Khi những dòng này đến với cả bầu Đức và Hoàng Anh Tuấn thì cuộc "đấu khẩu" giữa hai ông vẫn chưa có hồi kết. Nhưng tôi vẫn sẽ viết, viết những câu chuyện nhặt nhạnh và không tên.
Gặp Kwin, tay phóng viên "đáng ghét" của Myanmar
"Này cưng, đến từ đâu vậy?", tay phóng viên Myanmar có cái tên Aung Keo Kwin hỏi tôi với ánh mắt trố lên. Tôi bảo với anh ta, tôi đến từ Việt Nam và hỏi có chuyện gì không thì ngay lập tức nhận được cái nhích mép.
Cái nhích mép ấy khiến tôi nhớ cho đến tận bây giờ, dù không phải là dạng thù lâu nhớ dai. Chén xong ly mì gói trong phòng nghỉ dành cho giới truyền thông tác nghiệp tại SEA Games 2015 ở Singapore, Kwin lại cà khịa tôi. Thú thật là tôi chẳng biết anh ta muốn cái quái gì lúc ấy.
Tôi cầm cốc nước xoay tròn để chờ Kwin nhả chữ. Đúng như dự đoán, anh ta nói rất dài câu chuyện về U19 Myanmar giành vé tham dự U20 World Cup 2015.
Anh ta nói thao thao như thể tôi đến từ một hành tinh khác, chỉ biết ngồi đó và nghe những điều chẳng mấy hay ho. Có lẽ anh ta chẳng biết tôi là một trong những phóng viên Việt Nam đã có mặt tại VCK U19 châu Á 2014 tại Myanmar.
Hồi đó, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Đông Triều… cùng đồng đội đến với xứ Miến Điện với biết bao kỳ vọng. Và cánh phóng viên chúng tôi cũng mang đến Myanmar với biết bao hoài bão, U19 Việt Nam sẽ làm nên chuyện lớn.
Không quá khi nói rằng, năm ấy U19 Việt Nam với nòng cốt là lứa học viện HAGL-JMG được đầu tư tận răng. Họ có 3 năm chơi bóng cùng nhau liên tục ở mọi giải đấu và trước đó là 5 năm trời ở JMG. Họ được đầu tư chế độ đặc biệt, thậm chí có đầu bếp riêng được mang từ Việt Nam sang.
Cánh phóng viên chúng tôi cũng có chút "thơm lây" khi được ở cùng khách sạn và được ăn theo chế độ của đội tuyển. Có lẽ vì thế vài anh bạn của tôi cứ gọi điện về nhà là khoe với vợ và bạn gái rằng, mình đã béo lên trông thấy.
Rốt cuộc thì U19 Việt Nam thất bại. Chúng ta thua người Hàn "vỡ mặt", gục ngã trước người Nhật một cách đau điếng. Nếu có gì vui thì là tự an ủi nhau bằng trận hòa 1-1 trước Trung Quốc, trong một trận đấu mà chúng ta như đè ngửa đối thủ ra đá...
U19 Việt Nam với nòng cốt lúc bấy giờ là U19 HAGL đã thua đau đớn tại vòng bảng VCK U19 châu Á khi gặp những đối thủ quá mạnh là Hàn Quốc, Nhật Bản.
Sau trận đấy, có người bảo đúng là nặng "vía". Đội đang gác 1 bàn, bỗng dưng ông lại tót xuống khu cabin để ngồi, thế là đám trẻ mặt mũi xanh lè đá đấm không nổi. Cũng sau lần ấy, ông Đức ít xuất hiện trên khán đài có lẽ vì thế.
Ngày U19 Việt Nam về nước, U19 Myanmar rục rịch chuẩn bị cho trận tứ kết giải đấu. Và câu chuyện thần kỳ đã xảy ra, các học trò của HLV Gerd Zeise đã hạ UAE 1 bàn duy nhất để đến với U20 World Cup 2015.
Vâng, có lẽ tôi đã hơi dài dòng khi cắt ngang lời của Aung Keo Kwin, kẻ mà tôi gọi là gã phóng viên đáng ghét, dù anh ta có cái nét gì đó hài hước và thật ra cũng chẳng sai khi "xát muối" vào niềm kiêu hãnh của tôi, một trong những chứng nhân cho thất bại của U19 Việt Nam 3 năm về trước.
