Con rắn hổ mang bành đuổi theo mồi là một con cóc từ sân vào trong nhà, rồi cắn vào mắt bé trai 4 tuổi.
Sau 5 ngày được cấp cứu và điều trị tại Trung tâm chống độc Bạch Mai, bé Bàn Quỳnh Giang (người dân tộc Dao, 4 tuổi ở Kim Lương, Mộc Châu, Sơn La) đã qua nguy kịch, nhưng việc cứu chữa đôi mắt còn rất khó khăn.
Anh Bàn Văn Chiến (32 tuổi, ở Kim Lương, Mộc Châu, Sơn La) - bố cháu Giang kể lại: “Nhà tôi sống ở bìa rừng, xung quanh toàn cây cối rậm rạp, um tùm. Đây không phải là lần đầu tiên rắn chui vào nhà quậy phá. Nhưng trưa hôm 30/7, một con rắn hổ mang bành đuổi theo mồi từ sân vào nhà, do vướng vào chăn của cháu Giang nên đã cắn vào mắt cháu”.
Nghe con khóc thét lên vì đau đớn, máu chảy ra từ mí mắt, anh Chiến vội vàng ôm con xuống BV nông trường Mộc Châu, cách nhà hàng chục cây số. Tại đây, bé đã được sơ cứu và chuyển xuống Trung tâm chống độc Bạch Mai.
Đã qua nguy kịch, nhưng việc cứu chữa đôi mắt cho cháu bé người Dao này còn rất khó khăn. |
Khi BV tiếp nhận, bé Giang trong tình trạng đã có vùng hoại tử ở mi mắt trái, sưng nề toàn mặt, khó thở, người tím tái, các bác sĩ xác định, đây là một ca bệnh khó và rất nguy hiểm vì vị trí bị rắn “tấn công” là mí mắt.
Vị trí nằm trên đầu ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, dễ gây liệt, suy hô hấp, ngưng thở, xuất huyết, rối loạn chuyển máu… Nguy hiểm hơn, vết cắn của rắn hổ mang bành gây hoại tử mất phần cơ thể, mi mắt trên, ảnh hưởng tới thị lực.
Các bác sĩ đã đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, điều trị kháng sinh chống bội nhiễm, truyền dịch và tiêm phòng uốn ván. Sau 2 ngày điều trị, cháu bé đã qua cơn nguy kịch và có thể tự thở, không sốt, tỉnh táo, tay chân cử động được… BS Nguyễn Kim Sơn – Phụ trách Trung tâm chống độc đã mời các chuyên gia đầu ngành ở BV Mắt T.Ư, BV Nhi T.Ư hội chẩn liên viện cứu đôi mắt cho cháu bé. Do bệnh nhân chưa mở được mắt nên chưa thể đánh giá được hết ảnh hưởng của nọc độc tới mắt.
Gia đình cháu bé là người dân tộc Dao, cả bố mẹ đều nói tiếng Kinh còn chưa sõi, nên việc giao tiếp khó khăn. Gia đình thuần nông, nhưng lại không có ruộng cấy lúa, mà chỉ trông vào mấy sào ngô. Hầu như năm nào, gia đình cũng phải nhận gạo cứu đói. Khi con bị rắn cắn phải nhập viện, gia đình đã phải vay mượn hơn 10 triệu đồng của người thân trong gia đình, hàng xóm làng giềng…
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ tư vấn phải điều trị lâu dài để cứu lấy đôi mắt cho con; cần cấy ghép, tạo hình mí mắt bị hoại tử khiến vợ chồng anh Bàn rất lo lắng.
Theo các bác sĩ ở Trung tâm chống độc BV Bạch Mai, đây là mùa rắn sinh sản và đi kiếm mồi, nên bệnh nhân bị rắn cắn thường tăng. Mỗi năm Trung tâm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 ca, tập trung chủ yếu vào thời gian này. Đây là ca bệnh được coi là bất thường và hy hữu.