+Aa-
    Zalo

    Bé gái rơi từ tầng 12 may mắn thoát chết: Nhiều lan can chung cư là cái "bẫy" nguy hiểm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ việc cháu bé rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng là trường hợp hiếm hoi sống sót trong vô số vụ việc tương tự đã xảy ra.

    Sau khi ĐS&PL số 35 (ra ngày 2/3/2021) đăng tải vụ việc liên quan đến bé gái rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội) đã may mắn thoát chết do anh Nguyễn Ngọc Mạnh kịp thời đỡ được, đường dây nóng của Tạp chí đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc lo ngại về những lỗ hổng chết người vẫn luôn chực chờ từ những khu chung cư thiếu an toàn. Vấn đề được dư luận quan tâm là ở Việt Nam đã có những quy định nào về lan can, lô gia và ban công để hạn chế những tai nạn tương tự?

    Chiều cao lan can tiêu chuẩn bao nhiêu là an toàn?

    Vụ việc cháu bé rơi từ tầng 12 chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng là trường hợp hiếm hoi sống sót trong vô số vụ việc tương tự đã xảy ra. Trước đó không lâu, ngày 31/8/2020, sau tiếng động lớn tại chung cư 24T1 Hoàng Đạo Thúy, người dân phát hiện một bé gái nằm bất động, tử vong thương tâm. Qua xác định, bé gái 6 tuổi rơi từ tầng 12 của chung cư xuống đất.

    Cũng trong năm 2020, ngày 13/1, một bé gái 4 tuổi đã rơi từ tầng 25 chung cư tại Hà Nội xuống dưới và tử vong. Thực trạng nhiều trẻ em tử vong do ngã từ các chung cư cao tầng đang gióng lên hồi chuông về sự bất cẩn của người lớn và độ an toàn của lan can, ban công, lô gia, cửa sổ tại các chung cư.

    Nhiều ý kiến cho rằng, việc xảy ra những vụ tai nạn thương tâm từ các chung cư, nhà cao tầng là do các thiết kế của chủ đầu tư bị lỗi. Hiện nay các chỉ số an toàn tại các chung cư đều được thiết kế theo quy chuẩn, lan can đều cao đến ngang ngực người lớn. Nhưng việc xây lan can từ gạch ở dưới, trên có tay vịn bằng inox hoặc thép, trẻ nhỏ sẽ bắc ghế trèo lên, có những chung cư thiết kế lan can khe hở quá to khiến trẻ em vẫn chui lọt. Các chung cư cao tầng, cửa sổ không làm chấn song để tạo thuận lợi cho công tác cứu hỏa... nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho trẻ nhỏ.

    Nhiều gia đình ở chung cư lắp lưới an toàn ở ban công, lô gia để hạn chế nguy hiểm cho trẻ nhỏ.

    Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện quy chuẩn xây dựng đã quy định rất rõ các thông số kỹ thuật khi làm ban công, lan can. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư đã cố tình không thực hiện theo.

    Năm 2008, bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam- Nhà ở và công trình công cộng- an toàn sinh mạng và sức khoẻ (QCXDVN 05 : 2008/BXD). Theo quy chuẩn này, đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm, không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can. Đối với nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng thì tại lô- gia và sân thượng ở những vị trí cao từ 9 tầng trở lên thì chiều cao tối thiểu là 1,4m Lan can ở cầu thang và các vị trí khác là từ 0,9m đến 1,1m.

    Ngoài ra, quy chuẩn còn quy định lan can phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang quy định trong quy chuẩn liên quan. Không làm lan can có mặt trên rộng để tránh người ngồi hoặc nằm. Nếu sử dụng kính ở các lan can, còn cần tuân thủ: Không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75 mm; lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã.

    Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua (không nên bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua lan can) và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Ngoài ra, khi nhà có trẻ em dưới 5 tuổi phải bỏ hết các vật dụng không cần thiết, cần sử dụng lưới thép để rào chắn lan can, cửa sổ.

    Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, bộ Xây dựng đã ban hành TCXDVN 323: 2004 "Nhà ở cao tầng - tiêu chuẩn thiết kế". Theo quy định, từ tầng 6 trở lên không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân và có chiều cao không nhỏ hơn 1,2m. Những quy định liên quan đến thiết kế xây dựng ban công hay lô gia đều được quy định khá chặt chẽ, chi tiết. Tuy nhiên, thực tế không ít chủ đầu tư phớt lờ quy định. Nhà cao từ 9 tầng trở lên, để tiết kiệm diện tích dành xây dựng phòng khách hay nhà bếp, thay vì thiết kế lô gia, nhiều chủ đầu tư chọn phương án xây dựng ban công đưa ra ngoài.

