Đại Vĩ và Tiểu Quyên mong ngóng có con trong nhiều năm và họ đã hạ sinh một cậu con trai kháu khỉnh khi gần 40 tuổi.
Đại Vĩ đặt tên đứa trẻ là Tráng Tráng, mong đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh. Tuy nhiên, thể chất của đứa trẻ không được mạnh mẽ như tên gọi, lại luôn dễ ốm đau và dễ nhiễm mọi bệnh cúm nặng-nhẹ.
Lúc đầu, cả Đại Vĩ và Tiểu Quyên đều rất lo lắng, ngay cả khi con chỉ bị ho 1-2 tiếng họ cũng đưa đứa trẻ đến viện. Mỗi lần như vậy, kết quả khám đều không có gì nghiêm trọng và bác sĩ chỉ kê thuốc tự uống ở nhà.
Vợ chồng Tiểu Quyên sống ở một thị trấn nhỏ ngoại ô, để đến bệnh viện lớn cũng khá phiền phức. Do đó, sau này họ không thường xuyên đến bệnh viện, đứa trẻ bị đau hay sốt, họ đều tự mua thuốc cho con uống tại nhà. Nếu tình hình không ổn thì cũng chỉ đến phòng khám nhỏ trong thị trấn.
Thời gian trôi qua, Tráng Tráng cũng đã 4 tuổi. Trong mắt nhiều người, đứa trẻ trông khá khỏe mạnh, thậm chí suốt 1 năm không phải đến viện lần nào. Đại Vĩ và Tiểu Quyên cũng rất vui mừng khi trông thấy con khôn lớn.
Đến một ngày, Tráng Tráng đột nhiên đau bụng kèm theo sốt nhẹ, Tiểu Quyên đã đến hiệu thuốc mua một số loại thuốc cho con như thường lệ. Tuy nhiên sau khi uống thuốc, các triệu chứng của đứa trẻ không thuyên giảm chút nào nên vợ chồng Tiểu Quyên nhanh chóng đưa con đến phòng khám nhỏ trong thị trấn.
Sau khi khám bệnh, bác sĩ trách mắng Đại Vĩ và Tiểu Quyên quá thiếu hiểu biết, tại sao họ có thể tự cho con uống thuốc và đến bệnh viện khi mọi thứ đã quá tệ.
Bác sĩ nhận thấy tình trạng của Tráng Tráng rất tệ, nhiễm trùng nghiêm trọng, không phải là nhiễm vi khuẩn thông thường mà là nhiễm siêu vi khuẩn Klebsiella pneumoniae thuộc họ Enterobacteriaceae kháng Carbapenem.
Trong danh mục thuốc kháng sinh hiện nay, nhóm Carbapenem được xếp vào các thuốc kháng sinh dự phòng, chỉ được sử dụng khi nhiễm khuẩn rất nặng hoặc khi các kháng sinh khác bị vô hiệu hóa. Các thuốc kháng sinh nhóm Carbapenem đều khá đắt tiền và được coi là vũ khí cuối cùng khi không còn sự lựa chọn nào khác để chống lại vi khuẩn.
Về trường hợp của Tráng Tráng, do thường tùy tiện uống kháng sinh nên cơ thể phát sinh kháng kháng sinh, dẫn đến việc hiệu quả điều trị rất tệ. Chỉ chưa đầy ba tuần sau khi nhập viên, Tráng Tráng đã vĩnh viễn rời xa cõi đời vì viêm ruột và suy đa tạng.
Sai lầm phổ biến khi dùng thuốc kháng sinh
Nhiều người cho rằng thuốc kháng sinh là thuốc chống viêm nhưng đây thực sự là một quan niệm sai lầm.
Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng khi trẻ bị bội nhiễm vi khuẩn. Khi trẻ mắc các bệnh thông thường như cảm lạnh, cảm cúm, ho... đều là nhiễm virus thì việc sử dụng kháng sinh không có tác dụng.
Nếu bệnh nhân sử dụng kháng sinh trong khi nguyên nhân thực sự là do virus. Hệ vi khuẩn có lợi trong cơ thể sẽ bị tấn công và yếu dần đi, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển và gây ra các bệnh lý nhiễm trùng khác.
Ngoài ra, việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ dẫn tới nguy cơ sinh ra một loại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh quái ác. Dù có dùng nhiều loại kháng sinh cũng không thể tiêu diệt được siêu vi khuẩn này. Nhiễm siêu vi khuẩn kháng kháng sinh gần như vô phương cứu chữa.
Những lưu ý khi sử dụng thuốc kháng sinh
Khi bị bệnh, không tự ý mua, sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, nhất là những trường hợp như ho, cảm lạnh hoặc cảm cúm do virus.
Tốt nhất nên đi khám để được xác định vi khuẩn gây bệnh nếu có và được lựa chọn thuốc kháng sinh phù hợp giúp điều trị hiệu quả và tránh nguy cơ kháng kháng sinh.
Khi sử dụng thuốc kháng sinh, người sử dụng cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, uống đủ liều, đủ thời gian và đúng cách. Không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều dùng khi thấy bệnh thuyên giảm.
Thường xuyên theo dõi hiệu quả, các tác dụng không mong muốn, báo lại cho bác sĩ để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Hoa Vũ (Theo Sina)