Hiểu Hiểu là một cô bé 8 tuổi đến từ Quảng Đông, Trung Quốc. Vào năm 2019, Hiểu Hiểu bị sâu răng nhưng bố mẹ cô bé không mấy để tâm. Tình trạng sâu răng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, liên tục gây đau nhức, thậm chí xuất hiện mủ.
Bà nội Hiểu Hiểu thấy vậy đã sử dụng các phương pháp dân gian để chữa đau răng cho cháu. Tuy nhiên, tình trạng chảy mủ không hết, trái lại cô bé còn bị sốt cao, đau đầu và nôn. Mãi đến lúc này, bố mẹ Hiểu Hiểu mới vội vàng đưa con gái đến bệnh viện ở địa phương để thăm khám.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện trong não cô bé bị áp xe, kích cỡ khoảng quả bóng tennis. Hiểu Hiểu sau đó đã được đưa đến Bệnh viện nhân dân tỉnh Quảng Đông để điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật mở sọ, hút mủ và loại bỏ áp xe cho Hiểu Hiểu. Cô bé may mắn thoát khỏi cơn nguy kịch.
Theo bác sĩ Ngô Thái Hoa, Trưởng khoa Não của Bệnh viện nhân dân tỉnh Quảng Đông, hệ thống tuần hoàn máu của nha chu và mặt liên thông với não rất dồi dào. Nếu một người bị viêm tủy răng hoặc áp xe nha chu, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào não thông qua các kênh này, dẫn đến áp xe não, viêm não hoặc viêm não thất.
Nhân trường hợp của Hiểu Hiểu, bác sĩ khuyến cáo các cha mẹ không nên chủ quan và xem nhẹ sâu răng. Đây là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng nếu không được điều trị kịp thời thì có thể gây tổn thương tủy răng, mầm răng vĩnh viễn… Quá trình điều trị sau đó sẽ tốn kém hơn và có hậu quả khó lường. Do vậy, khi phát hiện răng của con có dấu hiệu sâu, cha mẹ nên đưa các bé đi khám sớm.
Nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng:
- Vi khuẩn
Vi khuẩn trong miệng tập trung ở các mảng bám răng hay cao răng. Các mảnh vụn thức ăn không được vệ sinh sạch sau 24 tiếng sẽ liên kết với các vi khuẩn tạo thành mảng bám răng. Các mảng bám răng không được vệ sinh sau 14 ngày sẽ tạo thành cao răng.
- Cấu trúc răng
Chất lượng của men răng và ngà răng phụ thuốc vào hàm lượng các chất vô cơ, hữu cơ, nhất là canxi. Chất lượng men răng và ngà răng tốt sẽ hạn chế nguy cơ sâu răng.
- Môi trường
Nghiên cứu đã chỉ ra thức ăn chứa nhiều đường sẽ ảnh hưởng đến sâu răng. Một số thực phẩm giàu tinh bột có thể gây bệnh này nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ, để các mảnh vụ bám trên răng sau khi ăn xong. Nước bọt có khả năng rửa trôi vi khuẩn gây bệnh sâu răng, nếu như bạn bị khô miệng thì dễ bị sâu răng hơn.
Các cách để phòng ngừa sâu răng cho trẻ:
- Chú ý vệ sinh răng miệng, cho trẻ đánh răng 2 lần/ ngày vào buổi sáng và buổi tối, đưa trẻ đi khám răng định kỳ 6 tháng/ lần
- Chọn bàn chải phù hợp với lứa tuổi, sau khoảng 1 – 3 tháng thì nên thay bàn chải mới một lần. Bên cạnh đó, cần chú ý đến chất lượng kem đánh răng, phương pháp và kỹ thuật chải răng đúng.
- Hạn chế các loại thức ăn giàu tinh bột và đường. Hướng dẫn trẻ súc miệng, vệ sinh sạch sẽ sau khi ăn món ngọt, giàu tinh bột.
- Hướng dẫn trẻ làm sạch răng bằng chỉ tơ nha khoa, không dùng tăm xỉa răng vì dễ làm xước nướu và làm rộng kẽ răng dễ giắt thức ăn vào gây ra sâu răng.
Đinh Kim(T/h)