    Vì vậy, những công trình không đúng quy chuẩn và tiêu chuẩn trong xây dựng là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị xây dựng và phải có chế tài xử phạt thật nặng nếu sai quy định. Theo các chuyên gia xây dựng thì khi ban công không đúng quy chuẩn thì những người sống trong chính chung cư có nguy cơ chịu hậu họa khi tai nạn xảy ra.

    Cần dạy trẻ tránh "khu vực nguy hiểm trong nhà"

    Bàn về xây dựng biện pháp an toàn cho trẻ nhỏ sống tại các khu chung cư, nhà cao tầng, nhiều kiến trúc sư cho rằng, ngoài sự quan tâm, trông giữ con trẻ của người lớn, vấn đề an toàn trong xây dựng công trình, nhà ở cần phải được đặt lên hàng đầu.

    Theo ông Châu, với những căn nhà cao tầng, đặc biệt là có con nhỏ, cha mẹ nhất thiết phải lựa chọn một căn hộ chung cư có thiết kế ban công phù hợp, an toàn. Nếu không đảm bảo, các bậc phụ huynh nên lắp lưới an toàn cho các lan can, ban công, cửa căn hộ. Trong trường hợp khẩn cấp, người bên trong căn hộ muốn thoát hiểm có thể dùng kìm cắt lưới dễ dàng. Nếu ở tầng cao, không được để bàn, ghế,   tủ... hay những vật dụng mà trẻ có thể trẻ leo lên.

    Thực tế có một số gia đình thường xuyên bế trẻ ra ban công ăn uống, đứng chơi. Điều này dễ tạo ra cho trẻ thói quen xấu, không ý thức được sự nguy hiểm khi ở vị trí cao. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ hiếu động, thường khám phá ra những khu vực mới mẻ nhưng lại đầy nguy hiểm để chơi trốn tìm, thả diều... như sân thượng tại các khu tập thể cũ, nhà cao tầng. Khu vực này thường không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp nên nếu không để ý rất dễ xảy ra tai nạn.

    KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ hội Kiến trúc sư Hà Nội khuyến cáo, bên cạnh các giải pháp mang tính kỹ thuật như những quy chuẩn về xây dựng thì bố mẹ hay người giám sát, chăm sóc phải luôn theo dõi gần gũi trẻ để đảm bảo an toàn khi trẻ em sống trong các tòa nhà cao tầng, đặc biệt là không nên để trẻ nhỏ ở nhà một mình. Cha mẹ cần dạy trẻ kỹ năng sống tại các khu nhà cao tầng. Cha mẹ cần chia sẻ với trẻ về các khu vực không đảm bảo an toàn trong nhà như: Cửa sổ là cửa kính cường lực, không có song chắn, lan can ở ban công,... Bởi trẻ rất hiếu động, nếu bất cẩn, trượt chân có thể dẫn đến tai nạn. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, phụ huynh cần hướng dẫn cho bé biết các khu vực nguy hiểm trong nhà và hạn chế đến khu vực đó chơi.

    "Với trẻ từ 0 – 6 tuổi, do chưa thể dạy chúng kỹ năng thoát hiểm nên phụ huynh phải thường xuyên để mắt đến trẻ nhỏ; tuyệt đối không để trẻ ở nhà một mình vì điều này dễ khiến trẻ hoảng sợ, lo lắng và hay tìm cách thoát ra ngoài tìm người thân...", KTS Trần Huy Ánh lưu ý.

    Theo các chuyên gia, lan can ban công căn hộ chung cư cần thiết kế tối thiểu phải cao 1,3m. Đặc biệt, không làm song ngang, bởi lan can ban công làm song ngang sẽ vô tình giúp trẻ con dễ leo trèo, chơi đùa sẽ gặp nguy hiểm. Đồng thời, cần làm lưới an toàn cho khu vực lan can ban công để hạn chế nguy cơ tai nạn.   

    Năm 2020, cục Trẻ em bộ LĐTB&XH đề nghị sở Xây dựng Hà Nội và các địa phương rà soát các quy định, thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em; chủ động phòng, chống tai nạn thương tích tại các công trình xây dựng, chung cư, nhà cao tầng.

    Ngân Giang

    Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (36)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/be-gai-roi-tu-tang-12-may-man-thoat-chet-nhieu-lan-can-chung-cu-la-cai-bay-nguy-hiem-a358254.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan