+Aa-
    Zalo

    “Bầu” Kiên đổ lỗi cho người chết và những phút im lặng đáng ngờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Trong hai ngày qua, HĐXX tập trung xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty do mình làm Chủ tịch với số tiền lên đến hơn 21,490 tỉ đồng.

    (ĐSPL) - Trong hai ngày qua, HĐXX tập trung xét hỏi về hành vi kinh doanh trái phép của Nguyễn Đức Kiên thông qua 6 công ty do mình làm Chủ tịch với số tiền lên đến hơn 21,490 tỉ đồng. Bằng những câu hỏi xoáy trực diện, kết hợp với nhân chứng có mặt tại tòa và chứng cứ có trong hồ sơ, HĐXX phúc thẩm đã lật tẩy hành vi phạm pháp của bị cáo Nguyễn Đức Kiên một cách thuyết phục.

    (bgiay)Ngày thứ ba xét xử “đại án bầu Kiên”: Đổ lỗi cho người đã

    Phiên xử “bầu” Kiên ngày 2/12.

    Người chết không thể lên tiếng

    Trong phần xét hỏi, HĐXX tập trung làm rõ hành vi kinh doanh giá vàng tại Công ty cổ phần phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Thiên Nam. Công ty này không đăng ký kinh doanh vàng và trạng thái vàng, nhưng ngày 30/11/2009, Tổng Giám đốc công ty Thiên Nam là ông Lê Quang Trung (đã chết) đã ký văn bản thỏa thuận với Vietbank về việc công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 09 ngày 9/5/2009 giữa Vietbank với ngân hàng ACB. Tại tòa, ông Nguyễn Đức Thái Hân - Phó Giám đốc ngân hàng ACB xác định, tại công ty Thiên Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Nguyễn Đức Kiên là người có quyền quyết định mọi hoạt động kinh doanh trạng thái vàng. ông Hân còn khẳng định, theo biên bản họp thường trực HĐQT công ty Thiên Nam đã ủy quyền cho ông Nguyễn Đức Kiên hoạt động kinh doanh trạng thái vàng thông qua hệ thống ghi âm trên điện thoại của ngân hàng ACB. Vì vậy, khi giao dịch mua bán, ông Kiên là người toàn quyền quyết định.

    Sự thật đã được làm rõ, nhưng bị cáo Kiên vẫn đổ lỗi cho người đã mất là ông Lê Quang Trung- thực hiện việc kinh doanh trạng thái vàng với ngân hàng ACB. HĐXX đặt câu hỏi: “Bị cáo có tham gia cuộc họp HĐQT ngày 5/12/2009 không? Bị cáo Kiên đáp: “Có. Tôi chủ trì cuộc họp này”. “Nội dung cuộc họp bàn gì?”. “Nội dung chính là ủy quyền cho tôi đại diện công ty Thiên Nam thực hiện giao dịch trạng thái vàng bằng hệ thống ghi âm trên điện thoại với ngân hàng ACB”. Tòa truy xét: “Tại sao, bị cáo lại đổ lỗi cho ông Trung thực hiện giao dịch với ngân hàng ACB?”. Bầu Kiên giọng lấp liếm: “Do hệ thống điện thoại của ngân hàng ACB không nhận ra giọng nói của ông Trung, nên ông Trung “nhờ” bị cáo gọi điện ghi âm thực hiện giao dịch?!”. Cuối cùng, bị cáo Kiên thừa nhận có gọi điện thoại cho ngân hàng ACB để thực hiện giao dịch trạng thái vàng theo hợp đồng 017. Theo HĐXX, đây là hành vi kinh doanh trái phép.

    Núp bóng hoạt động đầu tư tài chính để làm giàu bất chính

    Khi HĐXX đọc ra chuỗi hành vi góp vốn, mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng thông qua 5 công ty: Cổ phần đầu tư thương mại B&B, công ty cổ phần tập đoàn tài chính á Châu (AFG), công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI), công ty Cổ phần đầu tư tài chính á Châu (ACI), công ty TNHH đầu tư tài chính á Châu Hà Nội (ACI-HN) với số tiền lên đến cả chục nghìn tỉ đồng của “bầu” Kiên, nhiều người không khỏi giật mình vì khối tài sản khổng lồ này không biết từ đâu mà có. Vị chủ tọa lên tiếng: “Bị cáo góp vốn thành lập doanh nghiệp mới, mua cổ phần, cổ phiếu của doanh nghiệp khác nhằm mục đích gì?”. Bị cáo Kiên trả lời: “Đây là hoạt động đầu tư tài chính dài hạn để sở hữu những doanh nghiệp đó”. HĐXX lật lại vấn đề: “Hoạt động đầu tư của bị cáo là hoạt động gì?” – Đáp: “Đầu tư tài chính”- “Bị cáo cho biết, theo Luật Đầu tư, đầu tư tài chính là đầu tư có điều kiện hay không có điều kiện?”. Bị cáo Kiên thừa nhận: “Trong một số trường hợp cụ thể, đầu tư tài chính, ngân hàng là đầu tư có điều kiện”.

    Video liên quan:

    Bầu Kiên tự bào chữa, kêu cứu trước tòa

    HĐXX dẫn chiếu Điều 45, Luật Đầu tư quy định: Thủ tục đăng ký đầu tư với dự án đầu tư trong nước, với dự án quy mô dưới 15 tỉ đồng và không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện, thì không phải xin phép. Từ 15 tỉ đồng đến 300 tỉ đồng và không thuộc danh mục đầu tư có điều kiện, thì phải đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. “Vậy các doanh nghiệp của bị cáo khi thực hiện một số hoạt động đầu tư trực tiếp, có quy mô trên 15 tỉ đồng, thuộc lĩnh vực có điều kiện, thì có cần đăng ký không?”. Bầu Kiên trả lời lấp lửng: “Các dự án doanh nghiệp của bị cáo đều có giấy đăng ký đầu tư”. HĐXX ngắt lời: “Hồ sơ tài liệu không thể hiện, đề nghị bị cáo cung cấp cho Tòa”. Bị cáo Kiên im lặng.

    Phần xét hỏi càng lúc càng “nóng lên” vì bị cáo Kiên tỏ ra lúng túng trước nhiều câu hỏi: “Trong 5 doanh nghiệp do bị cáo làm Chủ tịch HĐQT, Hội đồng thành viên, có công ty nào đăng ký kinh doanh đầu tư tài chính không?” - “Không”. Tòa hỏi tiếp: “Việc phát hành trái phiếu của 5 công ty tuân thủ quy định pháp luật nào?”. Bị cáo Kiên đáp: “Nghị định 52 của Chính phủ”. HĐXX giải thích: “Điều 1, Nghị định 52 quy định công ty cổ phần, công ty Nhà nước trong thời gian chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc TNHH, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Vậy, công ty ACI-HN có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này không?”. Bị dồn vào thế bí, bị cáo Kiên giọng nhỏ nhẹ: “Đề nghị chuyển câu hỏi này cho công ty ACBS vì công ty đã tư vấn cho chúng tôi”. Tòa ngắt lời: “Bị cáo chỉ ra theo Luật Doanh nghiệp. Nếu không chỉ ra được, thì đề nghị thư ký ghi vào biên bản”.

    Về vấn đề này, bản án sơ thẩm đã khẳng định: Nguyễn Đức Kiên là người thành lập doanh nghiệp khi kê khai hồ sơ đăng ký kinh doanh đã không kê khai ngành nghề kinh doanh cổ phần, cổ phiếu. Khi tiến hành kinh doanh không thực hiện đúng nội dung theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Hành vi kinh doanh của bị cáo núp dưới hình thức đầu tư mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào các công ty đã vi phạm quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự (kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký kinh doanh).

