Một cháu học sinh 3 tuổi tại trường Mầm non Bé Ngoan (khu phố 2, P.Bắc Sơn, Tx. Bỉm Sơn, Thanh Hóa) nhập viện sau khi bị chó nuôi tại trường cắn.
Ông Phạm Xuân Duy, Trưởng Phòng Giáo dục thị xã Bỉm Sơn sáng nay cho biết, đang yêu cầu nhà trường báo cáo cụ thể vụ việc để xử lý những sai phạm nuôi chó đẻ trong trường Mầm non, dẫn đến học sinh bị cắn nhập viện.
Theo bà Vũ Thị Mai Anh, Hiệu trưởng Trường Mần non Bé Ngoan cho biết, vào sáng 28/4 vừa qua, khi cháu L.T.T. (SN 2015) là học sinh của trường, trong giờ ra chơi đã lại gần chuồng chó đẻ, bất ngờ con chó lao lên cắn vào trán gần vị trí mắt của cháu T.
Trường Mầm non Bé Ngoan. |
Bà Mai Anh cho biết, con chó này được bảo vệ nhà trường mua về nuôi cách đây hơn 1 tháng, cũng không rõ con chó này đã được tiêm phòng hay chưa.
"Bình thường con chó được nhốt trong lồng, nhưng hôm đó chó được mang ra ngoài, xích lại, xung quanh có rào quây. Thời điểm xảy ra sự việc các cô giáo đang đứng cạnh đó nhưng không kịp phản ứng. Vết thương khá sâu, nên cháu T. được chuyển lên BV Nhi Thanh Hóa điều trị", bà Anh cho hay.
Ông Phạm Xuân Duy - Trưởng Phòng Giáo dục Tx. Bỉm Sơn cho biết, mãi đến sáng ngày 10/5, Phòng Giáo dục mới biết được thông tin và cử ngay chuyên viên về tại trường nắm tình hình. Đồng thời yêu cầu trường Mầm non Bé Ngoan báo cáo sự việc để xử lý.
Cách xử trí khi bị động vật cắn - Rửa thật kỹ vết cắn bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại. - Băng ép cầm máu nếu có tổn thương chảy máu nhiều, nhưng không nên băng quá kín nếu không chảy máu. - Đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Nếu trường hợp vết cắn nhẹ, xảy ra ở chân, xa thần kinh trung ương và tại thời điểm bị chó cắn, con vật vẫn bình thường thì không cần tiêm văcxin mà chỉ cần theo dõi chó trong vòng 10-15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy chó bỏ ăn, chết, mất tích hoặc bị bán mổ thịt thì phải tiêm văcxin dại ngay. Nếu theo dõi sau 15 ngày, chó vẫn sống bình thường thì không cần tiêm văcxin. Đối với các trường hợp bị cắn nghi ngờ chó dại hoặc chó đang lên cơn dại; bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi nơi có nhiều dây thần kinh, bộ phận sinh dục... dù vết cắn rất nhẹ; hoặc có nhiều vết cắn ở chỗ nguy hiểm, vết cắn sâu thì phải tiêm đồng thời cả văcxin phòng dại và huyết thanh kháng dại. Tiêm ngừa dại trong những trường hợp bị vết cắn nhẹ, xa thần kinh trung ương nhưng không theo dõi được con chó hoặc con chó đang bị ốm. Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm văcxin. Khi tiêm văcxin dại phải tiêm đủ liều theo quy định của loại văcxin, sử dụng đúng liều lượng, kỹ thuật và tiêm đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn. Có thể đến Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng, Trung tâm y tế dự phòng, Đội vệ sinh phòng dịch các quận huyện để chích ngừa dại. |
Mỹ An (T/h)