Số phận như trêu ngươi, tôi gặp lại Kwin. Đấy là trận Bán kết SEA Games 28 giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar. Thú thật, bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác không "tiêu hóa" nổi trận thua của HLV Miura và các học trò, bởi chúng ta đã chơi thứ bóng đá vật vờ, vô vị.
Myanmar thắng 2-1 đầy kiêu hãnh và Kwin lại có dịp "nổ banh xác". Chẳng sao cả, bóng đá là chiến trường và kẻ chiến thắng luôn có quyền phán xét, nên tôi cũng chỉ biết cười trừ để giấu nỗi đau vào trong.
Bầu Đức, ông Tuấn "con" & câu chuyện bóng đá duy mỹ hay thực dụng
Thất bại của U19 Việt Nam hay thất bại của bầu Đức giúp cho nhiều người nhận ra những khoảng cách khó thu hẹp của chúng ta với bóng đá châu lục, chứ đừng nói đến tầm thế giới.
Nhưng cũng nhờ cái lứa U19 năm ấy mà bóng đá Việt Nam có những động lực với điều gọi là bóng đá duy mỹ, tức hướng tới cái đẹp từ trên sân đến đạo đức bên ngoài.
Dẫu vậy, người ta vẫn đau đáu đặt ra một câu hỏi, làm gì để chúng ta mở cánh cửa đến với những giải đấu thế giới? Hai năm sau, rốt cuộc HLV đã làm được với lứa U19 Việt Nam tại VCK U19 châu Á 2016 tại Bahrain.
Sự thật, bóng đá với ông Tuấn ít có chỗ cho hai chữ "duy mỹ". Bóng đá với ông Tuấn là phải chiến thắng bằng mọi phương pháp có thể… Thế nên, người ta thấy ông Tuấn có cái hình hài của ông Toshiya Miura, vốn tôn sùng chủ nghĩa bóng đá thực dụng.
Đấy phải chăng là điểm mà bầu Đức không thích ông Tuấn? Mà thực ra, trong quá khứ ông Đức cũng từng không muốn nhắc đến nhà cầm quân người Khánh Hòa bởi những câu chuyện ngoài sân cỏ, mà trong giới ai ai cũng rõ…
Song nói gì thì nói, HLV Hoàng Anh Tuấn là "công thần" vì ông đã tạo nên bước ngoặt hay sự sang trang cho bóng đá Việt Nam, ít nhất là ở địa hạt bóng đá trẻ.
HLV Hoàng Anh Tuấn đang là người hùng của bóng đá Việt Nam.
Tôi đã và đang trộm nghĩ, nếu bây giờ có gặp lại Kwin, gã phóng viên đáng ghét từ Myanmar, chúng tôi cũng có quyền vỗ ngực tự hào rằng, Việt Nam cũng dự World Cup và đã làm được sự khác biệt cho Đông Nam Á, đó là giành được 1 điểm thay vì tay trắng về không như trước đây.
Đúng, ông Tuấn đã làm được những điều chưa ai làm được trước đó nên ông Tuấn là người có quyền. Và chúng tôi, ở cương vị những phóng viên tác nghiệp luôn dành sự tôn trọng lẫn trân trọng cho nhà cầm quân này vì những điều đã làm được, dù bằng cách này cách nọ, dù có ăn may hay là gì đi nữa…
Còn những phát ngôn của bầu Đức, hẳn rằng ông có những cái lý của riêng mình trong cách nhìn của một người làm bóng đá lâu năm. Nhưng có lẽ, đấy là những phát biểu không đúng thời điểm về "người hùng" đương đại của bóng đá Việt Nam.
Câu chuyện giữa bầu Đức và HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn chưa có hồi kết bởi rồi đây, có thể quân của bầu Đức sẽ còn phải gặp ông Tuấn dài dài. Hy vọng lúc ấy, cái kịch bản "Miura 2.0" sẽ không lặp lại với bóng đá Việt Nam bởi nó đã từng là một khoảng tối mà người ta đốt đuốc không tìm được đường ra.
Nếu bầu Đức và HLV Hoàng Anh Tuấn có tâm, có tầm thì hãy dừng làm tổn thương nhau bởi như thế chẳng khác nào một trò cười và chẳng ai là người chiến thắng trong cuộc chiến "nước bọt" này.
Còn về tay phóng viên đáng ghét của Myanmar, nếu gặp lại chúng tôi chắc anh ta sẽ phải hỏi, cầu thủ U20 của Việt Nam bây giờ ra sao và đang làm gì?