    Chưa có bằng chứng chứng minh “bầu” Kiên bị kết tội oan

    Ngày 14/11/2014, bị cáo Nguyễn Đức Kiên (SN 1964, trú tại Hà Nội) đã gửi một tập đơn khiếu nại dài 118 trang giấy viết tay lên Tòa phúc thẩm TAND Tối cao và 26 trang gửi VKSND Tối cao. Theo đó, “bầu” Kiên vẫn một mực kêu oan. Theo ghi nhận của PV báo Đời sống và Pháp luật, qua 3 ngày xét xử, bị cáo và 4 luật sư bào chữa vẫn chưa đưa ra được chứng cứ thuyết phục để chứng minh bị cáo này vô tội.

    Vợ "bầu" Kiên: "Hai năm qua là kinh khủng nhất với gia đình tôi"

    HĐXX tiếp tục chất vấn bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ "bầu" Kiên. Bà Lan cho biết, công ty Thiên Nam hiện vẫn đang hoạt động, tuy nhiên khi không có gì phát sinh mới, chỉ duy trì những hoạt động cũ. Khi được hỏi về hợp đồng giao dịch tài chính giữa công ty B&B và ACB, bà Lan nói giọng nghẹn ngào: "Mặc dù tôi với cương vị là Tổng Giám đốc công ty B&B nhưng thực ra việc kinh doanh là do anh Kiên điều hành hết. Anh Kiên mang hợp đồng về nhà, ủy quyền cho tôi ký hoặc khi anh Kiên đi công tác thì tôi được ủy quyền ký các giấy tờ cho kế toán. Tuy nhiên, tôi không để ý nội dung. Tôi đọc và có biết là có một hợp đồng giao dịch với ACB về tài chính nhưng nội dung cụ thể tôi không rõ. Tôi xin khẳng định, khi nào anh Kiên ở nhà thì anh ấy ký, tôi chỉ ký khi nào anh ấy đi vắng. Năm 2009, tôi mang thai và sinh con nên ở nhà, không theo giao dịch mà B&B ký với ACB".

    Tòa hỏi: "Bà nghĩ như thế nào về trách nhiệm của mình khi ký vào hợp đồng ủy thác giữa công ty B&B và bà Thúy Hương (em gái "bầu" Kiên - PV)?". Bà Ngọc Lan trả lời: "Đúng là tôi có ký nhưng không nhớ khi nào và nội dung hợp đồng cụ thể. Tôi đủ nhận thức để biết phải đọc kỹ trước khi ký, nhưng ở trường hợp này thì tôi hoàn toàn tin tưởng anh Kiên. Chắc anh Kiên cũng không đưa cho tôi ký những thứ sai trái… Tôi được ủy quyền chung là ký các văn bản liên quan đến ngân hàng, tài chính. Tôi không để ý công việc làm ăn của anh Kiên, quan hệ ngoài xã hội của anh Kiên và việc làm ăn của anh Kiên với em gái".

    Nói đến đây, nước mắt người đàn bà đẹp tràn trên hai gò má. "Tôi ký với trách nhiệm là một người vợ, tôi hoàn toàn tin tưởng vào chồng. Mong HĐXX xem xét, hiểu cho tôi. Người ủy quyền là chồng tôi, nên tôi không thể nói anh Kiên phải chịu trách nhiệm chính… Kính thưa HĐXX, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó mình là đồng phạm với chồng. Tôi nghĩ mình không bao giờ làm sai cái gì và chồng mình cũng không làm sai, tôi làm với suy nghĩ và niềm tin như vậy. Xin tòa xem xét trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể của một người phụ nữ, một người vợ như tôi...", bà Lan trình bày tại toà.

    Ngừng một lát, bà Lan nói tiếp: "Hai năm vừa rồi rất kinh khủng đối với gia đình tôi. Ba đứa con còn nhỏ, các doanh nghiệp khác không hợp tác nữa. Trước đây, tôi chưa bao giờ phải động tay vào công việc kinh doanh, vậy mà 2 năm qua, tôi đã phải nghiên cứu các tài liệu, làm tiếp các công việc kinh doanh của công ty mà chồng để lại".

    Hường Tuấn
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bau-kien-do-loi-cho-nguoi-chet-va-nhung-phut-im-lang-dang-ngo-a72266.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.