+Aa-
    Zalo

    BCH Trung ương Đảng thảo luận tình hình kinh tế-xã hội

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hôm nay (6/10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016.

    Hôm nay (6/10), Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại Hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và nhiệm vụ năm 2016.

    Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì, điều hành phiên họp.

    Năm 2015 là năm cuối Kế hoạch 5 năm (2011-2015) và năm 2016 là năm mở đầu Kế hoạch 5 năm (2016-2020). Việc đánh giá đúng thực trạng kinh tế-xã hội đất nước từ đầu năm đến nay, dự báo cả năm 2015 sẽ là tiền đề quan trọng để tiếp tục cập nhật, đánh giá chuẩn xác và tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, toàn dân về kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội do Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết Trung ương đề ra.

    Đồng thời, làm cơ sở cho việc xây dựng và triển khai thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, tạo đà và bảo đảm cho việc hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010-2020.

    Ông Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ.

    Trên tinh thần này, trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương dành thời gian nghiên cứu, thảo luận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình kinh tế-xã hội nước ta từ đầu năm đến nay và dự báo cả năm 2015; chỉ rõ những kết quả, thành tích đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm.

    Trung ương cần tập trung đánh giá, thống nhất nhận định về độ vững chắc của ổn định kinh tế vĩ mô, chất lượng tăng trưởng, tính bền vững trong phát triển kinh tế-xã hội; tình hình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là cho hoạt động của các doanh nghiệp trong nước và khu vực nông nghiệp; kết quả triển khai thực hiện các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tình hình phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình, thuận lợi để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh Trung ương chú ý phân tích, đánh giá tác động của những diễn biến bất thường trên thế giới và trong khu vực đối với nền kinh tế-xã hội của nước ta, đặc biệt là tác động của tình hình kinh tế thế giới chậm phục hồi, kinh tế nhiều nước lớn gặp khó khăn và sự sụt giảm mạnh giá dầu thô thế giới cũng như việc giảm giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc và đồng tiền nhiều nước khác.

    Bên cạnh đó, Trung ương sẽ phân tích, dự báo tình hình những tháng cuối năm 2015 và năm 2016, đặc biệt là xu hướng biến động của thị trường thế giới và thực tế đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực.

    Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát, một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu và những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng cần tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến tích cực về chất, có tính đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và các năm tiếp theo.

    Tại Hội nghị lần này, Trung ương cũng sẽ cho ý kiến về những đề xuất, kiến nghị của Ban cán sự Đảng Chính phủ về các cân đối lớn của nền kinh tế; đổi mới việc phân bổ vốn đầu tư theo kế hoạch trung hạn phù hợp với Luật Đầu tư công mới được ban hành; về thu-chi, bội chi ngân sách Nhà nước; về định mức và thời hạn phát hành trái phiếu Chính phủ…

    Theo báo Điện tử Chính Phủ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bch-trung-uong-dang-thao-luan-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-a113797.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.