(ĐSPL) - Quả tim lửa từng được vua Minh Mạng ban là linh hồn của ngôi cổ tự Tam Thai. Qua thời gian, nó trở thành báu vật vô giá. Chính điều này khiến vị trụ trì ngôi cổ tự vô cùng lo lắng, bởi, kẻ trộm từng không ít lần “viếng thăm”, khoắng đi nhiều cổ vật. Thâm tâm vị hoà thượng trụ trì luôn lo sợ, một ngày nào đó khi thức giấc, sẽ không còn nhìn thấy báu vật này nữa.
Tích xưa dấu cũ
Du khách khi đến danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng đều ghé thăm ngôi chùa Tam Thai. Ít ai biết rằng, ở ngôi cổ tự trông có vẻ trầm mặc, yên tĩnh, đơn giản này lại đang sở hữu một cổ vật quý mang nhiều giá trị về cả mặt vật chất lẫn văn hóa tâm linh.
Khi thấy PV báo ĐS&PL đến vãn cảnh chùa, Hòa thượng Thích Huệ Mãn, trụ trì chùa Tam Thai niềm nở tiếp đón với nụ cười hồn hậu. Thế nhưng khi nghe PV đề cập đến quả tim lửa, vị trụ trì tỏ vẻ thận trọng.
Biết chúng tôi được phía Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu đến, ông mới dẫn ra phía sau nhà tổ để tham quan. Xen lẫn khói hương nghi ngút, quả tim lửa được đặt trang trọng ngay gian giữa, bao quanh là lớp kính trong suốt.
Quả tim lửa, vật linh thiêng của chùa Tam Thai. |
Dưới ánh sáng mờ mờ của đèn điện, quả tim lửa vẫn ánh lên tia sáng rực rỡ. Dường như thấu hiểu nỗi băn khoăn của PV, vị hòa thượng cho hay: “Từ ngày tôi đến tu tập rồi làm trụ trì ở đây, nó đã sáng như vậy. Chính tôi cũng không hiểu vì sao”.
Giọng chậm rãi, vị hòa thượng cho biết, mình là đời trụ trì thứ 16. Tất cả những tích về ngôi chùa hay báu vật ở đây, mọi người đều chỉ được biết thông qua vị trụ trì trước và đọc trong sách vở, kinh kệ, thư tịch để lại.
Theo ông, tương truyền, trong một lần thất trận, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) phải bôn ba giữa biển khơi. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, không ít quân lính phải bỏ mạng vì thiếu lương thực và nước ngọt.
Trong lúc nguy cấp, chúa quỳ gối về phía đông cầu xin, khấn vái. Bất ngờ, từ dưới biển xuất hiện một dòng nước ngọt. Nhờ vào dòng nước này mà đoàn thuyền của chúa đã được cứu sống.
Lúc cập bến, chúa cùng tùy tùng chọn vùng núi còn hoang sơ, cây cối um tùm là Ngũ Hành Sơn ngày nay, chờ thời cơ gây dựng cơ đồ. Khi đang lánh nạn, chúa bất ngờ khi thấy trên núi có một ngôi chùa nên ghé vào.
Lúc ấy, có vị sư giảng đạo nên chúa ngồi xuống nghe. Thông qua cuộc tiếp kiến, chúa Nguyễn Ánh được khơi đạo và ngộ ra nhiều căn cơ của thời cuộc. Vì vậy, chúa xin được ở lại lánh nạn và nghe thỉnh giảng.
Cũng nhờ duyên cơ này mà chúa được cứu sống nên đã phát nguyện: “Nếu sau này nghiệp phục quốc thành công, ta nhất định sẽ trở lại, quyết gây dựng nơi này để được người đời biết đến”.
Đại cuộc thành công, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua nhưng có quá nhiều điều phải làm, không thể thực hiện được phát nguyện trước đó. Mặc dù vậy, trong thâm tâm, vua Gia Long vẫn canh cánh lời hứa năm nào nên trước khi lâm chung đã để lại di chúc cho con trai.
Sau này, vua Minh Mạng đã làm theo lời di nguyện của vua cha, trở lại Ngũ Hành Sơn, xây dựng ngôi cổ tự và quả tim lửa xuất hiện từ đó.
Bảo vật ngự ban
Vào giữa tháng 5, năm Minh Mạng thứ sáu, vua vượt núi Hải Vân vào thăm Ngũ Hành Sơn để thực hiện ước nguyện của cha. Sau khi thăm thú, vua cho trùng tu chùa chiền, đúc chín bức tượng Phật, ba quả chuông, xây dựng danh lam thắng cảnh xung quanh.
Ngoài ra, vua cho xây gần chùa một hành cung để quan quân có chỗ nghỉ ngơi khi đến thăm... Lúc hoàn thành, vua ban dòng chữ “Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo” (tạm dịch: Ngự chế chùa Tam Thai, lập năm Minh Mạng thứ sáu), đồng thời cho đúc một kim bài bằng đồng có hình quả tim lửa đang cháy và cũng là hình chiếc lá bồ đề. Đây chính là lý do mọi người vẫn gọi kim bài là quả tim lửa, cao 45cm, rộng 35cm.
Đặc biệt, cả hai mặt đều được khắc chữ theo ngự bút của vua Minh Mạng. Mặt trước vua ban dòng chữ “Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên”.
Trụ trì Huệ Mãn giải nghĩa: “Đức Như Lai cai quản thế gian bằng pháp môn vô thường, rộng lòng tế độc cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam chịu ân huệ sâu dày này”. Mặt sau ghi “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo”.
Hòa thượng Huệ Mãn tạm dịch: “Làm vào ngày tốt, năm Minh Mạng thứ sáu”. Sử sách ghi lại, kim bài hoàn thành, chính tay vua Minh Mạng trao tặng cho các vị sư ở chùa Tam Thai. Ngài gửi gắm mong muốn, ngôi chùa này sẽ trở thành trung tâm Phật học giữa vùng núi hoang vu, u tịch và trở thành một điểm đến cho những người dân khắp nơi có ý định tu tập.
Đồng thời, ngài hy vọng, kim bài sẽ mang lại nhiều may mắn cho những vị thiền sư đến tu tập tại chùa. Trăn trở của vua vẫn chưa dứt, sau đó, ngài quyết định ban sắc dụ bổ nhiệm sư Viên Trừng – một trong những vị sư nổi tiếng lúc bấy giờ ở kinh đô vào làm trụ trì.
Sau đó, không ít lần, ngài quay trở lại để thắp hương, viếng thăm và nghỉ lại. Theo hòa thượng trụ trì thì tấm kim bài được ngự ban ở chùa, công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng) đến thăm và "phải lòng" nơi này.
Lúc ấy, bà cũng chán cảnh hồng trần nên quyết định dứt bỏ mọi thứ ở lại đây thọ giới. Hơn mười lần, vua Minh Mạng gửi thư ngỏ ý muốn công chúa hồi cung nhưng đều không được hồi đáp.
Sau cùng, vua ra sắc dụ, buộc công chúa trở về. Vì chiếu đã ban, không thể kháng lệnh, công chúa đành từ giã nhưng trước khi ra về đã kịp thắp nhang cho quả tim lửa. Tương truyền, hôm trở về cung, công chúa đã khóc rất nhiều. Từ đó đến nay, kim bài được thờ cúng trang trọng tại ngôi cổ tự Tam Thai.
Sợ trộm “viếng thăm”
Trong cuộc trò chuyện, khi chúng tôi thắc mắc vì sao nhà chùa có vẻ thận trọng khi mới gặp PV thì được thầy Thích Huệ Mãn cho hay: “Thời gian gần đây, báo chí đưa tin trộm cắp cổ vật rất nhiều nên chúng tôi cũng phải cảnh giác!”.
Ông kể, trước đây, chùa Tam Thai cũng có nhiều cổ vật như lư đồng, đèn đồng, chuông đồng... Tuy nhiên, khoảng hơn chục năm trước, ngôi cổ tự bị trộm “viếng thăm” nhiều lần. Vì thế, số cổ vật đã bị vơi dần theo thời gian.
Vị trụ trì nhớ lại, có lần, vừa thức giấc đã thấy cửa hé mở. Hốt hoảng, ông vội chạy đến kiểm tra tấm kim bài và thở phào nhẹ nhõm khi vẫn còn trông thấy nó. Tuy nhiên, đến trưa cùng ngày, ông phát hiện, một số cổ vật có giá trị đang được thờ phụng “không cánh mà bay”.
Vị sư cho rằng, nỗi lo mất cổ vật không phải chỉ của riêng chùa Tam Thai, mà của tất cả các chùa. Đã thế, chùa có khá nhiều khách vãng lai, nên không thể kiểm soát được những kẻ xấu.
Trong khi đó, tại chùa lại ít sư sãi, nên việc bảo vệ, tránh trộm cắp là điều rất khó. Khi chúng tôi thắc mắc, tại sao kim bài được thờ cúng ngay gian giữa của nhà tổ, nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong khi chùa bị trộm đột nhập nhiều lần, vị trụ trì cho biết, ông cũng từng nghĩ đến chuyện này. Ông bảo, có thể, các bậc tiền nhân phù hộ độ trì nên đã giúp quả tim lửa vẫn còn tồn tại ở chùa.
Quả tim lửa được xem là vật linh thiêng, hồn cốt của chùa Tam Thai nên luôn được vị trụ trì lưu tâm, ngoài thời gian thắp hương, ông thường lui tới quan sát. Hơn chục năm nay, vào ban đêm, ông mang mền gối ra nhà tổ nằm canh chừng.
Sáng sớm thức dậy nhìn thấy kim bài, vị trụ trì mới an tâm. “Quả tim lửa là cổ vật quý giá về mặt tâm linh lẫn tinh thần của ngôi cổ tự này. Do đó, việc bảo vệ nó luôn được đặt lên hàng đầu.
Trong thâm tâm, lúc nào tôi cũng sợ xảy ra việc mất vật báu này”, vị trụ trì chia sẻ.
Đề nghị công nhận quả tim lửa là bảo vật quốc gia Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng xác nhận: "Quả tim lửa thuộc quyền sở hữu của chùa Tam Thai. Ngoài việc tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu tiếp cận cổ vật này, chính quyền cũng giúp việc bảo vệ, quảng bá. Ngành bảo tàng cũng đã tập hợp những cứ liệu về giá trị để đề xuất công nhận cổ vật này là bảo vật quốc gia". |
Nhâm Thân- Huy Cường
Xem thêm video tin tức:
[mecloud]SMWOXkUZN8[/mecloud]