trạng xe dù, bến cóc, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Theo ông Dũng, tình trạng này đã tồn tại gần 30 năm qua và ngày càng nghiêm trọng. Theo ông Dũng: “Xe dù, bến cóc hàng ngày lù lù đó, chạy khắp nơi, cơ quan chức năng không thể nói không thấy, không biết, chỉ được nói “có dẹp được hay không”. Nếu cán bộ, lãnh đạo nào nói không thấy xe dù, bến cóc ở đâu thì cần phải xem lại năng lực của người đó. Ai cũng thấy mà anh không thấy thì nên cho nghỉ”.
Ông Dũng cũng khẳng định chắc nịch: “Bến cóc, xe dù chắc chắn có bảo kê”.
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, xe chạy dù cũng có phần tới từ quy định. Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải mua xe rồi mới được nộp hồ sơ cấp luồng tuyến, nếu không được cấp luồn tuyến mà xe đã đầu tư, không lẽ lại đem thanh lý lỗ nên phải đưa xe ra chạy dù.
“Việc cho xe khách vào bến quá khó, chưa kể tiêu cực, nên nhiều xe ra chạy dù. Do đó, cần minh bạch hoạt động cấp phép luồng tuyến xe khách, đấu thầu công khai, không phải cứ “dấm dúi” như hiện nay”, ông Dũng gay gắt.
Nhiều chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp vận tải cho rằng, các thành phố lớn hiện nay có tỷ lệ xe dù, bến cóc tương đương với lượng xe vào bến, tình trạng này ngày càng trầm trọng, nhưng khó dẹp vì có “bảo kê”. Đánh giá trên được đưa ra tại Hội thảo về quản lý vận tải do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 30/8.
"Đẩy" bến xe ra khỏi nội đô để lấy đất vàng làm cao ốc?
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu trong hội thảo là chủ trương đẩy các bến xe ra xa trung tâm đô thị. Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện quy hoạch bến xe khách “rất có vấn đề”, khi các thành phố lớn đẩy bến xe ngày càng xa trung tâm, trong khi việc kết nối với nội đô chưa hoàn thiện.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc đẩy các bến xe ra xa trung tâm càng khiến công tác vận tải hành khách bị ảnh hưởng. Ảnh: Xuân Đoàn. |
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, hầu hết các địa phương đều có chung một quan niệm là muốn đẩy các bến xe ra xa trung tâm trong quá trình quy hoạch, xây dựng đô thị. Quan niệm trên không những không giúp cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị mà còn khiến tình hình trật tự, ATGT và công tác vận tải hành khách bị ảnh hưởng. Đặc biệt, với vận tải hành khách theo tuyến cố định.
“Tôi làm bến xe từ năm 1992, các quy hoạch trước nay về bến xe đều bị phá vỡ, các bến xe nội đô di dời sau đó đều thành cao ốc, trung tâm thương mại. Lý do di dời bến xe đều để giảm ùn tắc, nhưng chồng thêm cao ốc với hàng ngàn dân vào đó thì còn tắc hơn cả bến xe”, ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ tịch Hiệp hội bến xe khách Việt Nam nêu ý kiến.
Còn chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, ở các nước phát triển, bến xe luôn được bố trí ở trung tâm thành phố, là điểm kết nối với các phương tiện vận tải công công khác. Việc thiết kế như vậy để tạo thuận lợi cho người dân đi lại, hạn chế sử dụng xe cá nhân, ngăn bến cóc, xe dù chạy xuyên tâm. Do đó, theo ông Thủy, việc đưa bến xe ra xa trung tâm của Việt Nam hiện nay đi ngược xu thế, và chỉ ở Việt Nam mới làm vậy.
"Cần ngăn chặn ý đồ tận dụng các khu đất vàng nằm ngay trong lõi đô thị của các bến xe hiện nay để xây dựng các khu nhà cao tầng. Điều đó dễ phá vỡ trật tự quy hoạch kiến trúc, tăng thêm áp lực ùn tắc và tai nạn tại khu vực trung tâm" - Chuyên gia giao thông đô thị - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Xuân Đoàn