Đoạn video cắt từ camera giám sát trong phòng khách của một ngôi nhà mới đây đã được đăng tải lên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Đoạn video cho thấy một bé trai khoảng 2 – 3 tuổi đang hào hứng chơi đồ chơi một mình ngay trước chiếc TV đang chiếu phim hoạt hình.
Cậu bé cầm trên tay món đồ chơi bằng nhựa cứng, đột nhiên dang hay tay và xoay tròn một vòng. Bé trai đứng quá gần TV, do đó món đồ chơi theo cú xoay đập thẳng vào màn hình với một lực mạnh.
Hậu quả, màn hình chiếc TV xuất hiện một đường sọc đen lớn, cắt ngang hình ảnh đang chiếu. Sau vài giây giật mình và ngỡ ngàng, bé trai vội chạy đi tìm người lớn. Phản ứng của bố mẹ cậu bé không được tiết lộ.
Nguồn video: Vietgiaitri.com
Sau khi được đăng tải chỉ vài phút, đoạn video đang ngay lập tức nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra xót của thay cho bố mẹ cậu bé khi thấy chiếc TV gặp vấn đề chỉ vì sự nghịch ngợm của “siêu quậy nhí”. Một số người tỏ ra đồng cảm, tiện thể than vãn con nhà mình cũng nghịch không kém.
“Thôi coi như bé con giúp bố mẹ sắm TV mới, lạc quan lên các bác”, một dân mạng hài hước viết.
Một người khác đoán: “Bé trai nghịch quá vậy, không chừng bố mẹ cũng thay TV vài lần rồi ấy chứ”.
Trẻ con nghịch ngợm, làm hỏng đồ đạc trong nhà không phải là chuyện hiếm. Nếu gặp phải tình huống như vậy thì bố mẹ cần làm gì?
Trước hết, cha mẹ đừng vội nổi giận và quát mắng con, thay vào đó hãy bình tĩnh hỏi lý do con làm như vậy.
Đối với đứa trẻ muốn thể hiện lòng tốt nhưng làm hỏng việc, cha mẹ nên khen ngợi ý tốt của con, đồng thời chỉ ra cho bé hiểu điều gì nên làm và không nên làm, phân tích cho bé nguyên nhân thất bại, dặn bé nếu không hiểu thì nên hỏi người lớn.
Đối với đứa trẻ phá hỏng đồ vật để buộc người lớn phải làm theo ý mình, cha mẹ cần kịp thời ngăn cản. Cha mẹ nên giải thích cho con biết hậu quả nghiêm trọng của việc phá hỏng đồ đạc, sau đó nghiêm khắc phê bình và có hình phạt phù hợp, nhẹ nhàng, không đánh mắng nhưng vẫn đủ để trẻ hiểu.
Đối với đứa trẻ bỗng nhiên nổi hứng làm hỏng đồ, cha mẹ nên tìm cách xử lý thật khéo léo. Trong khi đó, một đứa trẻ vốn rất ngoan lại đột nhiên phá phách, cha mẹ nên từ từ tìm hiểu nguyên nhân, sau đó trò chuyện với trẻ, khuyên bé nên nói với cha mẹ những điều bé muốn, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà chỉ ra cách mà trẻ nên làm.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên dành nhiều thời gian để chơi với trẻ, khuyến khích con khám phá đúng cách, tìm cách sáng tạo để xây dựng thay vì phá hỏng.
Những món đồ có thể gây nguy hiểm hoặc đắt tiền nên được để xa tầm với của trẻ, nhờ vậy vừa bảo đảm an toàn cho bé vừa tránh thiệt hại về kinh tế.
Đinh Kim(T/h)