Số phận của những sinh viên tại các trường đại học danh giá có liên quan tới bê bối gian lận gây chấn động tại Mỹ vẫn chưa được quyết định, trước khi quá trình điều tra hoàn tất.
Cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ là William Rick Singer, sáng lập viên công ty dự bị đại học Edge College & Career Network. Ảnh: Reuters. |
Theo luật sư Andrew Lelling tại phòng công tố bang Massachusetts, số phận của những sinh viên tại các trường đại học danh giá có liên quan tới vụ việc vẫn chưa được quyết định. Thậm chí có những sinh viên còn không biết về hành vi phạm tội của bố mẹ mình.
“Đối tượng phạm pháp chính trong vụ lừa đảo lần này là bậc phụ huynh và các bị cáo khác”, công tố viên Lelling cho biết, song ông cũng nhấn mạnh có thể một vài sinh viên sẽ đối mặt với những cáo buộc.
Tuy nhiên, kênh truyền hình CNN dẫn tuyên bố của người phát ngôn trường Đại học Nam California, ông Gary Polakovic ngày 14/3 đưa tin: Tất cả học sinh đang nộp đơn vào trường có liên quan tới đường dây chạy tiền sẽ bị từ chối tiếp nhận.
Bên cạnh đó, đối với những sinh viên đã vào học và có thể liên quan tới bê bối trên cũng sẽ bị xem xét lại tùy từng trường hợp.
Đại học Nam California sẽ “có quyết định hợp lý cân nhắc đến tất cả các thông tin và yêu cầu tất yếu một khi điều tra hoàn tất”.
Quan trọng hơn, những trường đại học này có trách nhiệm phải trả lời câu hỏi liệu rằng đã có những học sinh đủ điều kiện nhập học bị những trường hợp “chạy chọt” của các gia đình giàu có nổi tiếng tước đi cơ hội hay không.
“Đối với tất cả sinh viên được nhận vào trường học thông qua đường dây lừa đảo này, ắt hẳn có những học sinh tài năng trung thực khác bị từ chối”, ông Lelling giải thích.
Nữ diễn viên đóng chính trong phim Những bà nội trợ kiểu Mỹ Felicity Huffman (phải) và diễn viên Lori Loughlin là hai cái tên trong danh sách những người liên quan đến bê bối gian lận chạy cho con vào các trường Đại học danh giá Mỹ. Ảnh: Getty |
Trong khi đó, giới chức tại các trường đại học danh tiếng khác bao gồm Yale, Stanford và Georgetown hiện phải kiểm tra lại các cáo buộc phạm tội đối với một số thành phần then chốt trong ban quản lý trường, một vài người trong số họ đã rời khỏi trường.
Các công tố viên Mỹ cho biết đường dây chạy vào trường đại học danh giá của Mỹ bị phanh phui hôm 12/3 là phi vụ gian lận trong ngành giáo dục lớn nhất họ từng truy tố từ trước tới nay. 50 người trên 6 bang bị buộc tội với hàng triệu USD tiền bất hợp pháp được đổ vào những trường đại học tốt nhất, theo CNN.
Những người bị bắt bao gồm hai quản trị viên SAT/ACT, một giám thị, 9 huấn luyện viên tại các trường đại học hàng đầu, một nhà quản lý đại học cùng 33 phụ huynh.
Về cơ bản, theo các chuyên gia, đường dây này hoạt động dựa trên ba con đường khá đơn giản: Gian lận điểm trong các kỳ thi tiêu chuẩn; Hối lộ những người chịu trách nhiệm quyết định sinh viên nào được chọn và che đậy tiền hối lộ dưới mác từ thiện. Cầm đầu đường dây gian lận tuyển sinh lớn nhất nước Mỹ là William Rick Singer, sáng lập viên công ty dự bị đại học Edge College & Career Network.
Những sinh viên đạt điểm số cao trong các kỳ thi chuẩn hóa, chẳng hạn như ACT hay SAT, sẽ có nhiều cơ hội được nhận vào các trường đại học danh giá hơn. Nắm rõ được điều này, Singer tìm mọi cách để giúp con em của khách hàng gian lận nhằm đạt điểm cao nhất.
Theo cáo trạng, Singer sắp xếp để một bên thứ ba, thường là Mark Riddell, bí mật làm bài thi hộ các sinh viên hoặc tráo câu trả lời bằng kết quả do Riddell làm. Nhằm giúp Riddell làm bài thi hộ mà không bị phát hiện, Singer hối lộ các giám thị, công tố viên cho hay.
Những phụ huynh thuê Singer giúp con họ gian lận được cho là đã trả từ 15.000 USD tới 75.000 USD cho mỗi bài thi.
William Rick Singer tại tòa án. Ảnh: BBC |
Theo các công tố viên, đường dây gian lận này đã hoạt động từ năm 2011 và nhiều con nhà giàu đã đi đường tắt này để được vào học tại Trường ĐH Texas, ĐH Georgetown, ĐH Wake Forest và ĐH California ở Los Angeles (UCLA).
Giáo sư Trường Luật Yale, ông Daniel Markovits cho hay, nhân tài ngày nay gặp nhiều rào cản về cơ hội bình đẳng, để có thể chuẩn bị cho việc học từ trước và sau đại học ngốn từ 5-10 triệu USD. Ông Markovits cho hay sinh viên tại các trường đại học danh giá đa số xuất thân từ gia đình giàu có.
Bê bối này tác động khá lớn tới tâm lý của các giáo viên và học sinh, những người đang ngày ngày giảng dạy và học tập nghiêm túc.
Cô Alicia Semon, Giáo viên trường trung học John Marshall, Mỹ cho biết: "Khi tôi nói chuyện với học sinh, các em thật sự rất buồn. Bản thân tôi cũng thế, vì các học sinh của tôi đã học tập rất chăm chỉ, thế nhưng những chuyện gian dối trong giáo dục vẫn xảy ra. Tôi đã nói với học sinh của tôi rằng, tôi lớn lên trong gia đình nghèo khó nhưng tôi đã vào đại học bằng chính nỗ lực của mình và các em cũng sẽ làm được như thế, đừng để bị ảnh hưởng tâm lý. Mặc dù vậy, chính tôi cũng hiểu rằng, không phải lúc nào mọi chuyện cũng diễn ra đúng như thế".
Connor Finn, một học sinh đang đợi phản hồi từ các trường đại học mà mình nộp đơn cũng cảm thấy khá bức xúc: "Em đã phải học rất nỗ lực để dành được điểm A cho các môn, thế mà có những người bỏ ra hàng nghìn USD để có được kết quả mà người khác phải rất nỗ lực mới có mà chẳng phải cố gắng".
Hiện có khoảng 200 trường đại học của Mỹ bị ảnh hưởng danh tiếng sau bê bối tuyển sinh này.
NGUYỄN QUỲNH(T/h)