Theo Sohu, mạng xã hội xứ Trung mới đây được dịp bàn tán xôn xao trước đoạn video ghi lại cảnh một bé trai suýt bị bắt cóc ngay trước mặt mẹ.
Cụ thể, bà mẹ dẫn con trai vào cửa hàng quần áo, sau một lúc chọn lựa thì bắt đầu ngồi xuống ghế nói chuyện với bà chủ và bấm điện thoại. Trong khi đó, bé trai ngoan ngoãn chơi xung quanh cửa hàng, không hề quấy khóc hay phá đồ đạc.
Không lâu sau, một người phụ nữ trung niên bước vào cửa hàng và bắt đầu lật xem đồ, hoàn toàn không có biểu hiện đáng nghi. Tuy nhiên, người phụ nữ này chọn một lúc lâu vẫn không tìm được bộ đồ nào ưng ý nên cứ đứng sát cửa ra vào.
Ngay khi bé trai đi ra phía cửa, người phụ nữ nhìn quanh thấy không có ai để ý liền thản nhiên cầm tay đứa trẻ và lôi nhanh ra ngoài. Bé trai nhanh chóng phát hiện điều bất thường nên liều mình vùng vẫy và la hét.
Tiếng hét của cậu bé đã thu hút sự chú ý của bà mẹ và mọi người trong cửa hàng, ai nấy tá hỏa đuổi theo và kịp thời giải cứu được đứa trẻ. Sự việc nguy hiểm diễn ra trong vòng chưa tới 1 phút nhưng đủ để khiến dân tình bàng hoàng và sợ hãi.
Nhiều người không khỏi phẫn nộ và lên án hành vi bắt cóc trẻ em của người phụ nữ trung niên. Một số người lại chỉ trích bà mẹ vì quá lơ là, không quan tâm tới con nên mới xảy ra chuyện đáng sợ như vậy.
Những vụ bắt cóc trẻ em không còn là chuyện hiếm. Để bảo vệ trẻ, cha mẹ cần trông chừng con cẩn thận vì nguy hiểm tiềm ẩn ở khắp mọi nơi, đồng thời lưu ý những điều sau để tránh trường hợp con bị bắt cóc.
Dạy con hét lớn khi cảm thấy không an toàn
Cha mẹ nên sớm dạy trẻ những phương pháp và kỹ năng tự lập để dù không có cha mẹ ở bên, các bé vẫn có thể ứng phó với tình huống và kịp thời tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh.
Cha mẹ nên dạy bé hét thật to khi bị kẻ xấu bắt. Hành động này không chỉ thu hút sự chú ý, tìm kiếm sự cầu cứu mà còn là động lực để thúc đẩy con vùng vẫy mạnh hơn thoát khỏi tay kẻ xấu.
Ngoài “bắt cóc”, cha mẹ nên dạy con hét to cụm từ “cháy nhà”. Nguyên nhân là do những kẻ buôn người ngày càng tinh vi, chúng có thể nói trẻ là con của mình khi bé hô "bắt cóc", người đi đường nghe xong sẽ không để tâm. Tuy nhiên, việc hô “cháy nhà” sẽ khiến kẻ bắt cóc bị phân tâm, nhờ vậy trẻ có thể dễ dàn vùng ra và chạy thoát thân.
Dạy con nói “không”
Nhiều cha mẹ thường muốn sắp đặt mọi thứ và không thích con từ chối nhưng điều này thực sự không tốt cho trẻ. Phụ huynh nên dạy con cách nói “không”, đồng thời cho bé xem sách ảnh về cách tự bảo vệ bản thân bằng những ví dụ minh hoạ thực tế hư không đi với người lạ, không nhận đồ ăn từ người khác hay từ chối khi bị hôn. Thông qua đó, trẻ sẽ học được cách bảo vệ bản thân đúng đắn, không dễ bị người xấu dụ dỗ, lợi dụng.
Không để con vui chơi một mình
Nhiều phụ huynh đưa con đi trung tâm thương mại hay tới các cửa hàng mua đồ nhưng lại không quan sát cẩn thận, để con tự chơi một mình. Việc này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm như trẻ bị tai nạn, té ngã, đi lạc, thậm chí là bắt cóc. Nếu đưa con đi cùng, cha mẹ nên đảm bảo có thể trông chừng được các bé.
Một lưu ý nữa mà cha mẹ cần nhớ khi cho trẻ ra ngoài vui chơi là không để người lạ dễ dàng tiếp cận con, dạy con cách tự bảo vệ mình bằng cách thiết lập ý thức về ranh giới thể chất ngay từ nhỏ.
Cha mẹ cần tỏ rõ thái độ không thích những người tiếp cận và sờ vào người con, chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ được trẻ, đồng thời các bé cũng ý thức được việc không cho phép người lạ tùy ý chạm vào người mình.
Tăng cường giáo dục an toàn cho con
Cha mẹ nên mua các loại sách, tranh về kiến thức an toàn, sau đó cùng con đọc và trả lời các câu hỏi trong tình huống thực. Thông qua đó, trẻ có thể nâng cao nhận thức về an toàn cho bản thân.
Bên cạnh đó, phụ huynh có thể cùng con xem các video phóng sự, clip mô phỏng, mô tả các tình huống thiếu an toàn mà những trẻ khác gặp phải khi không ở cùng cha mẹ. Sau đó, cha mẹ khơi gợi và giải đáp các thắc mắc của con khi xem video, từ đó giúp trẻ hình thành ý thức phòng vệ cho mình trong nếu rơi vào tình huống tương tự.
Con trẻ cũng nên được dạy cách gọi điện thoại và nhớ số điện thoại của người thân, nhất là số của cha mẹ. Nhiều kẻ bắt cóc thường dùng bánh kẹo, đồ chơi để làm quen và tiếp cận các bé nên cha mẹ cũng cần dạy con từ nhỏ rằng chỉ lấy đồ từ người quen hoặc khi được mẹ cho phép.
Tỉnh táo xử lý khi con biến mất
Không ít cha mẹ bị tâm lý sợ hãi khi không may lạc mất con, trở nên bối rối và chỉ biết khóc. Tuy nhiên, thời gian vàng để giải cứu trẻ là trong 24 tiếng đầu tiên nên cha mẹ càn ết sức bình tĩnh và bắt đầu đi tìm con.
Bên cạnh việc nhanh chóng trình báo cảnh sát, cha mẹ hãy tìm kiếm ở những khu vực xung quanh nơi con mất tích, sau đó di chuyển theo các hướng và đến những nơi quen thuộc, nhà ga, bến tàu, bệnh viện…
Trang bị cho con một đồ vật có hệ thống định vị
Thông qua các món đồ có trang bị hệ thống định vị và nút bấm khẩn cấp như như vòng cổ, đồng hồ, vòng tay, cha mẹ có thể dễ dàng theo dõi vị trí của con. Trẻ có thể bấm nút bấm khẩn cấp khi gặp nguy hiểm. Tín hiệu khẩn cấp sẽ thông báo ngay tới cha mẹ và cảnh sát.
Đinh Kim(T/h)